Khối ngoại “sang tay” hơn 900 tỷ đồng cổ phiếu VPBank (VPB) sau khi EVFTA được thông qua
Sau khi EVFTA được ký kết, các tổ chức chức tín dụng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần ở 2 ngân hàng TMCP Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung.
- 14-02-2020VPBank hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II
- 11-02-2020VPBank miễn nhiệm 2 Phó Tổng giám đốc người nước ngoài
- 06-02-2020Tăng 81 bậc, VPBank là ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên lọt top 300 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu
Theo dữ liệu thống kê, chỉ trong 3 phiên giao dịch ngày 13,14 và 16/2, khối ngoại đã sang tay tổng cộng 32,95 triệu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Đáng chú ý, các giao dịch này đều được thực hiện tại mức giá trần trong ngày diễn ra thỏa thuận với tổng giá trị lên đến gần 930 tỷ đồng.
Nhiều khả năng, diễn biến sôi động bất thường của khối ngoại trên cổ phiếu này xuất phát từ hiệu ứng tích cực mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua ngày 12/2 mang lại.
Một trong những cam kết đáng chú ý trong lĩnh vực ngân hàng là trong vòng 5 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.
Cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm (hết thời hạn 5 năm Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này) và không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
Trong khi đó, hiện tại, theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Như vậy với quy định mới, các tổ chức chức tín dụng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần ở 2 ngân hàng TMCP Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung.
Trên thị trường, cổ phiếu VPB diễn biến khá tích cực từ cuối tháng 12/2019. Từ vùng đáy 19.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này bật tăng 45% trong chưa đến 2 tháng và có thời điểm leo lên mức 27.600 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 1 năm trưỡi trở lại đây. Hiện thị giá đang tạm dừng ở mức 27.450 đồng/cổ phiếu (sáng ngày 18/2) tương đương vốn hóa vượt hơn 66.000 tỷ đồng.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu VPB trong thời gian gần đây phần nào nhờ kết quả kinh doanh khả quan năm 2019 với lợi nhuận cao kỷ lục. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất trong năm của nhà băng này đạt 36.356 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2018 và vượt 9% kế hoạch. Tăng trưởng tín dụng đạt 17,6% trong khi tăng trưởng huy động vốn ở mức 23,7%.
Bizlive