MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Khối ngoại mua ròng khi thấy rất nhiều cơ hội mới thực sự hấp dẫn”

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc công ty Quản lý Quỹ SGI (SGI Capital)

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc công ty Quản lý Quỹ SGI (SGI Capital)

Khối ngoại bắt đầu quay trở lại, đặc biệt trong bối cảnh thị trường sau khi giảm 20%, đã có rất nhiều cơ hội đầu tư mới xuất hiện và thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài hạn.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc công ty Quản lý Quỹ SGI (SGI Capital) đánh giá, sự gia tăng của dòng vốn ngoại trong lúc thị trường giảm về một mức giá hấp dẫn, càng cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng tích cực về dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Với định giá P/E khoảng 12 lần tính đến cuối năm ông Phúc cho biết, thông thường lợi nhuận không bao giờ dưới 30% và đây là cơ hội mua cổ phiếu tốt với định giá rẻ.

BTV Mùi Khánh Ly: Trong các dữ liệu gần đây cho thấy, dòng vốn nước ngoài thay vì rút ròng như lo ngại thì lại đang có dấu hiệu gia tăng vào Việt Nam, theo ông hiện tượng này cho thấy điều gì?

Ông Lê Chí Phúc: Đà bán ròng của khối ngoại trong suốt hai năm vừa rồi là kỷ lục, chính vì vậy việc họ quay trở lại mua ròng trong tháng 4 rất là đáng chú. Trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed đang tiến hành thắt chặt tiền tệ thì thông thường tiền sẽ rút ra khỏi các kênh tài sản rủi ro và các thị trường mới nổi hay cận biên, nhưng điều đó lần này lại không xảy ra với Việt Nam.

Chúng tôi nghĩ rằng lý do đằng sau chuyện này là Việt Nam đang ở một vị thế cũng khá khác biệt đối với phần còn lại của thế giới. Chúng ta đang bước vào quá trình phục hồi trễ hơn rất nhiều so với các thị trường lớn khác. Chúng ta lại có một chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế và chưa đến mức phải thắt chặt trở lại. Đồng thời, với đà bán ròng của khối ngoại trong suốt hai năm vừa qua, họ đã rút ròng ra rất nhiều. Và bây giờ họ bắt đầu quay trở lại, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lần này, sau khi đã giảm khoảng 10%,15% và thậm chí 20%, đã có rất nhiều cơ hội đầu tư mới xuất hiện và thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài hạn.

Vậy xu hướng mua ròng của khối ngoại liệu có kéo dài không, thưa ông?

Trước hết, chúng ta phải nhìn bối cảnh chung của dòng vốn toàn cầu thì chúng ta sẽ không nên kỳ vọng quá nhiều rằng dòng vốn vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ. Vì tôi theo dõi mười mấy năm qua, khi dòng vốn toàn cầu rút ra khỏi các thị trường mới nổi thì cũng sẽ rút ra khỏi Việt Nam. Dù lần này chúng ta đang thấy một điều hơi khác biệt, nhưng có lẽ chúng ta cũng chỉ nên kỳ vọng rằng áp lực đấy ở các thị trường khác đối với Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn, có thể họ sẽ không rút ròng ra, họ sẽ mua ở một mức độ vừa phải. Kỳ vọng như vậy hợp lý hơn trong các điều kiện Việt Nam đang có như chúng ta vừa trao đổi.

Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ bán ròng sang mua ròng, đặc biệt là trong những phiên giảm điểm sâu nhưng nhà đầu tư trong nước vẫn tỏ ra e dè với thị trường. Vậy yếu tố dòng vốn ngoại có đủ thúc đẩy thị trường trong thời gian tới không?

Yếu tố nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn trước năm 2020, trước khi chúng ta nhìn thấy một làn sóng F0, thì luôn có tính chi phối và dẫn dắt đối với xu hướng chung của thị trường. Nhưng chúng ta đã không thấy điều đấy nữa ở trong hai năm Covid.

Tuy nhiên, gần đây thanh khoản chung của thị trường đang từ mức hơn 1 tỷ USD/ngày trên HOSE thì bây giờ đã giảm xuống quanh khoảng 11.000, 12.000 tỷ đồng, mức giảm xuống còn một nửa hoặc thậm chí 1/3 so với những phiên cao điểm. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng yếu tố chi phối trong hai năm vừa qua của nhà đầu tư F0 đang dần đi đến giai đoạn kết thúc và thị trường có lẽ sẽ bắt đầu bước vào một chu kỳ mới, ở đó sự chi phối của dòng tiền dài hạn, dòng tiền của những nhà đầu tư tổ chức, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài, cũng sẽ lại quay trở lại.

Ví dụ như giai đoạn trước nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hoặc mua ròng khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 3% giao dịch của thị trường. Nhưng bây giờ nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khoảng 500 đến 1.000 tỷ đồng có thể chiếm 5% đến 10% giao dịch thị trường. Trọng số đấy đã thay đổi và tính ảnh hưởng, cũng như lan tỏa lên tâm lý chung của thị trường cũng sẽ lớn hơn. Và nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thông thường họ sẽ rất chú trọng vào những cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 hoặc những cổ phiếu đầu ngành, thì sự ảnh hưởng đến VN-Index sẽ lớn hơn rất nhiều trong thời gian tới, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tăng lên.

“Khối ngoại mua ròng khi thấy rất nhiều cơ hội mới thực sự hấp dẫn” - Ảnh 1.

Dòng tiền nhìn dài hạn và đầu tư bắt đầu mua dần

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng thắc mắc là với những tín hiệu tích cực như vậy nhưng thị trường vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại?

Mặc dù là thị trường đã giảm mạnh với mức khoảng 20% so với đỉnh rồi, nhưng mà không phải là rủi ro đã hết đối với thị trường. Trong một giai đoạn như năm nay là năm mà chúng ta biết, dòng tiền rẻ không còn và sẽ không có chỗ để cho những dòng tiền đầu cơ, dễ dãi. Nhiều cổ phiếu giảm khoảng 50%,70% so với đỉnh thật nhưng so với giá trị thực, trước đó đã bị đẩy lên 7 thậm chí 10 lần trong 1 năm vừa qua, thì hoàn toàn những cổ phiếu đấy vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Cho nên, chuyện lựa chọn cho đúng cổ phiếu trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng.

Theo xu hướng chung của dòng tiền toàn cầu, thì nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư như thế nào cho phù hợp ở thời điểm hiện tại, thưa ông?

Theo kinh nghiệm của chúng tôi là nếu nhìn trong một năm với định giá P/E khoảng 12 lần tính đến cuối năm thì thông thường lợi nhuận không bao giờ dưới 30%. Nhà đầu tư chúng ta nên làm được hai điều tối thiểu. Một là không quá lạc quan,không quá fomo để mua vào rất nhiều, đặc biệt là bằng tiền vay, ở vùng mà thị trường nóng và có định giá cao và điều ngược lại cũng tránh hoảng loạn và bán tháo ở vùng mà định giá cổ phiếu về mức rẻ như hiện tại.

Như thống kê của chúng tôi, mức định giá hiện tại là mức định giá mà xét trong 5 năm trở lại đây chúng ta chỉ có chưa đến 5% thời gian mà thị trường nằm ở vùng định giá rẻ như thế này. Chúng ta đang có lợi thế hơn 95% thời gian còn lại trong thị trường. Tôi nghĩ rằng, thời điểm này nếu mọi người bán thì đều có một tâm lý rằng chắc là ngày mai mua được rẻ hơn, hoặc chắc là tuần sau thị trường còn giảm. Nhưng với kinh nghiệm đầu tư mà chúng tôi có được cho thấy, chúng ta phải chấp nhận tài khoản mình sẽ giảm trong một số giai đoạn rất đặc biệt như thế này, thì chúng ta mới gặt hái được những thành quả của những giai đoạn mà thị trường bắt đầu bình thường trở lại và tăng trưởng dài hạn.

Sau một chu kỳ đi lên rất dài và đi xuống rất mạnh như này thì thông thường sự ưu tiên của dòng tiền sẽ tìm đến những doanh nghiệp lớn trước.

Dòng tiền đầu cơ thông thường sẽ rút ra rất mạnh và chỉ có dòng tiền nhìn dài hạn và đầu tư họ mới bắt đầu đi vào mua dần ở trên thị trường này. Những cổ phiếu đó sẽ là những cổ phiếu có nền giá tốt và có sức bật tốt hơn trong giai đoạn tới. Chúng ta đang có cơ hội lựa chọn các cổ phiếu đều ở một mức định giá rẻ cả thì tại sao chúng ta lại không chọn những cổ phiếu tốt.

Theo Cẩm Thạch

Nhịp Sống Kinh Doanh

Trở lên trên