Khởi tố vụ án tại Cục Thi hành án Long An
Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt Long An tố giác cho rằng Cục Thi hành án dân sự tỉnh này để đơn vị mua đấu giá lấy nhiều tài sản không bị kê biên, định giá…
Ngày 7-12, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Long An. Đây là kết quả sau khi kiểm tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thị Cúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt Long An.
Bà Cúc tố cáo chấp hành viên Cục THA dân sự tỉnh Long An có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc kê biên tài sản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong quá trình thi hành bản án ngày 30-10-2013 của TAND tỉnh Long An, từ đó gây thiệt hại tài sản cho Công ty Cổ phần Dệt Long An.
Bà Cúc cho rằng các chấp hành viên THA đã tịch thu toàn bộ hồ sơ pháp lý, hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ của công ty cũng như bí mật tổ chức bán đấu giá tài sản trong nhà máy mà không có sự đồng ý từ phía lãnh đạo Công ty Cổ phần Dệt Long An .
Cơ quan chức năng kê biên trụ sở Công ty Cổ phần Dệt Long An. Ảnh: CTV
Thông báo việc khởi tố vụ án của CQĐT VKSND Tối cao .
Theo bản án, Công ty Dệt Long An có nghĩa vụ phải xử lý tài sản thế chấp để trả cho ngân hàng tổng cộng hơn 130 tỉ đồng. Do doanh nghiệp liên tục khiếu nại nên tháng 5-2014 Cục THA dân sự tỉnh Long An kê biên toàn bộ xưởng dệt, trụ sở, máy móc, thiết bị… Sau khi kê biên, Cục THA đã bốn lần thẩm định giá nhưng doanh nghiệp không đồng ý.
Bà Cúc tố cáo, cho là khi hồ sơ còn nằm ở Chi cục THA huyện Thủ Thừa, cơ quan này đã ra quyết định THA. Tuy nhiên, khi rút hồ sơ lên, Cục THA tỉnh ra quyết định THA mà không xử lý quyết định cấp dưới đã ban hành. Như vậy, một bản án có đến hai quyết định THA.
Đơn vị này còn căn cứ vào các thông báo đính chính, sửa chữa, bổ sung bản án của hai cấp tòa tỉnh Long An để ra các quyết định THA bổ sung trong khi các thông báo này làm thay đổi nội dung bản án...
Theo bà Cúc, chỉ riêng dây chuyền máy móc, thiết bị gần 6 triệu USD nhưng THA định giá chỉ 27,6 tỉ đồng và phía trúng đấu giá đã tháo dỡ nhiều tài sản chở ra bên ngoài, làm hư hỏng, mất mát rất nhiều tài sản không bị kê biên, định giá, bán đấu giá.
Trong vụ THA này, ngoài việc tố giác các chấp hành viên, bà Cúc còn cầu cứu lên Bộ Tư pháp. Và tháng 9-2017, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thay đổi hiện trạng tài sản là toàn bộ công trình xây dựng và dây chuyền máy móc, thiết bị của Công ty Cổ phần Dệt Long An đã được bán đấu giá cho Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Phúc Thịnh (phiên đấu giá ngày 24-1-2017, do Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản miền Nam tổ chức). Việc làm này là để Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ Tư pháp sau đó đề nghị UBND tỉnh Long An phối hợp, hỗ trợ Thanh tra Bộ cùng chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và hai huyện Thủ Thừa, Bến Lức có những biện pháp thích hợp để giữ nguyên hiện trạng toàn bộ tài sản tại Công ty Dệt Long An cho đến khi có kết luận thanh tra làm rõ đúng sai về quá trình THA, bán đấu giá tài sản.
Pháp luật TPHCM