Khối tiền mặt mệnh giá 100 USD với tổng trị giá 1.500 tỉ USD "bốc hơi": Mỹ hé lộ nguyên nhân thực sự
Gần 1.500 tỉ USD tiền mặt - mà tất cả đều là tờ 100 USD - đang "biến mất" khỏi thế giới. Chuyện gì đang xảy ra?
Lí giải vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiết lộ: "Về mặt cơ bản, những đồng tiền 100 USD đó đang được lưu trữ tại các ngân hàng trên khắp thế giới".
Ông Mnuchin cho biết tỉ suất lãi âm đang khiến mọi người đầu tư sang đồng USD nhằm giữ giá trị tài sản.
"Đồng USD là đồng tiền lưu trữ của thế giới, và mọi người đều muốn có USD. Lý do họ muốn giữ đồng USD là bởi Mỹ là nơi an toàn để kiếm tiền, đầu tư và tích lũy tài sản".
Ông Mnuchin nhấn mạnh rằng có một điều thú vị là trong khi thế giới ngày càng được "số hóa", nhu cầu sở hữu đồng USD vẫn tăng nhanh chóng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết có nhiều đồng 100 USD lưu hành hơn đồng 1 USD và đây cũng là mệnh giá USD được sử dụng nhiều nhất thế giới. Số lượng tờ tiền có in hình ông Benjamin Franklin đã tăng gấp đôi kể từ cuộc suy thoái.
Theo báo cáo của Wall Street Journal, ngân hàng Mỹ đang cố theo dấu các đồng tiền USD, nhưng họ chưa thể xác định rõ ràng được vị trí của toàn bộ số tiền đó. Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới bắt đầu ngừng sử dụng tiền mặt, giảm dùng tiền giấy và tiền xu trong khi tăng dùng thẻ ngân hàng hoặc ứng dụng điện thoại để thanh toán.
Trong nghiên cứu năm 2017, Ruth Judson, một nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang, cho biết khoảng 60% tiền USD, và khoảng 75% số tờ 100 USD, đã rời khỏi Mỹ tính tới cuối năm 2016 - tương đương với khoảng 900 tỉ USD đang được lưu trữ ở nước ngoài.
Tiền USD đang được giữ như thế nào? Ví dụ, tại các quốc gia bất ổn, nơi giá trị tiền tệ thay đổi chóng mặt, giữ tiền USD có thể giúp người dân đảm bảo được tài sản của mình trước tương lai kinh tế ảm đạm.
Những kẻ rửa tiền cũng thích tiền mặt hơn bởi chúng có thể che giấu được nguồn gốc của các tài sản bất chính. Nhiều người cũng tích trữ tiền vì sợ nền kinh tế sụp đổ.
"Người ta giấu tiền ở khắp mọi nơi," Sven Bertelmann, một chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Bundesbank (Đức), trả lời.
Mọi người giấu tiền ở sân vườn, trên gác xép hoặc những nơi không ai nhớ tới. "Chuyện đó thường xảy ra. Đôi lúc người dân giữ tiền trong phong bì và sau đó vô tình cắt đôi những đồng tiền".
Vấn đề ở đây là, nếu các ngân hàng trung ương không biết hiện đang có bao nhiêu tiền được lưu hành, họ có thể in thêm quá nhiều và gây ra vấn đề với nguồn cung tiền.
Trí thức trẻ