MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại bán ròng kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, tập trung "xả" HPG và nhiều cổ phiếu ngân hàng

Khối ngoại bán ròng kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, tập trung "xả" HPG và nhiều cổ phiếu ngân hàng

Tính từ thời điểm Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 2 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một nửa chặng đường của năm 2021 sự thăng hoa mạnh mẽ của hàng loạt các chỉ số, thanh khoản tăng vọt lên mức kỷ lục và sự gia tăng ồ ạt của các nhà đầu tư F0. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 khép lại với sắc đỏ hiện diện, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 1,49 điểm (0,11%) xuống 1.408,55, song vẫn vượt xa ngưỡng 1.400 điểm mà nhà đầu tư trông đợi. Những phiên gần đây, VN-Index liên tục leo đỉnh mới nhờ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, mặc cho thị trường duy trì đà leo dốc phi mã như vậy, diễn biến giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường 6 tháng vừa qua lại vẫn duy trì xu thế ngược chiều khi miệt mài "xả hàng".

Thống kê từ số liệu từ Sở GDCK TP.HCM (HoSE), nửa đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng 29.876 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,3 tỷ USD bị rút ròng ra khỏi HoSE. Đây là con số kỷ lục về lượng bán ròng của nhà đầu tư ngoại từ trước đến nay, gần gấp đôi số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng), thậm chí còn vượt tổng số lượng khối ngoại xả của năm 2016 và 2020 cộng lại, đây cũng là hai năm bán ròng của khối ngoại trong thập kỉ qua.

Tính từ thời điểm Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 46.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.

Điểm rất tích cực là thời gian trở lại đây khối ngoại đã chuyển trạng thái sang mua ròng trở lại. Tính riêng trong 8 phiên giao dịch gần nhất đã ghi nhận đến 5 phiên lượng tiền của nhà đầu tư nước ngoài được rót ròng vào thị trường. Ngay trong phiên giao dịch 30/6, giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua chủ yếu tập trung vào NVL với giá trị 1.507 tỷ đồng, chủ yếu qua thỏa thuận.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, tập trung xả HPG và nhiều cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Dẫn đầu trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2021 là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giá trị ghi nhận hơn 12.970 tỷ đồng. Trong khi đó, bất chấp sự "tháo chạy" của các nhà đầu tư ngoại, thị giá HPG vẫn đang được giao dịch trong vùng giá lịch sử và liên tiếp thiết lập đỉnh mới. Động lực cho sự bứt phá đầy mạnh mẽ này chủ yếu đến từ đà tăng phi mã của giá thép trong thời gian qua cùng những kết quả tích cực của mảng nông nghiệp.

Mã cổ phiếu VNM xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị 6.200 tỷ đồng. Thị giá VNM hiện vẫn đang trong xu hướng giảm, từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 15%. Mức tăng trưởng lợi nhuận một con số với nhiều lo ngại về áp lực cạnh tranh của ngành sữa đã khiến khối ngoại lựa chọn không tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này. Tín hiệu đáng mừng là trong tháng 6, cổ phiếu VNM đã bắt đầu được khối ngoại rót tiền trở lại, cụ thể phiên 30/6 ghi nhận lượng mua ròng hơn 216 tỷ đồng.

Danh sách bán ròng còn có sự xuất hiện của 4 mã cổ phiếu ngân hàng là CTG (-6.049 tỷ đồng), VPB (-4.530 tỷ đồng), MBB (-2.397 tỷ đồng), BID (-1.359 tỷ đồng), những phiên cuối tháng 6, khối ngoại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại ghi vẫn tiếp tục "xả hàng" những mã này. Tuy vậy, theo cùng xu hướng thăng hoa của nhóm ngành, các cổ phiếu này hiện vẫn đang rất "nóng", giao dịch trong vùng đỉnh, thậm chí CTG hay MBB liên tiếp ghi nhận đỉnh mới. Ngoài ra, trong tháng 6, khối ngoại đã đẩy mạnh gom trở lại cổ phiếu VCB, khiến top 10 đã không còn mã cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 với cổ phiếu POW (-1.730 tỷ đồng), DXG (-1.132 tỷ đồng), KDH (-1.073 tỷ đồng), VCI (-836 tỷ đồng).

Khối ngoại bán ròng kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, tập trung xả HPG và nhiều cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2.

Diễn biến chiều ngược lại, các ETFs được khối ngoại mạnh tay rót tiền, trong đó phải kể tới chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF – FUEVFVND khi tiếp tục dẫn đầu danh sách với giá trị mua ròng đạt 4.158 tỷ đồng, riêng trong phiên 30/6 ghi nhận lượng mua ròng đạt 86,2 tỷ đồng. Nhiều quỹ ngoại tỏ ra ưa thích FUEVFVND do lợi thế danh mục gồm nhiều mã cổ phiếu đã kịch room, đặc biệt là quỹ ngoại Pyn Elite Fund khi FUEVFVND nằm trong top những khoản đầu tư lớn nhất.

Các ETFs khác như FUESSVFL (chứng chỉ SSIAM VNFinLead ETF) và E1VFVN30 (chứng chỉ DCVFM VN30 ETF) cũng ghi nhận lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị lần lượt 708 tỷ đồng và 701 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư Thái Lan cũng là một trong những nhân tố chủ lực của động thái gom các chứng chỉ ETFs trong thời gian qua trên thị trường chứng khoán Việt.

Danh sách ghi nhận mã cổ phiếu "họ Vin" là VHM khi đã hút một lượng vốn ngoại mạnh với giá trị mua ròng đạt 2.980 tỷ đồng. Cùng với đó, dòng tiền của khối ngoại còn chảy về một mã cổ phiếu khác của nhóm BĐS là NVL, ghi nhận lượng mua ròng đạt 1.653 tỷ đồng.

MWG cũng được khối ngoại mua ròng 1.533 tỷ đồng sau khi khi nới lỏng "room" ngoại do hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP, ngoài ra còn có PLX (+1.123 tỷ đồng) và PDR (+1.052 tỷ đồng).

Hai mã cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại đẩy mạnh gom trong 6 tháng vừa qua là STB và OCB với giá trị ghi nhận lần lượt là 1.311 tỷ đồng và 735 tỷ đồng. Trên thị trường, thị giá của hai cổ phiếu này vẫn đang trong vùng giá lịch sử tuy trải qua những nhịp điều chỉnh tăng giảm điểm đan xen.

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên