Không ai biết đến nhưng chàng trai 35 tuổi này đang sở hữu startup được định giá cao nhất thế giới hiện nay
Bytedance đã thu hút được một danh sách dài các nhà đầu tư sừng sỏ như KKR, General Atlantic và cả Sequoia, mà mới nhất là Softbank với dự định rót khoảng 1,5 tỷ USD.
- 20-09-2018Livestream hết hot, đây mới là trào lưu kiếm tiền trên mạng mới nhất ở Trung Quốc
- 12-09-2018Chân dung đối thủ đáng gờm của Grab vừa vào Việt Nam: Là niềm tự hào startup của Indonesia, chỉ sau 3 năm từ "zero thành hero"
- 17-08-2018Tiềm lực quá dồi dào, Alibaba và Tencent đang "bóp nghẹt" các startup Trung Quốc?
- 15-08-2018Mới hoạt động 8 năm và được định giá hơn 30 tỷ USD, tỷ phú 'liều ăn nhiều' Masayoshi Son khẳng định startup này sắp trở thành Alibaba thứ 2
6 năm trước, khi Zhang Yiming lần đầu tiên trình bày ý tưởng về một ứng dụng tổng hợp tin tức bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các nhà đầu tư trong đó có Sequoia Capital tỏ ra rất hoài nghi.
Câu hỏi đặt ra là làm sao một kỹ sư phần mềm 29 tuổi chỉ được đào tạo trong nước có thể thông minh hơn hàng tá các cổng tin tức được điều hành bởi những ông trùm mạng xã hội như Tencent, và làm sao có thể tìm thấy lợi nhuận ở lĩnh vực mà kể cả Google cũng đã thất bại.
Năm nay 35 tuổi, Zhang đã chứng minh được những nhận định của 6 năm trước sai hoàn toàn. Ngày nay công ty của anh, Bytedance, đang trên đường chạm đến con số 75 tỷ USD – mức định giá cao hơn cả Uber để trở thành startup có giá trị nhất thế giới theo số liệu của CB Insights. Bytedance đã thu hút được một danh sách dài các nhà đầu tư sừng sỏ như KKR, General Atlantic và cả Sequoia, mà mới nhất là Softbank với dự định rót khoảng 1,5 tỷ USD.
Mức định giá "khủng" của startup này đến từ việc nó tạo ra trải nghiệm internet pha trộn giữa Google và Facebook. "Điều quan trọng nhất là chúng tôi không phải 1 công ty kinh doanh tin tức mà giống với 1 công cụ tìm kiếm hay 1 nền tảng mạng xã hội hơn", Zhang trả lời phỏng vấn năm 2017, cho biết thêm mình không thuê bất kỳ biên tập viên hay phóng viên nào. "Chúng tôi đang làm công việc sáng tạo, không phải là sao chép 1 công ty Mỹ nào đó dù là về sản phẩm hay công nghệ".
Đáng chú ý hơn, Zhang có thể thành công mà không cần nhận tiền từ hai "ông trùm" internet ở Trung Quốc là Alibaba và Tencent.
Chặng đường hóa thân thành "người khổng lồ" của Bytedance bắt đầu với trang tin tức Jinri Toutiao, nhưng nó gắn bó chặt chẽ hơn với một loạt vụ thâu tóm và chiến dịch mở rộng rất thông minh giúp công ty lấn sân sang mảng video trên di động và vươn ra thế giới. Bằng cách nuôi dưỡng một tập hợp nhiều ứng dụng thành công, từ ứng dụng video gây sốt Tik Tok cho đến các nền tảng nội dung số có cách tiếp cận hoàn toàn mới, Bytedance tập hợp được lực lượng hàng trăm triệu người dùng và xét theo góc độ nào đó đang trở thành mối đe dọa đối với những công ty internet lớn nhất Trung Quốc.
Giống như Facebook khi ở giai đoạn tương tự, Bytedance đang đối mặt với câu hỏi khi nào và bằng cách nào công ty sẽ bắt đầu sinh lời.
"Vấn đề nổi cộm nhất của hoạt động kinh doanh internet ở Trung Quốc hiện nay là tốc độ tăng trưởng người dùng và thời gian online của họ giảm xuống rõ rệt. Dường như thị trường đang trở thành một trò chơi có tổng bằng 0, và chi phí để thu hút người dùng và chiếm lĩnh thời gian của họ đang tăng lên", chuyên gia phân tích Jerry Liu của UBS nhận định.
Trong khi đó Bytedance đã tạo được một nhóm các ứng dụng giải quyết rất tốt bài toán này. Toutiao là một trong những nền tảng tạo ra và phân phối nội dung số trên thiết bị di động lớn nhất Trung Quốc. Với sự trợ giúp của AI, cách làm của Bytedance là phân tích các đặc điểm của nội dung cũng như người dùng và cách thức tương tác của người dùng với nội dung, sau đó sử dụng các thuật toán để tạo ra các nội dung tùy chỉnh phù hợp với từng cá nhân. Tính đến tháng 9/2017, Toutiao có 120 triệu người dùng thường xuyên hàng ngày.
Mặc dù có chút lạc lõng vì không liên quan gì đến Alibaba hay Tencent, Bytedance đang trở thành công ty công nghệ Trung Quốc thành công nhất trong việc xây dựng mạng lưới ở nước ngoài. Tik Tok hiện đã có mặt ở Mỹ, Đông Nam Á và Nhật Bản. Kể cả WeChat của Tencent cũng đã gặp nhiều khó khăn khi cố gắng ra nước ngoài 4 năm trước.
Năm 2012, Zhang nhận ra rằng người dùng mobile ở Trung Quốc khó có thể tìm thấy thông tin mà họ thực sự quan tâm giữa một rừng ứng dụng. Sử dụng AI để phân phối nội dung có thể là câu trả lời, và phiên bản mẫu có thể là bảng tin của Facebook.
Sau một loạt vụ gọi vốn thất bại, cuối cùng Zhang nhận được khoản đầu tư từ Susquehanna International Group và bắt đầu tung ra ứng dụng tin tức vào tháng 8/2012. Ứng dụng này thu thập thông tin về thói quen đọc của người dùng, sau đó gợi ý các thông tin và bài báo dựa trên thói quen của họ. Người dùng càng sử dụng nhiều thì trải nghiệm sẽ càng được cải thiện và càng sử dụng app nhiều hơn. Đến giữa năm 2014, lượng người dùng thường xuyên hàng ngày đã lên tới hơn 13 triệu. Cuối cùng thì Sequoia quan tâm và đứng đầu nhóm nhà đầu tư bỏ 100 triệu USD vào tương lai của Bytedance.
Nhưng video mới là mảng thực sự giúp Bytedance thăng hoa. Tháng 9/2016, hãng âm thầm ra mắt Tik Tok (ở Trung Quốc gọi là Douyin), ứng dụng cho phép người dùng chụp hình và chỉnh sửa phông nền, tạo hiệu ứng và chia sẻ chúng rộng rãi trên Weibo hay WeChat. Trong bối cảnh phong trào livestream dần dần mất đi sức hút, những video siêu ngắn (khoảng 15 giây) của Tik Tok đã tạo nên cơn sốt.
1 năm sau, Bytedance thâu tóm Musical.ly với giá 800 triệu USD, nhìn thấy sự tương đồng giữa ứng dụng video xã hội đang sốt trong giới trẻ Mỹ và Tik Tok.
Giờ đây thách thức dành cho Bytedance là biến lượt xem và những cơn sốt thành tiền. Công ty đang mở rộng mảng kinh doanh quảng cáo, đặc biệt là cho Toutiao. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng lượng tiếp cận khổng lồ và sức hút của các ứng dụng tạo nên lợi thế cho Bytedance, nhưng vẫn có những lo ngại về vấn đề pháp lý của Bytedance, đặc biệt là những ảnh hưởng từ chính sách kiểm duyệt nội dung chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc.