Không biết cấp dưới dùng công nghệ thực tế ảo cho khách xem nhà, Shark Hưng đồng ý đầu tư 100.000 USD cho Home3D kèm điều kiện "tôi phải về hỏi ban quản lý dự án kiểm tra lại đã"
Công nghệ mới phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại khi giãn cách xã hội khách không thể đi xem nhà trực tiếp. Tuy nhiên startup Home3D không có kỹ năng thuyết trình để nói lên tính ưu việt sản phẩm của mình khiến Shark Bình nhận xét: "Chắc chắn các bạn không giàu được".
Xuất hiện cuối cùng trong tập 9 Shark Tank Việt Nam mùa 4, Nguyễn Minh Huế - Nhà sáng lập và điều hành của Home3D cùng Trần Văn Dũng – nhà đồng sáng lập Home3D đến để kêu gọi đầu tư 100.000 USD cho 10% cổ phần cho giải pháp trải nghiệm dự án bất động sản tại chỗ một cách linh hoạt và như thật.
Home3D sử dụng 3D để mô hình hóa toàn bộ dự án, khách hàng có thể tham quan dự án từ tổng thể đến chi tiết trong không gian căn hộ. Giải pháp của Home3D giúp chủ đầu tư, sàn bất động sản tối ưu hóa sản phẩm ngay từ khâu thiết kế. Điều này giúp giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng tương tác, tiếp cận được nhiều hơn với khách hàng và mang lại cho khách hàng trải nghiệm như thật ở mọi nơi trên mọi thiết bị.
Kế hoạch tiếp theo của Home3D là hoàn thiện nền tảng cho phép các nhà thiết kế có thể đưa mô hình 3D của mình lên online, cho phép người dùng download được dữ liệu 3D và dữ liệu thiết kế về. Startup cũng chia sẻ kỳ vọng về việc xây dựng kho dữ liệu 3D lớn nhất Việt Nam.
Hai đại diện của Home3D cho biết đang sử dụng HTML5 cùng một số Java và Vue.js để viết hệ thống. Home3D được thiết kế cho đa nền tảng, người dùng có thể sử dụng kính VR, PC (máy tính cá nhân), Mobile (điện thoại) để vào tham quan. Doanh nghiệp đã kinh doanh từ đầu năm 2021, triển khai cho 5 dự án, doanh thu 500 triệu và đang đàm phán với 15 dự án khác. Trung bình mỗi dự án chung cư, Home3D thu về khoảng 100 triệu. Trần Văn Dũng chia sẻ: "Mô hình của bọn em không bán hết mà cho thuê theo tháng. Trung bình một căn hộ cho thuê là 25 USD/tháng".
Shark Bình ngay lập tức nhận định startup "giống làm website cho dự án. Chỉ là một loại hình khác thôi".
Home3D chia sẻ khách hàng của mình có Cenland của Shark Hưng, tuy nhiên Shark Hưng thừa nhận: "Đang là khách hàng mà mình không biết".
Khi Shark Hưng hỏi chi tiết hơn về thông số kỹ thuật, đại diện của Home3D cho biết các mô hình 3D sẽ được đặt trên hệ thống của Home3D với dung lượng từ 3 – 5GB. Vì sử dụng công nghệ nén nên người dùng đăng ký 4G là đã có thể truy cập để xem dự án.
Startup cũng chia sẻ rằng người xem nhà qua Home3D có thể linh hoạt đi hết không gian bên trong. Home3D tích hợp thêm chức năng thay đổi vật liệu trong không gian đó như sàn nhà. Nhờ đó, cùng một căn nhà mẫu, người dùng có thể trải nghiệm theo phong cách cổ điển, hiện đại, thiên nhiên…
Shark Hưng cho rằng đây là dạng mô hình giả lập và thắc mắc về sự khác biệt giữa ảnh 360 giới thiệu dự án và Home3D.
Nguyễn Minh Huế giải thích: "Nếu là chụp ảnh thì chủ đầu tư phải đầu tư không gian thực với một chi phí lớn. Thời gian để thực hiện rất là lâu mà tính tùy biến để cho khách hàng trải nghiệm gần như là không có".
Shark Phú đánh giá rằng lĩnh vực của startup quá bé không thuộc hệ sinh thái nên quyết định không đầu tư. Có cùng quyết định với Shark Phú nhưng Shark Liên lại đưa ra lý do khác: "Tôi nghĩ sản phẩm này chưa thay thế được giao dịch truyền thống. Đặc biệt nếu đi mua một căn nhà, tài sản rất lớn của một đời người, tôi phải đến sờ, nhìn. Nếu chỉ nhìn trên đấy thì chưa thể biết được. Tôi nghĩ đây là giải pháp chỉ thích hợp với một vài dự án".
