MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại mua ròng 20 phiên liên tiếp, vốn hóa Hòa Phát (HPG) tăng 55.000 tỷ sau hơn 2 tháng

Khối ngoại mua ròng 20 phiên liên tiếp, vốn hóa Hòa Phát (HPG) tăng 55.000 tỷ sau hơn 2 tháng

Với gần 126.000 tỷ đồng vốn hóa, Hòa Phát đã trở lại top 10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn HoSE. Dù vậy, con số trên mới chỉ bằng gần một nửa so với thời kỳ đỉnh cao hồi cuối tháng 10/2021.

Trái với những dự báo về tâm lý nhà đầu tư sẽ dè dặt cận Tết, thị trường chứng khoán vừa có một phiên giao dịch đầy khởi sắc. VN-Index kết phiên tăng hơn 2% lên 1.088,29 điểm với giao dịch khá sôi động. Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với phiên trước. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đóng góp đáng kể cả về điểm số và thanh khoản.

Cổ phiếu đầu ngành thép tăng đến kịch trần “trắng bên bán” lên mức 21.650 đồng/cổ phiếu qua đó trở thành cái tên đóng góp lớn thứ 2 vào VN-Index trong phiên 17/1, chỉ sau VCB. Giao dịch trên HPG cũng rất sôi động với 41,5 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị lên đến hơn 880 tỷ đồng, dẫn đầu toàn sàn chứng khoán.

So với đáy dài hạn xác nhận vào giữa tháng 11, HPG đã tăng gần 80% thị giá. Vốn hóa thị trường tương ứng tăng thêm 55.500 tỷ đồng (~2,4 tỷ USD) sau hơn 2 tháng, lên gần 126.000 tỷ đồng qua đó đưa Hòa Phát trở lại top 10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn HoSE. Dù vậy, con số trên mới chỉ bằng gần một nửa so với thời kỳ đỉnh cao hồi cuối tháng 10/2021.

Khối ngoại mua ròng 20 phiên liên tiếp, vốn hóa Hòa Phát (HPG) tăng 55.000 tỷ sau hơn 2 tháng - Ảnh 1.

Sự hồi phục mạnh mẽ của cổ phiếu HPG thời gian qua đã củng cố vững chắc vị trí của ông Trần Đình Long trong danh sách các tỷ phú USD. Theo dữ liệu Forbes tính đến ngày 17/1/2023, khối tài sản của Chủ tịch Hòa Phát lên đến 1,8 tỷ USD và là người giàu thứ 1.617 trên thế giới. Trước đó, ông Long từng bị rớt ra ngoài danh sách này khi HPG rơi xuống đáy dài hạn vào giữa tháng 11 năm ngoái.

Khối ngoại mua ròng 20 phiên liên tiếp, vốn hóa Hòa Phát (HPG) tăng 55.000 tỷ sau hơn 2 tháng - Ảnh 2.

Đóng góp lớn vào sự khởi sắc của HPG thời gian gần đây là sự trở lại đầy mạnh mẽ của khối ngoại. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 20 phiên liên tiếp trên cổ phiếu này. Tính từ đầu năm 2023, HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường với giá trị hơn 800 tỷ đồng, bỏ xa phần còn lại.

Trong những năm gần đây, HPG vẫn được biết đến là cái tên quen thuộc trong danh sách các cổ phiếu bị xả mạnh bởi khối ngoại. Cổ phiếu đầu ngành thép thậm chí còn là tâm điểm bán ròng trong năm 2021 với giá trị lên đến gần 19.000 tỷ đồng. Xu hướng này thực tế vẫn kéo dài cho đến quá nửa đầu năm 2022 trước khi có dấu hiệu đảo chiều.

Động thái quay lại mua ròng của khối ngoại bắt đầu trở nên rõ rệt hơn từ tháng 11 năm ngoái khi HPG rơi xuống đáy dài hạn với P/B dưới 1. Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 2.600 tỷ đồng trên HPG. Nếu tính chung từ đầu tháng 11/2022 đến nay, con số này thậm chí còn lên đến gần 3.500 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng 20 phiên liên tiếp, vốn hóa Hòa Phát (HPG) tăng 55.000 tỷ sau hơn 2 tháng - Ảnh 3.

Động thái mua ròng liên tục của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đang đón nhận một số tín hiệu tích cực sau thời kỳ “thê thảm” như ông Trần Đình Long từng dự báo.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng phục hồi. Nhu cầu sản xuất công nghiệp tăng tại quốc gia này cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục. Giá bán thép cũng theo đó được kỳ vọng tăng trở lại.

Thực tế, giá thép thanh tại Trung Quốc đã hồi phục 17% từ đáy và đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 8 năm ngoái. Trong khi đó, giá than – nguyên vật liệu quan trọng nhất trong luyện thép, dù vẫn neo cao vùng đỉnh nhưng đã chững lại và có dấu hiệu quay đầu giảm. Điều này có thể sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận của ngành thép thời gian tới.

Khối ngoại mua ròng 20 phiên liên tiếp, vốn hóa Hòa Phát (HPG) tăng 55.000 tỷ sau hơn 2 tháng - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng. Tuy nhiên, ngành bất động sản sau một năm 2022 trầm lắng, dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trong năm 2023 sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu thép nội địa.

Theo nguồn tin từ công ty tư vấn Kallanish Commodities Ltd, trong bối cảnh nhu cầu thép có dấu hiệu hồi phục, Hòa Phát đã bắt đầu khởi động lại một lò cao ở Hải Dương từ cuối tháng 12/2022 và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Nguồn tin cũng cho biết Hòa Phát đang dự tính khởi động lại thêm 1 lò cao, nhưng sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thép.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên