Khối ngoại bán ròng hơn 60.000 tỷ từ đầu năm, đâu là những cái tên bị "xả hàng" mạnh nhất?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết, chưa thể khẳng định rằng khối ngoại sẽ trở lại mua ròng trong năm 2022. Tuy nhiên, dòng tiền khối ngoại thay vì lựa chọn các cổ phiếu đã niêm yết sẽ ưa chuộng cho các hoạt động thoái vốn hay cổ phần hóa nhà nước trong thời gian tới.
Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 61.607 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) trên toàn thị trường. Đây là con số kỷ lục về lượng bán ròng của nhà đầu tư ngoại từ trước đến nay, gần hơn 4 lần lượng bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng), thậm chí còn vượt tổng lượng bán ròng của năm 2016 và 2020 cộng lại, đây cũng là hai năm bán ròng hiếm hoi của khối ngoại trong thập kỉ qua.
Số liệu năm 2021 cập nhật đến hết ngày 17/12/2021
Tính từ thời điểm Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 77.000 tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, giữa sự "tháo chạy" hàng chục nghìn tỷ đồng của khối ngoại, điểm sáng vẫn hiện diện trên một số cổ phiếu khi ghi nhận giá trị mua ròng nghìn tỷ đồng đến từ nhà đầu tư ngoại.
Dẫn đầu danh sách là cổ phiếu ngân hàng STB với giá trị mua ròng đạt 4.144 tỷ đồng, trong đó chủ yếu trên kênh khớp lệnh khi mua khớp lệnh gần 9.165 tỷ đồng và bán khớp lệnh 4.997 tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu STB ghi nhận mức tăng 67% kể từ đầu năm 2021 đến nay, kết phiên 17/12 tại mức 28.300 đồng/cổ phiếu. Song, nếu so với mức đỉnh lịch sử 33.800 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi phiên 31/5 thì giá cổ phiếu ngân hàng này đã điều chỉnh gần 16%.
Một số phiếu nhà băng khác cũng lọt top mua ròng trong năm 2021 của khối ngoại là TPB với giá trị mua ròng vượt mức 1.000 tỷ đồng. Vượt trội hơn STB, TPB tính đến kết phiên 17/12 đã tăng trưởng hơn 91% kể từ thời điểm đầu năm 2021.
Thị giá STB tăng 67% kể từ đầu năm 2021
TPB cũng "miệt mài" tăng gần gấp đôi sau 1 năm
VHM xếp thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị 3.998 tỷ đồng. Chi tiết hơn, trong khi giá trị mua - bán trên kênh khớp lệnh giá cân bằng khi đều trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng thì tín hiệu đáng mừng lại đến từ kênh thỏa thuận khi tại đây ghi nhận lực mua thắng thế, qua đó đưa VHM trở thành một trong những cổ phiếu hấp dẫn dòng tiền ngoại nhất.
Điểm nhấn trong năm qua là việc cổ đông ngoại Viking Asia Holdings II PTE. LTD (tổ chức liên quan tới KKR) đã bán ra thành công 31,96 triệu cổ phiếu VHM. Sau giao dịch, tổ chức ngoại này giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,5% xuống 4,6% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại VHM.
Về thị giá, sau khi leo lên mức đỉnh vào hồi giữa năm, thị giá VHM đến nay vẫn đang trong xu hướng đi ngang và điều chỉnh. So với mức giá đầu năm, giá cổ phiếu VHM đến nay đã tăng khoảng 24%.
Danh sách bán ròng còn có sự xuất hiện của 2 chứng chỉ quỹ là FUEVFVND (3.217 tỷ đồng) và FUESSVFL (1.100 tỷ đồng). Đặc trưng của các quỹ ETF trên là bao gồm nhiều cổ phiếu hết room, điều này là yếu tố thu hút sự quan tâm của khối ngoại. Ngoài ra, chứng chỉ quỹ cũng là lựa chọn an toàn vì tính đa dạng phân bổ tài sản của danh mục.
Trong năm 2021, khối ngoại đã đẩy mạnh gom trở lại cổ phiếu duy trì mức tăng bền vững trong cả năm như MWG với 1.528 tỷ đồng, THD với 1.159 tỷ đồng, DGC với 817 tỷ đồng, PDR với 762 tỷ đồng. Đây chủ yếu là những cổ phiếu của doanh nghiệp có câu chuyện riêng, hay hưởng lợi từ đà tăng của giá cả hàng hóa giúp lợi nhuận bứt phá. Kỳ vọng thị trường phần nào đã được phản ảnh rõ qua đồ thị giá của các mã với mức tăng hàng chục phần trăm, thậm chí có mã đã tăng bằng lần, gia nhập câu lạc bộ "ba chữ số": MWG (70%), THD (112%), DGC (288%), PDR (128%).
Các cổ phiếu lọt top mua ròng của khối ngoại đều có mức tăng tốt trong năm 2021
Ở chiều ngược lại, dẫn đầu trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất từ đầu năm 2021 đến nay là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giá trị ghi nhận hơn 18.571 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất với các cổ phiếu VPB (-9.329 tỷ đồng), VNM (-6.782 tỷ đồng), VIC (-6.355 tỷ đồng), CTG (-5.648 tỷ đồng).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng xu hướng bán ròng của khối ngoại chủ yếu vẫn có nguyên nhân từ dịch bệnh COVID. Bên cạnh đó, lo ngại về hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cũng là một lý do cho động thái bán ròng này. Mặt khác, việc khối ngoại gia tăng áp lực bán ròng vào thời điểm cuối năm bởi lẽ đây là thời gian tiến hành cơ cấu danh mục khi loại bỏ những cổ phiếu không hiệu quả đồng thời hiện thực hóa lợi nhuận với những cổ phiếu đã tăng tốt, tiến tới định hướng đầu tư trong năm mới.
Hiện tại, chưa thể khẳng định rằng khối ngoại sẽ trở lại mua ròng trong năm 2022. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng dòng tiền khối ngoại thay vì lựa chọn các cổ phiếu đã niêm yết sẽ ưa chuộng cho các hoạt động thoái vốn hay cổ phần hóa nhà nước trong thời gian tới.