Nguyễn Minh Huế lý giải rằng ý tưởng của Home3D không phải là phương thức thay thế hoàn toàn để giao dịch mà chỉ giúp cho khách hàng giảm thời gian đi lại để tham quan.
Shark Hưng nhận xét lợi thế của Home3D là khi dự án chưa được triển khai xây dựng, chưa có nhà mẫu thật thì có nhà mẫu ảo. Ngoài ra, nếu đã có nhà mẫu thật nhưng ở quá xa thì khách hàng cũng có thể ứng dụng được. Tuy nhiên, Shark cũng bày tỏ sự băn khoăn nhất về công nghệ và nhận định: "Có thể là chưa đúng thời điểm để chúng ta đầu tư vào cái này. Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào đường truyền". Dù vậy Shark Hưng cũng cho biết khi đầu tư, Shark quan tâm nhiều hơn đến tương lai nên đề nghị startup nói rõ hơn về tiềm năng, cơ hội, quy mô...
Startup cho biết, các chủ đầu tư xây thường chỉ bỏ tiền ra xây một căn nhà mẫu. Tuy nhiên trong một dự án thường có 5-10 loại căn hộ thì không thể đầu tư hết tất cả nhà mẫu. Nguyễn Minh Huế phân tích: "Không có căn hộ mẫu thì có thể trải nghiệm nó bằng các sản phẩm thực tế ảo" và cho biết Home3D sẽ thể hiện tổng thể 360 về tổng quan dự án và hạ tầng xung quanh. Từ đó, khách hàng có thể xem kiến trúc nội khu, mặt bằng dự án, mặt bằng tầng điển hình, tham quan chi tiết từng căn hộ.
Thiết kế: Linh Thạch
Shark Bình đánh giá "sản phẩm quá đơn giản, so với trình độ công nghệ năm 2000 còn không so được" và khuyên startup nên đầu tư thêm để khách hàng có thể dùng chuột di chuyển để thay đổi góc nhìn khi xem nhà. Nhận xét về mô hình kinh doanh, shark Bình cho rằng startup đang bán phần mềm theo dự án. Từng trải qua giai đoạn tương tự và cho rằng mô hình này "ráo mồ hôi thì hết tiền, không bán cho dự án nữa thì đói", Shark Bình chia sẻ "business về công nghệ thì phải đi ngủ tiền cũng về".
"Chắc chắn các bạn không giàu được, mà các bạn không giàu thì nhà đầu tư làm sao mà giàu được", nhận định startup nhắm đến thị trường bất động sản thì hơi nhỏ nên Shark Bình quyết định không đầu tư.
Shark Louis cho biết thích lắng nghe nhưng phải ngắn gọn. Shark gợi ý startup "elevator pitch" – chinh phục đầu tư trong thang máy. Shark Louis giải thích: "Bạn có thể gặp nhà đầu tư ở bất cứ đâu, bạn có khoảng 20 giây chinh phục nhà đầu tư lắng nghe và đầu tư hoặc gặp bạn trở lại". Do đó, Shark đề nghị startup hãy nói về USP (unique selling proposition), đặc điểm công ty, khác biệt, lợi thế trong 20 giây. Tuy nhiên nội dung startup đưa ra không đủ sức thuyết phục nên Shark Louis không đầu tư.
Shark Hưng một lần nữa khẳng định: "Cái này cần nhiều thời gian để cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đường truyền phát triển thêm. Đồng thời tăng cường thêm thói quen và trải nghiệm người dùng". Tuy vậy, Shark đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 25% cổ phần kèm điều kiện nếu trong 2 năm không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cộng dồn là 20 tỷ thì số tiền đầu tư sẽ quy đổi thành sử dụng dịch vụ với mức chiết khấu là 70%, khấu trừ đến khi nào hết tiền.
Hai đại diện của Home3D đề nghị con số 100.000 USD cho 20% và cho biết công ty đã đầu tư 2,5 tỷ, hiện đang có một team công nghệ 5 người làm dữ liệu 3D. Tuy nhiên Shark Hưng không đồng ý.
"Điều kiện sau có thể xem xét lại ở vòng due diligence. Tôi còn không biết bạn charge công ty tôi 100 triệu đồng có những gì, tôi phải về hỏi lại ban quản lý dự án kiểm tra lại đã",Shark Hưng không thay đổi ý kiến.
Cuối cùng, startup chấp nhận mức đầu tư 100.000 USD cho 25% cổ phần.
Đại diện của Home3D chia sẻ: "Lĩnh vực mình đang làm khá phù hợp với Shark Hưng. Kỳ vọng và định hướng của Home3D là muốn đi xa, đi rộng hơn nữa... Giải pháp hiện tại của Home3D quá mới, quá lạ với người mua hàng nên cần thời gian để trải nghiệm và tiếp nhận giải pháp ấy".