"Không ai muốn có thêm nhiều củi khi đặc khu ra đời"
Còn rất nhiều lo ngại về ưu đãi tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc...
- 23-05-2018Vốn tối thiểu 45.000 tỷ mới được mở casino tại đặc khu
- 23-05-2018Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đặt casino ở đặc khu thì nên nhớ thung lũng Silicon và Las Vegas không thể ở cùng một chỗ!
- 23-05-2018Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM: “Nguồn vốn đầu tư cho các đặc khu kinh tế rất lớn, nhưng cần chú ý 2 điều”
"Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi sau khi ba đặc khu ra đời", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) phát biểu gần cuối phiên thảo luận sáng 23/5 của Quốc hội.
Tại đây, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dù đã được chỉnh lý rất nhiều song vẫn khiến các vị đại biểu lo ngại, từ quy định của luật đến khâu thực thi.
So sánh với dự thảo luật được thảo luận lần đầu tại Quốc hội cuối năm 2017 thì dự thảo mới nhất đã có nhiều thay đổi đáng kể, trong đó có quy định về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh.
Không phải 99 năm như ban đầu, mà thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu chỉ được không quá 70 năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thực tế nhiều dự án có chủ trương đúng nhưng thất bại, có nhiều tổn thất, thậm chí thảm hoạ do khâu tổ chức thực hiện, đại biểu Nghĩa mở đầu 7 phút phát biểu.
Tán thành với một số điều chỉnh của dự luật, nhất là về đất đai, ông Nghĩa nhấn mạnh, việc lập các đặc khu không chỉ lập các đơn vị hành chính thông thường mà là dự án đầu tư công lớn, dành nhiều ngàn km đất liền, hàng chục km vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư. Nhà nước đã đầu tư vào các khu vực này hàng trăm nghìn tỷ đồng vào hạ tầng đường xá, sân bay…
Theo đề án xây dựng 3 đặc khu cần khoản đầu tư 1,5 triệu tỷ đồng vào tiếp 3 đặc khu này, trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ. Sự ưu đãi hào phóng từ thuê đất, mặt nước.. cũng chính là khoản đầu tư cực lớn từ ngân sách.
Toàn bộ bộ máy hành chính di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng trăm ngàn dân khu vực trên đều phục vụ cho nhà đầu tư khu vực này, ông Nghĩa nói tiếp.
"Trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa tất cả khoản đầu tư này cho ai, đem lại lợi ích gì?", ông Nghĩa đặt câu hỏi và phản ánh nhiều chuyên gia lưu ý đây là những vùng đất lớn, tất cả đất giá đã cao ngất ngưởng và có chủ.
Cử tri cần câu trả lời: chúng ta hy sinh ưu đãi để được lợi ích gì, cho ai. Ngoài bài toán kinh tế chúng ta sẽ được, mất gì về văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng. Câu trả lời tất yếu, chúng ta phải được nhiều, nhiều lần so với chi phí bỏ ra, 3 đặc khu phải giúp kinh tế phát triển xanh, sạch hơn, chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ vững chắc; thành phố văn minh, thịnh vượng, ông Nghĩa phát biểu.
Về những quy định cụ thể, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh, lãnh thổ 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển: Vân Đồn tới Hải Nam (Trung Quốc) chỉ cách 200 hải lý, Vịnh Vân Phong rất gần Trường Sa nên phải tuân theo luật biên giới, luật biển và tài nguyên nước.
Liên quan đến giao đất, ông Nghĩa đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, bởi không có vòng đời dự án đầu tư nào hiện nay tới 99 năm. Mà thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải thu hồi đất.
Thời hạn 99 năm ngang với 3-4 thế hệ con người thực chất là hình thức nhường địa mà chỉ những nước nghèo đói hoang sơ cần đến, ông Nghĩa bình luận.
Theo dự thảo luật thì đặc khu nào cũng cho phép đầu tư casino. Và đại biểu Nghĩa đặt vấn đề có cần cho phép tới 3 casino không, có quản lý nổi hệ luỵ của loại hình giải trí này không. Chưa có nhiều casino đã tổn thất nặng về cán bộ rồi, ông Nghĩa lưu ý.
Đại biểu so sánh: Singapore cũng chỉ cho mở 1 casino sau nhiều năm cấm đoán và cũng phát sinh nhiều hệ luỵ xã hội. Vị đại biểu Tp.HCM lo ngại và đề nghị chỉ cho mở 1 casino và cân nhắc nhiều khía cạnh khi quyết định.
Với quan điểm cho rằng khi dành nhiều ưu đãi sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền, ông Nghĩa cho rằng nói như thế thì chỉ đúng 1 nửa, vì có những nhà đầu tư họ đến, đi chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, nhưng có nơi lại cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác. Họ di dân tới tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng, đã có ví dụ nhãn tiền, nên luật phải thiết kế chỉ mở cửa cho bạn bè chứ không phải mời cướp vào nhà. Còn nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài.
Dự luật hiện dành nhiều ưu đãi khá dễ dãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó cần rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, để đặc khu thu hút nhà đầu tư công nghệ cao lựa chọn đặc khu chứ không chỉ thu hút các nhà đầu tư bất động sản, casino, ông Nghĩa góp ý.
Theo ông, lộ trình thành lập các đặc khu chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm chứ không nên làm đồng loạt. "Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời" , ông Nghĩa phát biểu và đề nghị lùi thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với đề án lập 3 đặc khu, như thế cử tri sẽ yên tâm hơn.
Cũng có nhiều nỗi lo, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng vì đặc khu là thử nghiệm nên có thể thành công mà cũng có thể thất bại, nên không thể phiêu lưu được, đặc biệt với vị trí địa chính trị của Vân Đồn thì không cẩn thận sẽ là nơi để di dân nếu thời hạn sử dụng đất đến 99 năm.
Quy định thời hạn giao đất đến 99 năm cần hết sức thận trọng, đề nghị khi thông qua luật cần biểu quyết riêng và nên minh bạch kết quả biểu quyết để cử tri biết chính kiến của từng người, ông Quốc đề nghị.
Vneconomy