Khởi đầu không mấy suôn sẻ, chứng khoán Việt Nam liệu có lội ngược dòng thành công trong tháng 11?
Nhịp giảm từ đầu tháng 11 hiện đã đưa P/E trailing của VN-Index về mức 10,4x tương đương các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 14,5x trong 10 năm trở lại đây.
Trái ngược với sự khởi sắc của chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam lại vừa khép lại tuần đầu tháng 11 không mấy suôn sẻ. Mặc dù đã nỗ lực “rút chân” trong phiên cuối tuần, VN-Index vẫn dưới 1.000 điểm, ghi nhận mức giảm 3% từ đầu tháng. Vốn hóa HoSE cũng theo đó bị thổi bay gần 123.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD), còn xấp xỉ 3,98 triệu tỷ đồng. So với đỉnh hồi đầu tháng 4, con số này thậm chí đã giảm đến hơn 2 triệu tỷ đồng.
Một tín hiệu tích cực là việc cầu bắt đáy đã có dấu hiệu nhập cuộc khi thị trường giảm mạnh. Giá trị khớp lệnh trên HoSE phiên 4/11 bất ngờ tăng vọt lên 11.400 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, nhìn chung thanh khoản thị trường vẫn rất ảm đạm. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu tháng 11 chỉ quanh mức 9.200 tỷ đồng, tương đương với mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 ghi nhận trong tháng 10 trước đó.
Giao dịch khối ngoại cũng không mấy khả quan khi rút ròng gần 800 tỷ đồng trên HoSE tính từ đầu tháng 11. Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên sàn này liên tiếp trong 2 tháng 9 và 10 với tổng giá trị 4.600 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị rút ròng của khối ngoại trên HoSE vào khoảng hơn 2.800 tỷ đồng. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tiếp tục là HPG sau khi doanh nghiệp đầu ngành thép HPG bất ngờ báo lỗ gần 1.800 tỷ đồng quý 3/2022.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán đến từ xu hướng tăng lãi suất vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Rạng sáng ngày 3/11 theo giờ Việt Nam, Fed đã có lần thứ 4 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % qua đó nâng lãi suất chuẩn dao động lên 3,75% - 4%, từ mức gần bằng 0 vào tháng 3. Chủ tịch Fed còn đưa ra thông điệp rằng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn ở phía trước và cảnh báo nhà đầu tư rằng con đường nâng lãi suất vẫn chưa kết thúc.
Việc Fed chưa có dấu hiệu giảm tốc hút tiền có thể sẽ đẩy đồng USD tiếp tục tăng cao và gây áp lực lên tỷ giá các quốc gia khác trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có lần thứ 2 tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm chỉ trong vòng một tháng.
Thị trường đang dò đáy?
Khởi đầu khó khăn trong tháng 11 không phải điều quá xa lạ với giới đầu tư. Trong quá khứ, từng có giai đoạn tháng 11 là khoảng thời gian tệ nhất trong năm đối với chứng khoán Việt Nam khi thị trường rơi vào vùng trũng thông tin. Ngoài ra, kỳ họp Quốc hội diễn với nhiều quyết sách quan trọng cũng diễn ra trong khoảng thời gian này có thể khiến tâm lý giới đầu tư thêm phần thận trọng.
Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ vào thị trường. Thực tế cho thấy VN-Index đã tăng điểm vào tháng 11 trong 4 trên 5 năm gần nhất. Thống kê dù chỉ mang tính chất tham khảo nhưng cũng đã phần nào mang đến thêm niềm tin cho nhà đầu tư vào một cú lội ngược dòng trong phần còn lại của tháng.
Nhận định về diễn biến thị trường trong tháng 11, Chứng khoán BSC đưa ra 2 kịch bản: Ở kịch bản tích cực, tâm lý dần ổn định và lực cầu bắt đáy hình thành mặt bằng giá trên 1.000 điểm. VN-Index có nhịp kiểm tra lại vùng cản 1.050 điểm của mô hình 2 đáy lệch với mục tiêu giá tại 1.100 điểm.
Theo BSC, diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ; các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong tầm kiểm soát; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy cuối năm; thông tin rõ ràng hơn về thị trường trái phiếu sẽ là động lực hỗ trợ thị trường hồi phục sau 2 tháng giảm sâu.
Ở kịch bản tiêu cực, diễn biến tỷ giá, lãi suất và thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục căng thẳng. Các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy mạnh tăng lãi suất, chính sách zero Covid Trung Quốc chưa nới lỏng và cuộc xung đột địa chính trị căng thẳng. Những điều này vẫn tạo nên tâm lý bi quan và tiêu cực về nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới. Dòng tiền tiếp tục phòng thủ ở các kênh tài sản ít rủi ro hơn. VN-Index có thể mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và lui về các vùng điểm thấp hơn đáy 986 điểm.
Trong khi đó, SSI Research cho rằng thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn dò đáy và sẽ biến động dưới trạng thái giằng co. Đội ngũ phân tích đánh giá vùng hỗ trợ 1.000 điểm sẽ tiếp tục quyết định xu hướng vận động của chỉ số. Nếu giữ vững vùng hỗ trợ này, đà hồi phục trên VN-Index sẽ được mở rộng với vùng mục tiêu đầu tiên là 1.040 điểm. Trong kịch bản ngược lại, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định các vùng hỗ trợ gần là 968 – 950 điểm.
SSI Reseach cũng nhấn mạnh, trong lịch sử, nhiều nhiều nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao và thời hạn đầu tư đủ dài sẽ tận dụng biến động để dần giải ngân do triển vọng tăng trở lại của thị trường trong dài hạn là rất lớn.
Mức định giá hợp lý của thị trường được đánh giá sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy dòng tiền đầu tư dài hạn quay trở lại. Nhịp giảm từ đầu tháng 11 hiện đã đưa P/E trailing của VN-Index về mức 10,4x tương đương các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 14,5x trong 10 năm trở lại đây.
Đồng quan điểm khi nhận định về triển vọng thị trường, ông Petri Deryng cho rằng định giá cổ phiếu đang rất rẻ và các mức hợp lý của chỉ số trong vài năm tới đều cao hơn so với mức thị trường bước vào năm nay. “Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chạm đáy ngay trong tuần này hoặc trong vài tuần tới, khi lãi suất có thể đạt đỉnh ở Việt Nam vào đầu năm 2023 và thị trường chứng khoán sẽ phản ánh điều này từ 3 hoặc 4 tháng trước” – nhà quản lý Pyn Elite chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mức sinh lời kỳ vọng của chứng khoán. Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cao có thể sẽ ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết khiến tăng trưởng EPS có thể sẽ chậm lại. Điều này có thể khiến mức định giá thị trường trở nên kém hấp dẫn hơn.
Nhịp Sống Thị Trường