MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại tiếp đà mua ròng nghìn tỷ trong tuần cơ cấu ETFs, đâu là tâm điểm?

Khối ngoại tiếp đà mua ròng nghìn tỷ trong tuần cơ cấu ETFs, đâu là tâm điểm?

Tại chiều mua, khối ngoại bất ngờ ưa thích "anh cả" ngành thép HPG, đây là tâm điểm mua ròng tuần qua với giá trị 448 tỷ đồng, chủ yếu mua ròng khớp lệnh.

Thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần giao dịch không mấy tích cực 13-17/6 với việc chỉ số VN-Index giảm tổng cộng gần 67 điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước những thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến của chứng khoán thế giới. Kết quả đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index dừng tại mức 1.217,3 điểm điểm, tương ứng giảm 5,2% so với tuần giao dịch trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index lại chỉnh mạnh hơn 8,6% xuống mức 280,06 điểm.

Xét theo mức độ đóng góp, loạt mã ngân hàng gồm CTG, MBB, VPB đã trở thành những tác nhân chính đè mạnh lên thị trường. Ngược lại, một số bluechips như GAS, SSB, POW hay REE trở thành những mã ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số chính TTCK Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường giảm sâu, dòng tiền vẫn chưa cho thấy sẵn sàng trở lại thị trường, thanh khoản thị trường trong tuần lại giảm so với tuần trước đó, giá trị giao dịch trên toàn thị trường bình quân đạt khoảng 19.500 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ hơn 3% so với tuần trước.

Đáng chú ý, ngay cả khi thị trường chìm trong sắc đỏ, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn ghi nhận tích cực khi họ tiếp đà mua ròng 1.214 tỷ đồng trên toàn thị trường đồng thời ghi nhận mua ròng trên cả ba sàn. Cụ thể, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh thì nhà đầu tư ngoại mua ròng 1.251 tỷ đồng, ngược lại bán ròng nhẹ 37 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận - qua đó thu hẹp đôi chút đà mua ròng chung. 

Đặc biệt, giá trị mua ròng cũng tập trung trong hai phiên giao dịch cuối tuần, phù hợp khi đây là tuần 2 quỹ ngoại là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF sẽ thực hiện cơ cấu danh mục quý 2. FTSE Vietnam Index đã loại APH ra khỏi danh mục và không thêm mới cổ phiếu nào trong khi VIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF), theo đó thêm mới SHB và VCG vào danh mục đồng thời loại cổ phiếu ORS ra khỏi danh mục.

Khối ngoại tiếp đà mua ròng nghìn tỷ trong tuần cơ cấu ETFs, đâu là tâm điểm? - Ảnh 1.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại HPG với giá trị xấp xỉ 450 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại kênh khớp lệnh. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này tiếp tục gom mạnh cổ phiếu dầu khí BSR với 254 tỷ đồng, các mã như GAS, DPM, VHM, GMD,... cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong tuần qua. Cũng cần lưu ý rằng SHB và VCG mặc dù được VNM ETF thêm mới vào danh mục, song cũng không lọt top mua ròng của khối ngoại trong tuần này.

Ngược lại, sau nhiều tuần gom mạnh, tuần này khối ngoại tập trung bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVN với giá trị vượt mức 270 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bluehchips như DGC và  VIC cũng bị bán ròng với giá trị đều trên 200 tỷ đồng. 

Khối ngoại tiếp đà mua ròng nghìn tỷ trong tuần cơ cấu ETFs, đâu là tâm điểm? - Ảnh 2.

Trên sàn HoSE, bất chấp chỉ số VN-Index điều chỉnh sâu, khối ngoại ghi nhận mua ròng tổng cộng 964 tỷ đồng trong tuần qua. Cụ thể nhà đầu tư ngoại mua ròng 927 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, kèm theo đó là việc mua ròng 37 tỷ đồng tại kênh thỏa thuận - hầu hết là gom ròng MWG 

Tại chiều mua, khối ngoại bất ngờ ưa thích "anh cả" ngành thép HPG, đây là tâm điểm mua ròng tuần qua với giá trị 448 tỷ đồng, chủ yếu mua ròng khớp lệnh. Bên cạnh đó, lực mua ròng của khối ngoại trong tuần qua còn ghi nhận tại GAS với giá trị 198 tỷ đồng, DPM với giá trị 160 tỷ đồng, VHM với giá trị 129 tỷ đồng. Danh sách TOP cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua tại sàn HoSE còn có GMD (119 tỷ đồng), VGC (119 tỷ đồng), DCM (113 tỷ đồng), NLG (103 tỷ đồng) và CTG (61 tỷ đồng).

Trong khi đó, tâm điểm dòng vốn ngoại rút ròng bất ngờ ghi nhận tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND sau nhiều tuần mua ròng mạnh, giá trị tuần này ghi nhận bán ròng 274 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng ghi nhận tại hai bluechips là DGC và VIC với giá trị lần lượt là 269 tỷ đồng và 247 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng MWG với giá trị khoảng 70 tỷ đồng. Các mã khác như REE, NT2. KDC, E1VFVN30… cũng đều bị bán ròng sau 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua.

Khối ngoại tiếp đà mua ròng nghìn tỷ trong tuần cơ cấu ETFs, đâu là tâm điểm? - Ảnh 3.

Trên sàn HNX, khối ngoại lại giao dịch tương đối tích cực khi họ mua ròng 44 tỷ đồng, giá trị mua ròng trên kênh khớp lệnh chiếm tỷ trọng lớn là 43 tỷ đồng, trong khi mua ròng nhẹ 1 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.

Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại cổ phiếu HUT với khoảng 35 tỷ đồng. Giá trị mua ròng mạnh cũng được ghi nhận tại cổ phiếu PVS và CEO với giá trị lần lượt là 27 tỷ đồng và 17 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có TNG, PVI, MBG, IVS, HLD...

Ngược lại, giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận giá trị bán ròng lớn nhất tại SHS với 42 tỷ đồng, toàn bộ đều là bán khớp lệnh. Đồng thời, THD bị bán ròng khoảng 8 tỷ đồng, theo sau là IDC và NVB với giá trị bán ròng tại mỗi mã là 5 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Những cái tên trong danh sách bán ròng nhiều nhất sàn HNX trong tuần qua còn có BVS, PLC, VC3, DP3...

Khối ngoại tiếp đà mua ròng nghìn tỷ trong tuần cơ cấu ETFs, đâu là tâm điểm? - Ảnh 4.

Đặc biệt, trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài tuần này mua ròng tương đối mạnh, giá trị đạt 205 tỷ đồng. Cụ thể, giá trị mua ròng trên kênh khớp lệnh lên tới 288 tỷ đồng trong khi họ bán ròng 75 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.

Cổ phiếu dầu khí BSR tuần này tiếp tục là điểm sáng khi được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 254 tỷ đồng, phần lớn đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến ACV và VTP với giá trị mua ròng mỗi cổ phiếu ghi nhận lần lượt là 33 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Danh sách mua ròng trong tuần qua còn có CLX, SIP, FOC, QNS, VGG...

Tại phía bán ra, cổ phiếu IDP và ABC dẫn đầu danh sách bán ròng tuần qua khi bị khối ngoại bán ròng lần lượt 63 tỷ đồng và 48 tỷ đồng, toàn bộ trên kênh thoả thuận. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có VEA, CMT, VOC, BDT...

Khối ngoại tiếp đà mua ròng nghìn tỷ trong tuần cơ cấu ETFs, đâu là tâm điểm? - Ảnh 5.
https://cafef.vn/khoi-ngoai-tiep-da-mua-rong-nghin-ty-trong-tuan-co-cau-etfs-dau-la-tam-diem-20220617235029451.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên