Không chấp nhận "trên bảo dưới không nghe"
Người đứng đầu chính quyền TP HCM khẳng định nếu đơn vị nào hoàn thành không quá 80% nhiệm vụ thì sẽ cắt thi đua, còn người đứng đầu coi như không hoàn thành nhiệm vụ.
- 20-07-2017Ngân sách nhà nước sẽ thu thêm 4.000 - 8.000 tỷ đồng nhờ... một con tem
- 20-07-2017Ngân sách Nhà nước thu về hơn 7.900 tỷ đồng từ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- 18-07-2017"Giảm lãi suất 1%, doanh nghiệp sẽ dành được 50.000 tỷ, ngân sách tiết kiệm 10.000 tỷ"
Sáng 28-7, UBND TP HCM đã tổ chức cuộc họp định kỳ về kinh tế - văn hóa - xã hội, thu chi ngân sách tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017.
Sở này "đá" sở kia
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định trong các nhiệm vụ do Chủ tịch, UBND TP giao mà các đơn vị hoàn thành không quá 80% thì cắt thi đua, người đứng đầu sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ.
"Do đó, tổ công tác kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Chủ tịch, UBND TP do Chánh Văn phòng Võ Văn Hoan đứng đầu phải hết sức trách nhiệm. Chúng ta không thể chấp nhận trường hợp chỉ đạo mà không chấp hành, không có kiểu "trên nói dưới không nghe". Chúng ta rất dân chủ trong thảo luận, tìm kiếm giải pháp và đã thống nhất với nhau những kết luận đó nên phải làm cho được" - ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi họp Ảnh: Phan Anh
Ông Phong đề nghị trong cuộc họp 9 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan phải báo cáo đơn vị nào còn để tồn nhiệm vụ chưa hoàn thành. Theo ông Phong, làm như vậy mới thấy rõ chất lượng công tác quản lý của người đứng đầu như thế nào, năng lực chỉ đạo của người quản lý như thế nào, trách nhiệm phải hoàn thành nhiệm vụ của các ngành, các cấp đó ra sao.
Một tồn tại khác cũng được ông Phong đề cập là tình trạng phối hợp giữa các ngành rất yếu. Ông dẫn chứng: "Vừa rồi, anh Khoa (Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa - PV) đã chủ trì cuộc họp giải quyết vụ việc xung quanh Công ty Dịch vụ công ích Thủ Đức. Có mỗi việc đó mà sở này "đá" sở kia, sự phối hợp giữa các địa phương không đồng bộ. Các đồng chí làm như vậy là mất niềm tin đối với cấp dưới, với người dân và doanh nghiệp". Theo ông, trong hệ thống chính trị mà phối hợp không đồng bộ, có sự bất nhất như vậy là ảnh hưởng đến yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
"Đau đầu" với sai phạm xây dựng
Tại cuộc họp, vấn đề "nóng" hiện nay là tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra tràn lan trên địa bàn TP HCM cũng được Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn báo cáo.
Theo ông Tuấn, trong 7 tháng đầu năm nay, tình hình xây dựng không phép khác với thời gian trước, nổi lên ở huyện Củ Chi và Cần Giờ chứ không phải huyện Bình Chánh như trước đây. "Tất nhiên, huyện Bình Chánh vẫn chiếm tỉ lệ cao. Tình trạng xây dựng không phép ở Củ Chi và Cần Giờ tương đồng với chuyện sốt nóng đất nền ở hai địa phương này" - ông khẳng định.
Ông Tuấn cho rằng phải tăng cường sự phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và thanh tra địa bàn quận - huyện để xử lý tình trạng này; đồng thời, cần tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép xây dựng để hạn chế tình trạng xây dựng sai phép, phải kịp thời xử lý sai phạm nếu có.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã nghe báo cáo về tình hình xây dựng không phép, trái phép ở huyện Bình Chánh. Theo ông, tình trạng vi phạm xây dựng ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn sẽ kéo dài nếu không có giải pháp căn cơ. Ngay trong báo cáo 7 tháng đầu năm 2017 của UBND TP cũng cho thấy vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng tăng hơn 20% so cùng kỳ với 361 trường hợp được phát hiện; trong đó, xây dựng không phép là 158 trường hợp, công trình sai phép là 129 trường hợp.
Vấn đề này tiếp tục được nhiều phóng viên đề cập tại buổi họp báo ngay sau đó của UBND TP HCM do Chánh Văn phòng Võ Văn Hoan chủ trì. Đề cập cụ thể tình trạng xây dựng không phép, trái phép ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, ông Hoan cho biết quan điểm của TP là bảo đảm lợi ích của người dân trong tương lai và ngay cả sau khi đưa vào sử dụng. "Mình lo cho dân trước hết là phát hiện ngay, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời chủ đầu tư để thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng giấy phép xây dựng. Đó mới là lo cho người dân" - ông nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, đối với công trình không bảo đảm chất lượng, TP cương quyết tháo dỡ và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm. "Đó là quan điểm của UBND TP. Trước khi triển khai dự án phải phát hiện sai phạm nhanh, xử lý kịp thời và buộc nhà đầu tư làm cho nghiêm túc. Làm vậy là bảo vệ lợi ích cho những người sau này vào ở trong dự án. Vì lợi ích của người dân ở đó nên UBND TP phải tổ chức kiểm tra để đưa ra đánh giá chứ không thể gác qua một bên để cấp giấy" - ông Hoan khẳng định.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn "trùm mền"
Trước câu hỏi của báo chí về tiến độ dự án Bình Quới - Thanh Đa khi dự án này đã "trùm mền" hơn 2 thập kỷ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho biết TP đã có nhiều mô hình đô thị thành công như Phú Mỹ Hưng nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều dự án không triển khai được. Giải thích lý do vì sao Công ty Emaar Properties PJSC, một đơn vị đầu tư dự án cùng với Tập đoàn Bitexco, rút khỏi dự án, ông Anh cho biết họ cần đất sạch, đơn giá đất cụ thể.
"Như mọi người đã biết, một miếng đất muốn hình thành, định giá thì nhiều thủ tục nên trong quá trình đàm phán, họ xin rút khỏi dự án" - ông Anh nói.
Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết với nhà đầu tư nước ngoài, cái khó là trả lời câu hỏi khi nào giao đất. Tuy nhiên, ông Hoan khẳng định quan điểm của TP là tiếp tục triển khai dự án để tạo điều kiện cho người dân ở đó và TP có khu đô thị khang trang hiện đại. Hiện TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, TP giao Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ, đến năm 2010, TP quyết định thu hồi. Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỉ đồng nhưng Công ty Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án.