MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần 29/11-3/12, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm 2021 lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng

Khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần 29/11-3/12, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm 2021 lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng

Xét trong tuần qua, lực bán của khối ngoại tập trung tại bluechips của các nhóm ngành như thép (HPG), bán lẻ (MSN), chứng khoán (SSI, HCM), bất động sản (NLG, DXG) với giá trị đều đạt hàng trăm tỷ đồng chỉ trong 1 tuần giao dịch.

Áp lực bán gia tăng mạnh vào thời điểm cuối phiên 3/12 khiến thị trường chứng khoán mất hoàn toàn các trụ đỡ, giảm sâu gần 39 điểm xuống, mức thấp nhất phiên 1.443,32 điểm. Như vậy, VN-Index đóng cửa tuần với một cây nến dài đỏ sau khi bật lên từ ngưỡng 1.440 điểm; vùng 1.430-1.440 điểm hiện đang là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho xu hướng tích lũy của chỉ số.

Tuần qua, nhóm các cổ phiếu lớn diễn biến phân hóa tuy nhiên sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn như GAS, HPG hay các cổ phiếu ngân hàng CTG, VCB, BID đều điều chỉnh giảm. Thanh khoản trong tuần ghi nhận sụt giảm nhẹ so với tuần trước, cho thấy phản ứng khá dè dặt của dòng tiền cũng như tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư trong bối cảnh triển vọng cho thị trường chứng khoán đang không mấy tích cực.

Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân đạt 36.121 tỷ đồng/phiên (~1,57 tỷ USD/phiên), giảm 9% so với tuần trước. Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.443,32 điểm tương ứng giảm mạnh 49,71 điểm (3,3%) so với đầu tuần. Cùng chiều, HNX-Index trong một tuần cũng giảm 2% xuống mức 449,27 điểm và UPCoM-Index giảm 1,95% xuống 112,11 điểm.

Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài theo đà giảm chung cũng quay đầu giảm gần 11% so với tuần trước xuống chỉ còn 3.656 tỷ đồng, chiếm 5,1% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ là họ tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần với giá trị tiếp tục tăng cao lên mức 3.301 tỷ đồng, khối lượng bán ròng đột biến lên khoảng 84 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua.

Nhìn rộng hơn, giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm tới nay lên tới 59.937 tỷ đồng, vượt mức 2,6 tỷ USD USD, con số kỷ lục từ trước tới nay. Theo ước tính, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chỉ ở mức 16%, thấp nhất kể từ tháng 7/2019 tới nay.

Trở lại với diễn biến trong tuần 29/11 - 3/12, nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng trong toàn bộ 5 phiên trong tuần. Lực mua ròng nhẹ trên kênh thỏa thuận không đủ để bù đắp lượng bán ra mạnh mẽ hàng nghìn tỷ đồng khớp lệnh. Cụ thể, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh, giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần lên tới 3.508 tỷ đồng, bù đắp bởi 207 tỷ đồng mua ròng trên kênh thỏa thuận nên giá trị bán ròng trên toàn thị trường ghi nhận ở mức 3.301 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần 29/11-3/12, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm 2021 lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán của khối ngoại tập trung tại bluechips của các nhóm ngành như thép (HPG), bán lẻ (MSN), chứng khoán (SSI, HCM), bất động sản (NLG, DXG) với giá trị đều vượt trên 100 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần giao dịch, bên cạnh đó là áp lực bán ròng tiếp tục trên một số cổ phiếu khác như CEO, TCH, VJC, HDB...

Ngược lại, dòng tiền ngoại tiếp tục tìm đến cổ phiếu nhà băng là CTG với giá trị mua ròng vượt 200 tỷ đồng; bên cạnh đó, VND, STB, VCI, VNM cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong tuần. Dòng tiền ngoại còn chảy vào các cổ phiếu khác như HVN, SHS, VHM, FRT...

Khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần 29/11-3/12, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm 2021 lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần thứ năm liên tiếp bán ròng, tổng giá trị bán ròng ghi nhận 3.181 tỷ đồng - giảm nhẹ so với giá trị tuần liền trước. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 3.379 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, bên cạnh đó trở lại mua ròng 198 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, qua đó thu hẹp phần nào vùng bán ròng chung.

Tại chiều bán, cổ phiếu ngân hàng MSN là tâm điểm bán ròng nhiều tuần qua với giá trị ghi nhận 356 tỷ đồng, chủ yếu trên kênh khớp lệnh. Trong tuần, áp lực bán tại vùng giá cao khiến thị giá MSN trong tuần ghi nhận mức giảm hơn 4% để chốt phiên 3/12 tại mức 151.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, khối ngoại cũng tiếp tục bán ròng HPG với giá trị gần 322 tỷ đồng. Cụ thể, họ bán khớp lệnh 738 tỷ đồng cổ phiếu HPG trong khi mua khớp lệnh 420 tỷ đồng; ngoài ra là mua thỏa thuận hơn 2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu khác tại sàn HoSE bị bán ròng trên 150 tỷ đồng trong tuần qua còn có thể kể đến là DXG (295 tỷ đồng), HCM (289 tỷ đồng ), SSI (203 tỷ đồng), VJC (177 tỷ đồng), NLG (168 tỷ đồng), HDB (166 tỷ đồng), GEX (150 tỷ đồng).

Ngược chiều, dòng vốn ngoại tìm đến các cổ phiếu ngân hàng như CTG, STB, lần lượt được mua ròng với giá trị là 242 tỷ đồng và 118 tỷ đồng. Ngoài ra, trong khi bán ròng SSI và HCM thì nhà đầu tư nước ngoài lại quay qua mua ròng hai cổ phiếu chứng khoán khác là VND và VCI với 123 tỷ đồng và 74 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác cũng được mua ròng trong tuần là VNM, HVN, VHM, FRT, GDT...

Khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần 29/11-3/12, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm 2021 lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng tiếp tục xu hướng bán ròng, tuy nhiên quy mô đã tăng mạnh từ mức 57 tỷ đồng trong tuần trước lên 234 tỷ đồng, trong đó bán ròng 228 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và bán ròng thêm 7 tỷ đồng qua thỏa thuận.

Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu CEO tiếp tục bị bán mạnh nhất với giá trị bán ròng được đẩy lên ngưỡng 243 tỷ đồng. Sau phiên tăng mạnh đầu tuần để tiếp tục lên đỉnh mới 45.000 đồng/cổ phiếu, áp lực bán khiến CEO giảm sàn 10% trong phiên thứ 3 rồi tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ 4; tuy nhiên nhanh chóng phục hồi trở lại vào thời điểm cuối tuần, đóng cửa phiên 3/12 đạt 43.500 đồng/cổ phiếu.

Theo sau là HUT với giá trị bán ròng 45 tỷ đồng và IVS bị bán ròng 18 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có CTG (7 tỷ đồng), BCC (3 tỷ đồng), DHT (2 tỷ đồng), PVL (2 tỷ đồng)...

Ngược lại, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã SHS và THD với 44 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có PVI, IDC, VCS, PVG, NDN...

Khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần 29/11-3/12, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm 2021 lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Duy nhất trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 114 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 99 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và tiếp tục mua ròng thêm 15 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận.

Cổ phiếu QNS tuần này tiếp tục được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với 35 tỷ đồng, toàn bộ đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến MML với giá trị mua ròng ghi nhận 18 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có CTR, VEA, NTC, MCM...

Tại phía bán ra, cổ phiếu hàng không ACV tuần này dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng gần 7 tỷ đồng và đều bán qua kênh khớp lệnh. Bên cạnh đó, VTP và MCH cũng bị bán ròng lần lượt 3 tỷ đồng và 1 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có RGC, MPC, ABR, GTT, KLB...

Khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần 29/11-3/12, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm 2021 lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên