MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại thực sự quay lại, hay sóng chốt NAV?

Từ phiên 7/11 đến nay, khối ngoại đã mua ròng với tổng giá trị là 28.240 tỷ đồng. Ảnh shutterstock

Từ phiên 7/11 đến nay, khối ngoại đã mua ròng với tổng giá trị là 28.240 tỷ đồng. Ảnh shutterstock

Khối ngoại vẫn đang rất mạnh tay mua ròng, trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân lại đang chờ đợi cơ hội hoặc tạm rời bỏ vị thế ở các nhịp chỉnh.

Dù thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giằng co, song chỉ số cũng đã lấy lại gần 20% kể từ vùng đáy phiên 16/11. Chốt phiên 21/12, VN-Index dừng ở mức 1.018,88 điểm với thanh khoản HoSE đạt hơn 857 triệu đơn vị, tương đương GTGD hơn 14.414 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong phiên này khối ngoại mua ròng với khối lượng gần 63 triệu cổ phiếu, giá trị ghi nhận xấp xỉ 1.695 tỷ đồng. Đây cũng là phiên mua ròng thứ 33 liên tiếp của nhóm này.

Theo đó, khối ngoại đã duy trì vị thế mua ròng từ phiên 7/11 đến nay, nâng tổng giá trị mua ròng lên mức 28.240 tỷ đồng, trong đó không ít phiên ghi nhận giá trị mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng như phiên 11/11 và 29/11. Động thái này trái ngược hoàn toàn so với mấy tháng trước đó, thậm chí tính tới cuối tháng 10, khối ngoại vẫn đang bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng trên HoSE.

Đáng chú ý, nhóm này tập trung giải ngân vào nhóm bất động sản, ngân hàng, thép và chứng khoán. Riêng trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng cổ phiếu VHM, hơn 1.300 tỷ với STB và hơn 1.000 tỷ với mỗi mã KDH, HPG và SSI.

Trái ngược với xu hướng của khối ngoại, nhiều nhà đầu tư cá nhân lại vẫn đang chờ đợi cơ hội hoặc tạm rời bỏ vị thế ở các nhịp chỉnh. Điều này dẫn đến lượng tiền chờ trên thị trường hiện tại là tương đối lớn với số dư tiền mặt trong các tài khoản chứng khoán hiện tại ước tính đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với cuối quý 3 năm nay.

Trước diễn biến trên, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng quy mô chứng khoán Việt Nam hiện nay rất lớn, trong khi giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ đang chiếm 10% giá trị giao dịch toàn thị trường, do vậy việc chốt số liệu giá trị tài sản ròng (NAV) không phải lý do khối này mua ròng.

"Xu hướng sóng chốt NAV cuối năm là khó xảy ra. Bên cạnh đó, trong vòng gần 2 tháng trở lại, lượng mua ròng của khối ngoại chủ yếu thông qua các quỹ ETF, điều này có nghĩa dòng tiền đổ vào vì thị trường đang định giá hấp dẫn", ông Minh nói.

Ngoài ra theo vị chuyên gia này, dù thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giằng co, song chỉ số cũng đã lấy lại gần 20% kể từ vùng đáy phiên 16/11 giúp nhiều nhà đầu tư giảm lỗ, thậm chí thu được lãi nếu lướt sóng ngắn hạn. Thêm vào đó, tâm lý nhà đầu tư chưa hoàn toàn yên tâm để quay lại thị trường nên diễn biến bán ròng của nhóm này là điều dễ hiểu.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Agriseco Research cũng nhận định động thái của khối ngoại đến từ định giá hấp dẫn của chứng khoán Việt sau khoảng thời gian lao dốc với áp lực bán giải chấp của nhóm bất động sản.

"Khối ngoại đã nhận thấy rủi ro trên thị trường giảm bớt. Mặc dù xu hướng sóng chốt NAV cuối năm là có xảy ra, nhưng mức độ tác động nhìn chung không quá lớn. Còn động thái xả hàng của nhà đầu tư trong nước chủ yếu do họ đã đến điểm hòa vốn hoặc chốt lời khi lướt sóng ngắn hạn", ông Nguyễn Anh Khoa đánh giá.

Lý giải về động thái của khối ngoại, nhóm phân tích Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ đã làm tăng "khẩu vị rủi ro" của nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Cùng với đó, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ cũng dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, vốn cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên