Khởi công vành đai 4: Thủ tướng yêu cầu các cơ quan phối hợp tốt để sớm thông xe
Với chiều dài 112,8 km đi qua địa bàn 3 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, sáng 25/6 Thủ tướng Chính phủ và các địa phương liên quan đã “ấn nút” khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô. Mục tiêu của dự án là giảm ùn tắc và mở rộng không gian đô thị.
Tạo không gian phát triển và giải quyết các vấn đề tồn tại
Tổ chức buổi lễ khởi công hôm nay, Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chọn 6 địa điểm dọc phạm vi mặt bằng dự án qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh để khởi công, riêng Hà Nội có 4 địa điểm.
Đây là lần đầu tiên một dự án giao thông được chọn đến 6 điểm khởi công và được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội. Trong đó, vị trí mặt bằng dự án tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội (thuộc Km28+900) được chọn là vị trí số 1, địa điểm có Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh chủ đầu tư và các ban ngành tham dự.
Tại lễ khởi công Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vùng Thủ đô. Đây cũng là dự án trọng điểm quốc gia, là nhiệm vụ của Trung ương, nhưng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đã nhất trí giao cho thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung cho cả 3 tỉnh, thành phố.
Dự án có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, bao gồm 7 dự án thành phần đi qua 3 tỉnh thành phố gồm Hà Nội (58,2km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (25,6km). Trong đó, thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản - có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố Hà Nội; Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội; Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng.
Với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên là cơ quan chủ quản - có thẩm quyền đối với 4 dự án thành phần đi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mỗi tỉnh có 2 dự án thành phần gồm dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh quản lý.
Năm 2027 thông xe đường Vành đai 4
Về tình hình thực hiện dự án và công tác GPMB, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến thành phố Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 671,16 trên tổng số 798,043 ha mặt bằng dự án, đạt 84,10%; tỉnh Hưng Yên, đã phê duyệt và thu hồi đất được 161,84 trên tổng số 229,88 ha mặt bằng dự án, đạt 70,40%; tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và thu hồi đất được 286,712 trên tổng số 358,39 ha mặt bằng dự án, đạt 80,0%.
Với tiến độ dự án, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện từ năm 2022, khởi công ngày 25/6/2023, sau lễ khởi công chủ đầu tư đại diện UBND thành phố là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội và các nhà thầu bắt tay thi công, cơ bản hoàn thành dự án năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027. Sau khi thông xe, tuyến đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh thành phố với 14 làn xe, trong đó phần đường cao tốc đi trên cao rộng 6 làn xe, phần đường song hành hai bên (đường đô thị) rộng 8 làn xe.
Đánh giá về quá trình thực hiện và phối hợp thực hiện công tác GPMB và chuẩn bị khởi công dự án vừa qua chủ đầu tư cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã hiện thực hóa quyết tâm thực hiện Dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 thành các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án. Có thể nói, chưa dự án nào có được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Sự ủng hộ của người dân được thể hiện rất cụ thể, đó là sự tự giác, tự nguyện chủ động bàn giao đất cho thành phố. Ngay cả khi phần đất đó liên quan đến phần mộ của người thân, của dòng họ.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đầu tư cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đảng Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với hạ tầng giao thông mục tiêu đã được Quốc hội thông qua đến năm 2030 cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc; năm 2025 là 3.000 km. Với việc khởi công đường Vành đai 4, cùng với các dự án đã và đang triển khai, thi công vừa qua, nếu tập trung triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đến năm 2025 chúng ta sẽ có 3.400 km cao tốc vào năm 2025, cơ bản đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.
Với dự án đường Vành đai 4, Thủ tướng đánh giá, Quốc hội vừa thông qua chủ trương thực hiện được 1 năm nhưng thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã đạt trên 80% công tác GPMB để đủ điều kiện khởi công hôm nay là một sự cố gắng. Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng này. Sau lễ khởi công cùng với nỗ lực của các địa phương Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính phối hợp, hỗ trợ tốt để dự án Vành đai 4 triển khai thuận lợi, sớm thông xe theo kế hoạch và phát huy các mục tiêu đặt ra.
Bốn địa điểm tổ chức khởi công Vành đai 4 ngày 25/6, gồm: Vị trí 1, tại Km28+900, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Vị trí 2, mặt bằng dự án Vành đai 4 giao với Quốc lộ 2 thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Vị trí 3, mặt bằng dự án Vành đai 4 giao với đường trục phía Nam, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội; Vị trí 4, mặt bằng dự án Vành đai 4 tại Km190+270 giao với đường Quốc lộ 1A xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
tienphong.vn