MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam trong tuần đầu tiên Non Pre-funding có hiệu lực

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam trong tuần đầu tiên Non Pre-funding có hiệu lực

Tính chung từ đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng gần 80.000 tỷ đồng trên HoSE, con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam.

Từ ngày 2/11/2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức có hiệu lực, trong đó có nội dung đáng chú ý quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS). Đây được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể góp phần thu hút khối ngoại.

Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng. Từ đầu tháng 11 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 3.800 tỷ đồng trên HoSE, kéo dài xu hướng xả hàng chưa có dấu hiệu kết thúc. Luỹ kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 80.000 tỷ đồng trên HoSE, con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam trong tuần đầu tiên Non Pre-funding có hiệu lực- Ảnh 1.

Xu hướng bán ròng kéo dài từ tháng 4/2023 đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 20 tháng trở lại đây, chỉ duy nhất tháng 1/2024 khối ngoại ngừng xả hàng. Bên cạnh vấn đề tỷ giá do chênh lệch lãi suất, việc thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hoá chất lượng là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với chứng khoán Việt Nam.

Thực tế, việc triển khai Thông tư 68 được kỳ vọng sẽ thay đổi xu hướng trên nhưng điều này sẽ cần thời gian để mang đến tác động rõ rệt đến nhà đầu tư nước ngoài cũng như thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo chiến lược tháng 11, SSI Research cho biết đã có một số lượng nhỏ các giao dịch được thực hiện. Với sự hỗ trợ của Thông tư 68, kết hợp với việc sửa đổi Luật chứng khoán, Bộ phận phân tích này kỳ vọng các quỹ chủ động sẽ có xu hướng phân bổ tỷ trọng rõ nét vào Việt Nam hơn trong năm 2025.

Đánh giá về tác động của Thông tư 68, ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, NPS sẽ khiến một số nhà quản lý quỹ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí nhưng phạm vi này khá nhỏ.

Điều này không ảnh hưởng đến phân bổ từ các quỹ Vietnam-dedicated (như Pyn Elite Fund, Dragon Capital hay VinaCapital) vì họ đã đầu tư 100% vào Việt Nam (mặc dù lợi nhuận sẽ tăng nhẹ). Thông tư tác động chủ yếu đến các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu quan tâm đến Việt Nam.

Tác động lớn hơn là việc nâng cao khả năng FTSE sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực.

Bên cạnh đó, các ETFs nước ngoài mô phỏng thị trường Việt nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi. Đây có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý 1/2025.

Theo ông Barry Weisblatt David, khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9/2025 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các ETF thị trường mới nổi.

"Dù có nhiều ước tính khác nhau, tôi nghĩ rằng khoảng 500 triệu - dưới 1 tỷ USD là hợp lý. Những công ty được hưởng lợi có thể bao gồm những doanh nghiệp hiện đang chiếm ưu thế trong chỉ số FTSE FM, bao gồm HPG, VHM, VCB, VIC và VNM", Giám đốc Khối Phân tích VNDIRECT nhận định.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên