MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ trong tháng 8, nối dài mạch bán ròng 5 tháng liên tiếp

Khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ trong tháng 8,   nối dài mạch bán ròng 5 tháng liên tiếp

Trong bối cảnh dòng tiền cá nhân chảy mạnh vào thị trường, khối ngoại đang cho thấy sự thận trọng khi bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trong suốt tháng 8.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua tháng 8 đầy rung lắc. Đang trong quãng hồi phục tốt, VN-Index bất ngờ giảm sốc trong phiên 18/8 và mất tới 55 điểm, tuy nhiên sau đó chỉ số đã kịp hồi trở lại và đóng cửa phiên cuối tháng tăng nhẹ so với đầu tháng. Thị trường diễn biến sôi động, thanh khoản sàn HoSE tăng hơn 11% so với tháng trước lên mức 20.300 tỷ đồng/phiên, nhiều phiên lập kỷ lục về khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch.

Trong bối cảnh dòng tiền cá nhân chảy mạnh vào thị trường, khối ngoại đang cho thấy sự thận trọng khi bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trong suốt tháng 8. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp khối ngoại bán ròng trên thị trường Việt Nam. T heo từng sàn, khối ngoại bán ròng 2.548 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 23 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 413 tỷ đồng trên UPCoM trong tháng 8.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu trong tháng 8 , cổ phiếu ngân hàng VPB ghi nhận mức bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị vượt ngưỡng 1.130 tỷ đồng. Cổ phiếu giảm hơn 5% trong tháng 8, xuống còn 20.950 đồng/cp. Cùng với đó, hai cổ phiếu bị bán ròng trên nghìn tỷ trong tháng 8 còn có VNZ (-1.112 tỷ đồng) và SSI (-1.105 tỷ đồng). Trong khi VNZ bị bán ròng thoả thuận, khả năng cao đến từ VNG Limited - tổ chức có liên quan tới người sáng lập VNG Lê Hồng Minh; trong khi SSI bị bán ròng chủ yếu trên kênh khớp lệnh.

Các mã cổ phiếu khác như MWG, FUEVFVND, DPM cũng đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng của khối ngoại trong tháng 8 với giá trị bán ròng lần lượt đạt 518 tỷ đồng, 513 tỷ đồng và 399 tỷ đồng.

Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận lực mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu ngân hàng SGB, giá trị mua ròng đạt 1.133 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là mua thoả thuận. Phần lớn lực mua ghi nhận tại phiên 8/8 với 44 triệu cổ phiếu SGB tương ứng giá trị gần 872 tỷ đồng.

Lực mua ròng của khối ngoại còn tập trung mạnh tại cổ phiếu VNM và CTG, giá trị lần lượt đạt 891 tỷ và 779 tỷ đồng. Giá trị mua ròng trên 300 tỷ cũng được ghi nhận tại cổ phiếu MSB (397 tỷ) và DGC (323 tỷ).

Tính chung từ đầu năm, giá trị giao dịch luỹ kế 8 tháng của khối ngoại ghi nhận bán ròng 2.700 tỷ đồng , phần lớn là bán ròng thoả thuận trong khi kênh khớp lệnh giao dịch tương đối cân bằng. Trong đó, top 3 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất gọi tên HPG (5.402 tỷ đồng), HSG (1.432 tỷ đồng) và IDP (1.346 tỷ đồng). Ở phía bên bán, EIB vẫn là cái tên chịu áp lực bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, giá trị hiện đạt 3.994 tỷ đồng, VPB bị bán ròng 2.222 tỷ đồng và VNZ bị xả ròng 2.203 tỷ đồng....

Như vậy, khối ngoại vẫn đang tiếp diễn xu hướng bán ròng trên thị trường. Xu hướng này có thể đến từ việc tỷ giá tăng thời gian qua ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại do các nhà đầu tư nước ngoài sẽ e dè hơn trong chiến lược đầu tư. Không chỉ vậy, hiện mức định giá của chứng khoán Việt Nam không còn thực sự quá hấp dẫn và trở thành rào cản đối với việc thu hút dòng vốn.

Tuy nhiên, biến động tỷ giá sẽ không quá đáng ngại với những sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, kỳ vọng dòng tiền sẽ hướng tới các thị trường mới nổi như Việt Nam khi các yếu tố về lãi suất hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có thể lấy lại đà tăng trưởng rõ ràng hơn cùng với đó là câu chuyện nâng hạng thị trường.

Đồng thời, vẫn xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, như sự xuất hiện của Quỹ ETF mới từ Singapore với tổng huy động ước tính ban đầu vào khoảng 5 triệu USD (118 tỷ đồng). Theo SSI Research, xu hướng đầu tư vào các quỹ ETF của Việt Nam trong dài hạn vẫn khá tích cực, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên cần lưu ý là xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân và đăc biệt dòng tiền sẽ chỉ vào mạnh khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc xác nhận xu hướng tăng rõ rệt.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Từ Khóa:
Trở lên trên