MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khóc cùng Kim Long - người giàu không biết tiêu tiền

Chủ tịch HĐQT của KLS từng tâm sự: “Nghiệp vụ môi giới của KLS không hiệu quả nên chúng tôi không làm nữa. Tìm cách đẩy thị phần lên, tăng mạnh doanh thu thì phải chấp nhận làm nhiều điều chúng tôi không muốn."

Ngày 08/04/2016, tên tuổi vàng son một thời trên thị trường chứng khoán là CTCP Chứng khoán Kim Long (mã: KLS) thông báo sẽ trình cổ đông tại đại hội thường niên tới đây thông qua việc giải thể công ty, hủy niêm yết cổ phiếu.

Khi công ty thực hiện giải thể, mỗi cổ đông sẽ nhận được một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty. Theo tính toán của Kim Long, giá trị thanh lý của mỗi cổ phiếu được ước tính vào khoảng 10.615 đồng- 11.240 đồng/cp.

Trong 10 năm qua, tổng lợi nhuận của KLS mới được 450 tỷ đồng. Cũng trong 10 năm ấy, KLS từ hoàng kim trở thành “người giàu không biết tiêu tiền”.

Một CTCK không có thế mạnh cạnh tranh nào

Ra đời từ năm 2006, đến năm 2009, việc tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng đã đưa Kim Long trở thành một trong 5 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Năm 2010, Kim Long tiếp tục tăng vốn lên 2.025 tỷ đồng và trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn thứ 3 trên thị trường, sau SSI và Agriseco.

Tuy nhiên, diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán trong những năm đó cùng với sự bế tắc trong việc định hướng dịch vụ chứng khoán cho Kim Long đã khiến Ban lãnh đạo của công ty này quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động từ CTCK sang Công ty đầu tư vào năm 2011.

Song không ngờ kế hoạch này đã bị cổ đông phản đối gay gắt và không thông qua. Vừa tăng vốn, lại “chưa tìm được nơi đầu tư hiệu quả”, thời điểm này, Kim Long nổi tiếng bởi nắm giữ trong tay khoản tiền mặt gần 1.800 tỷ đồng gửi ngân hàng và năm 2011, KLS đã lãi gần 200 tỷ nhờ đem tiền đi gửi.

Duy trì loại hình công ty chứng khoán, vận may dường như không đến với Kim Long. Cầm một cục tiền to, từ đó đến nay Kim Long vẫn loay hoay chưa biết tiêu sao cho hiệu quả và cho đến bây giờ, khi nhắc đến các dịch vụ cơ bản của một công ty chứng khoán như môi giới, tư vấn, chẳng ai nhắc đến Kim Long. Không có tên trong top thị phần môi giới trên 2 sàn. Không có những hợp đồng tư vấn đình đám. Tự doanh, vốn là hoạt động phụ thuộc nhiều vào thị trường thì vừa giáng xuống đầu KLS một khoản dự phòng giảm giá khổng lồ do đầu tư vào nhóm cổ phiếu dầu khí.

Tính đến thời điểm cuối quý 1/2016, KLS đang có hơn 627 tỷ đồng tiền mặt và 1.764 tỷ đồng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lỗ, lãi; vốn điều lệ 2.205 tỷ và đang lỗ lũy kế 63 tỷ đồng.

Tám người mười ý bởi cổ đông phân tán

Là cổ đông sáng lập, tính đến hiện tại, ông Hà Hoài Nam cũng là cổ đông lớn nhất của KLS với tỷ lệ sở hữu 9,72%. Ông Phạm Tấn Huy Bằng – thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nắm 5,37%.

Còn lại, KLS có tới hơn 20.000 cổ đông nhỏ lẻ.

Sự phân tán trong cơ cấu cổ đông là một yếu điểm của KLS khiến cho các quyết định, chiến lược của ban điều hành khó được nhất trí thông qua. Sau khi bị phản đối chuyển đổi sang công ty đầu tư, Kim Long đã hoạt động vật vờ trong cái tên “công ty chứng khoán” mà không có định hướng lâu dài.

Bế tắc giữa “cạnh tranh” và “đạo đức”?

Năm 2011, ông Hà Hoài Nam – Chủ tịch HĐQT của KLS đã tâm sự: “Nghiệp vụ môi giới của KLS không hiệu quả nên chúng tôi không làm nữa. Tìm cách đẩy thị phần lên, tăng mạnh doanh thu thì phải chấp nhận làm nhiều điều chúng tôi không muốn. Những điều này không chỉ rủi ro với ban lãnh đạo KLS mà còn cả với cổ đông nữa. Mà nếu không làm thì thị phần môi giới tụt khủng khiếp.”

Đây vẫn là những lý do mà KLS đưa ra trong tờ trình xin giải thể. Theo đó, vì mục tiêu bảo toàn nguồn lực mà hiệu quả kinh doanh không cao. Ngay cả trong những năm kết quả kinh doanh được đánh giá là thành công, hiệu quả mang lại cũng không vượt qua được mức ROE của nhiều doanh nghiệp niêm yết thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác trên thị trường.

Trong khi đó, Kim Long tự thấy không thể cạnh tranh được với các CTCK khác tại thị trường quy mô nhỏ như Việt Nam. Theo KLS, cạnh tranh trong các hoạt động dịch vụ chứng khoán rất quyết liệt và thị phần chủ yếu thuộc về các công ty lớn, có lịch sử hoạt động lâu dài hoặc một số công ty chứng khoán chấp nhận được mức độ rủi ro cao.

“Vì vậy, nếu Công ty muốn gia tăng thị phần trong các hoạt động nghiệp vụ thì phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, có thể dẫn đến thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho các cổ đông. “

Không những thế, các lãnh đạo của CTCK có vốn hơn 2.000 tỷ này vẫn trăn trở một vấn đề đã được nói đến trước đây, đó là việc các CTCK phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ của pháp luật nhằm đảm bảo tính an toàn của cả hệ thống tài chính. Mặt trái của những quy định này khiến cho các CTCK không thể thực hiện các khoản đầu tư lớn, lâu dài và mang tính chi phối trong các doanh nghiệp mục tiêu. Vì vậy khả năng kiểm soát các khoản đầu tư dài hạn có nhiều hạn chế.

Ngay cả việc đem tiền gửi tiết kiệm cũng không hiệu quả vì mức lãi suất huy động của ngân hàng của KLS cũng thấp hơn mức lãi suất trả cho các cá nhân.

Nói đi nói lại thì Kim Long - tên tuổi một thời của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể gọi là người giàu không biết tiêu tiền và cuối cùng đã phải rời bỏ thị trường.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, Chứng khoán Kim Long nên giải thể không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bình An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên