Khởi động dự án cầu Cần Giờ
Chính quyền và người dân TP HCM kỳ vọng khi không còn phải lụy phà thì tiềm năng kinh tế, du lịch của Cần Giờ sẽ được đánh thức.
UBND TP HCM vừa yêu cầu các cơ quan chức năng chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ. Đây là cơ sở để đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP và các khu vực lân cận, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía Nam TP; góp phần tác động tích cực đến các hoạt động du lịch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nhà Bè, Cần Giờ nói riêng và TP nói chung.
Hạn chế việc giải tỏa nhà dân
Theo quyết định duyệt nhiệm vụ thiết kế tổ chức chọn "Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ - TP HCM" mà UBND TP mới thông qua, cầu Cần Giờ vượt qua sông Soài Rạp, hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè, sau đó vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ.
Sau khi vượt sông, hướng tuyến rẽ sang hướng Đông, đi song song với đường dây điện 220 KV, tiếp tục vượt sông Chà và kết nối với đường Rừng Sác. Điểm đầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2 khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè.
Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài tuyến đường 7,41 km với vận tốc thiết kế 60 km/giờ, bề rộng cầu chính 24,5 m, đáp ứng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp; tĩnh không thông thuyền 55 m.
UBND TP yêu cầu các đơn vị dự tuyển, các thiết kế phải tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; phù hợp tình hình hiện tại và dự báo nhu cầu giao thông tương lai; hài hòa với tổng thể giao thông của TP và thuận lợi kết nối hệ thống kỹ thuật hạ tầng của khu vực, tăng cường khả năng lưu thông đô thị; nhất là hạn chế việc di dời, giải tỏa nhà dân cũng như công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật hiện có; chú trọng các yêu cầu dân sinh.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết việc tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ nhằm tìm được ý tưởng tối ưu, có tính khả thi cao, độc đáo, hiện đại, đặc sắc, phù hợp với cảnh quan, tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách khi đến Cần Giờ. Đây cũng là cơ sở để đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ.
Vì thưa thớt người đi lại nên con đường Rừng Sác vốn chỉ được tưới nhựa để chờ lún càng nhanh chóng xuống cấp. Ảnh: SỸ ĐÔNG
Đường Rừng Sác không còn "ngủ yên"
Một khi cầu Cần Giờ được xây dựng, hoàn thành sẽ vực dậy đường Rừng Sác - Cần Giờ gần như "ngủ yên" sau 7 năm đưa vào sử dụng. Năm 2011, đường Rừng Sác với chiều dài 36,5 km, tổng chi phí hơn 1.500 tỉ đồng, kéo dài từ phà Bình Khánh đến điểm giao nhau với đường 30 Tháng 4 thuộc xã Long Hòa được thông xe trong sự vui mừng của người dân huyện Cần Giờ, bởi lần đầu tiên họ được đi trên con đường rộng 6 làn xe đầu tiên của huyện.
Thế nhưng hiện nay, con đường huyết mạch này đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường đoạn từ phà Bình Khánh đến cầu An Nghĩa bị bong tróc, bụi bay mù mịt mỗi khi có ôtô chạy qua. Vào những ngày mưa, mặt đường bị đọng nước ở làn đường trong cùng, sát dải phân cách. Thử chạy xe máy suốt tuyến, chúng tôi bị tê tay bởi mặt đường lổn nhổn đá cấp phối và những ổ gà xuất hiện ngay trước mặt.
Người đi xe máy phải gồng mình sau mỗi đợt vượt ổ gà còn xe thì cứ dằn xóc. Mặt đường bị vá chằng vá đụp sau các lần duy tu, sửa chữa. Dù đường có 6 làn xe nhưng số phương tiện chạy qua chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là xe buýt và xe du lịch cùng một số xe máy của người dân.
Ông Bùi Trần Cường, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng giao thông thuộc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4 (Khu 4) - Sở Giao thông vận tải TP - đơn vị quản lý đường Rừng Sác, cho biết đường Rừng Sác có 2 giai đoạn, hiện mới xong giai đoạn 1. Theo thiết kế giai đoạn 1, do vẫn phải chờ lún nên mặt đường chỉ được láng nhựa, nghĩa là tưới nhựa đường rồi trải đá lên và lu xe. Với kết cấu này, càng nhiều xe đi qua càng tăng độ kết dính do nhựa đường trồi lên, qua đó làm tăng tuổi thọ của mặt đường.
Tuy nhiên, do lượng xe hiện tại qua lại rất ít nên lớp đá bên trên dễ bị bong tróc hơn sau khi nhựa đường bị lão hóa. Bên cạnh đó, lượng ôtô tập trung đi vào làn trong cùng nên bị lún sâu hơn, khi mưa thì nước không thoát ra 2 bên được càng làm cho đường nhanh bị xuống cấp. Trong năm 2017, Khu 4 đã sử dụng hơn 20 tỉ đồng để sửa chữa các đoạn hư hỏng nặng.
Theo ông Cường, Khu 4 đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải TP kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương nâng cấp tuyến đường này để giải quyết triệt để tình trạng mặt đường bong tróc và xuống cấp. Nếu được TP chấp thuận, Khu 4 sẽ khảo sát, đánh giá lại độ lún để bù lún, nâng mái đường và trải bê-tông nhựa nóng.
"Lượng xe đi lại qua tuyến đường này thưa thớt là do bị lụy phà. Từ khi thông xe đường Rừng Sác đến nay, thứ mà người dân nơi đây mong chờ nhất là có cây cầu đánh thức những tiềm năng về kinh tế - du lịch để cuộc sống dễ thở hơn. Nay hay tin TP đang ra sức khởi động dự án cầu Cần Giờ, đối với người dân nơi đây thì điều này còn quý hơn vàng" - anh Hóa (ngụ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) vui mừng chia sẻ.
Thực hiện theo hình thức BOT kết hợp BT
Dự án cầu Cần Giờ được UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn dự kiến 5.300 tỉ đồng. Tháng 8-2016, Thủ tướng đồng ý chủ trương trên.
Về mặt kiến trúc, UBND TP cho biết cầu Cần Giờ là công trình giao thông mang tính biểu tượng, góp phần tạo nét đẹp của TP; hài hòa với cảnh quan sông Soài Rạp, các công trình lân cận và quy hoạch đô thị 2 bên bờ sông. Ngoài ra, phải bảo đảm tổ chức giao thông rành mạch, rõ ràng, hạn chế xung đột dòng xe; không ảnh hưởng bất lợi đến tổ chức giao thông ở các nút giao và các tuyến đường phố có liên quan trực tiếp.
Người lao động