Khơi dậy niềm tự hào hàng Việt
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, qua đó bảo vệ chính các quyền của người tiêu dùng.
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, qua đó bảo vệ chính các quyền của người tiêu dùng
Ngày 2-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động, nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới và biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.
Bài học từ TP HCM
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 10 năm thực hiện cuộc vận động, với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, cuộc vận động đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỉ lệ từ 90% trở lên. Còn tại các chợ và cửa hàng tiện lợi, tỉ lệ này cũng đạt trên 60%.
Thương hiệu ôtô Việt xuất hiện gần đây được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận rất tích cực Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, bà Ánh cho biết hiện nay, công tác tuyên truyền về cuộc vận động chưa rộng khắp, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt. Công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để. Thậm chí, có doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi.
Là DN tiên phong về thúc đẩy phát triển hàng Việt, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX TP HCM (Saigon Co.op), cho rằng chương trình "Tự hào hàng Việt" của Saigon Co.op không chỉ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, mà còn chứng minh cam kết của Saigon Co.op trong việc hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển với các nhà sản xuất Việt Nam, đồng thời cũng góp phần tác động tích cực trong việc nâng cao mối quan hệ tiêu dùng giữa DN Việt và khách hàng theo định hướng chung của cuộc vận động. "Tính đến nay, 690 điểm bán thuộc hệ thống của Saigon Co.op đã trải dài khắp 43 tỉnh, thành trên cả nước (gấp hơn 5 lần so với 128 điểm bán vào năm 2009). Tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op hiện nay đã đạt hơn 90%" - ông Đức thông tin.
Trong tham luận gửi đến hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, đã nêu những kết quả nổi bật và những kinh nghiệm thực hiện cuộc vận động tại địa phương này.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, bà Châu cho rằng việc triển khai cuộc vận động trên địa bàn TP HCM ngày càng có chiều sâu, tạo sự lan tỏa, tuyên truyền trong nhân dân và các DN. Qua đó, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Châu, để có đủ năng lực lãnh đạo, điều hành, Thành ủy TP HCM đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cuộc vận động cấp TP gồm 26 người do Phó Bí thư Thành ủy làm trưởng ban, Chủ tịch MTTQ làm phó ban thường trực. Trong thời gian đầu, TP HCM tập trung thông tin, tuyên truyền, khuyến khích sử dụng hàng Việt; kết nối, hỗ trợ DN với thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán lẻ, chống hàng gian, hàng giả… "Trong đó, ưu tiên tập trung bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, việc tuyên truyền cuộc vận động còn gắn với các chương trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nguồn gốc sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho người tiêu dùng" - bà Châu cho hay.
Để cuộc vận động hiệu quả, các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị của TP đã quán triệt và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của trung ương và Thành ủy, đưa nội dung chỉ đạo cuộc vận động thành trọng tâm, thường xuyên trong nghị quyết, chương trình hành động. Cuộc vận động cũng được gắn kết chặt chẽ với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; "Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". "Chẳng hạn, UBND TP giao Sở Tài chính hướng dẫn cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công, phải thực hiện mua sắm các hàng sản xuất trong nước (trừ các mặt hàng do yêu cầu kỹ thuật phải nhập từ nước ngoài)" - bà Châu thông tin.
Ngoài ra, TP HCM cũng tập trung các giải pháp hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống vùng, miền, hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại ngày càng văn minh, hiện đại; bảo đảm cho hàng hóa lưu thông thuận lợi nhằm khai thác lợi thế về hệ thống phân phối rộng khắp với 43 trung tâm thương mại, 207 siêu thị, 239 chợ truyền thống, gần 900 cửa hàng tiện lợi và hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn phủ khắp địa bàn TP. Chính vì vậy, tỉ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối luôn duy trì ở mức từ 65% - 95%.
Đặc biệt, trong suốt 10 năm qua, cuộc vận động trên địa bàn TP đã gắn liền với một chương trình mang tính sáng tạo cao, được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành, đó là chương trình "bình ổn thị trường" được duy trì từ năm 2001 đến nay. Trong đó, ưu tiên bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ dịp lễ, Tết, cũng như kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Bà Châu cho biết định kỳ hằng năm, TP luôn tổ chức thăm dò dư luận xã hội về cuộc vận động để nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân nhằm triển khai có hiệu quả hơn. Ngoài ra, TP cũng đã mở rộng cuộc vận động từ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang "Hàng Việt chinh phục người Việt" thông qua triển khai chương trình "Chắp cánh hàng Việt".
Vẫn còn nhiều hạn chế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đánh giá 10 năm thực hiện cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối. Cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, việc triển khai cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp chưa quan tâm đúng mức triển khai cuộc vận động. Ban chỉ đạo địa phương chưa chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cuộc vận động này.
Hạn chế khác là công tác quản lý nhà nước còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa thường xuyên. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi. "Đây là vấn đề rất nhức nhối, đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam. Không thể nói thực phẩm chức năng sản xuất từ than củi được" - ông Trần Quốc Vượng nói.
Theo Thường trực Ban Bí thư, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy và các ngành quản lý ở cơ sở bởi "Tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở. Hàng (giả - PV) người ta sản xuất mấy năm liền, tại địa bàn dân cư như thế mà chính quyền không biết được là làm sao?" - ông Trần Quốc Vượng nói.
Một trong những nhiệm vụ được ông Vượng nhấn mạnh là các cơ quan chức năng phải quan tâm, hỗ trợ các DN, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng. Nhà nước hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Quan tâm khuyến khích thị trường trong nước phát triển lành mạnh, tăng cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Thường trực Ban Bí thư cho rằng thời gian tới, cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa.
"Hội nghị cũng đã biểu dương 82 tập thể và 147 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai cuộc vận động trong 10 năm qua".
Trách nhiệm từ 3 phía
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, qua đó bảo vệ chính các quyền của người tiêu dùng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, điều quyết định thành công của cuộc vận động đòi hỏi trách nhiệm từ 3 phía. Nhà nước tạo môi trường pháp lý, hạ tầng, nhân lực để DN, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi. DN có trách nhiệm phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có hệ thống phân phối phù hợp với nền kinh tế, thuận lợi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng có nghĩa vụ tham gia sản xuất, đồng thời cũng như tiêu dùng chính những sản phẩm trong nước sản xuất.
Người lao động