Không chỉ chơi trội với mức đấu giá cao kỷ lục, Tân Hoàng Minh âm thầm đi khắp các tỉnh thâu tóm quỹ đất lớn với những cú "bẻ lái" bất ngờ
Trong suốt 2 năm qua Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã âm thầm thay đổi chiến lược kinh doanh, âm thầm về các tỉnh thâu tóm quỹ đất lớn để thực hiện những chiến lược mới.
Tay chơi với mức đền bù lên tới 1 tỷ đồng/m2 gần 10 năm trước
Hơn chục năm trước, Tân Hoàng Minh đã nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải với thương hiệu taxi V20. Nhưng sau đó, Tập đoàn này đã từ bỏ vận tải và chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản.
Cũng từ đó, giới bất động sản vô cùng ngạc nhiên khi biết Tân Hoàng Minh sở hữu nhiều lô đất ở vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội và lên kế hoạch phát triển một chuỗi dự án bất động sản cao cấp và hạng sang. Đỉnh điểm là năm 2012, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, dự án căn hộ siêu cao cấp D’.Palais de Louis (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy) được ra mắt với mức giá 145 triệu đồng/m2, ghi nhận ngay gần 40 phiếu đặt chỗ ngay tại phiên mở bán đầu tiên đã làm không ít người ngơ ngác.
Căn hộ siêu cao cấp D’.Palais de Louis từng là dự án có mức giá đắt đỏ bậc nhất Hà Nội.
Đi theo phân khúc hạng sang trong bối cảnh thị trường bất động thời điểm bấy giờ còn khó khăn và có nhiều "ngờ vực", Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng từng khẳng định: "Tân Hoàng Minh có cơ hội đầu tư những dự án lớn ở dọc đường Láng – Hòa Lạc hay bán đảo Linh Đàm, nhưng lại lựa chọn con đường khó khăn hơn là tìm kiếm những khu đất ở trung tâm thành phố đủ lớn để có thể phát triển thành bất động sản cao cấp. Mà những khu đất này lại rất hiếm, giải tỏa rất tốn tiền bạc và công sức, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng không đủ dũng cảm để nhảy vô. Khó nhưng Tân Hoàng Minh vẫn kiên trì theo đuổi, dù có dự án mất vài năm, thậm chí có dự án tốn gần chục năm mới giải tỏa xong", ông Dũng cho biết.
Nhìn lại quá khứ, thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm mới đây lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 mới đây dường như vẫn chưa là gì so với mức Tập đoàn này từng gây sốc tại Hà Nội khi chấp nhận đền bù hơn 1 tỷ đồng/m2 cho hộ dân cuối cùng để sở hữu mảnh đất 4.000m2 tại ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mức giá đền bù này, cho đến nay vẫn thuộc hàng cao nhất Hà Nội. Chưa dừng lại ở đó, Tân Hoàng Minh tiếp tục dành 7 năm để có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án.
Âm thầm thâu tóm quỹ đất khủng
Vài năm trở lại đây, tên tuổi Tân Hoàng Minh gắn với thương hiệu bất động sản hạng sang, siêu sang tưởng dần lắng xuống tại thị trường Hà Nội và TPHCM thì bất ngờ theo tìm hiểu của chúng tôi trong suốt 2 năm qua Tân Hoàng Minh và các công ty con đã âm thầm đi khắp các tỉnh thâu tóm quỹ đất lớn.
Cụ thể, đầu tháng 12 mới đây Tân Hoàng Minh đã đề xuất với tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án khu đô thị - du lịch – phim trường tại xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt với diện tích lên đến 4.319ha. Ngay sau đề xuất này, Tân Hoàng Minh đã được TP. Đà Lạt ủng hộ, thống nhất quan điểm tạo điều kiện thuận lợi nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch theo đề xuất.
Cũng tại Lâm Đồng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh báo cáo phương án quy hoạch chi tiết tổ hợp Dự án khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, nhà ở thương mại tại khu đất Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk (cũ). Cụ thể, dự án có diện tích 42.645 m2, tổng mức đầu tư 4.500 - 5.000 tỷ đồng, gồm khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp, nhà phố thương mại 5 – 7 tầng; phố đi bộ, quảng trường tổ chức sự kiện và hạ tầng dịch vụ, không gian cảnh quan sinh thái...
Phối cảnh tổ hợp Dự án khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, nhà ở thương mại tại khu đất Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk (cũ) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề xuất.
Tại Hòa Bình, trong Thông báo số 5931/TB-VPUBND ngày 27/8/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận cho phép Tập đoàn Tân Hoàng Minh nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng khu resort cao cấp tại khu vực hồ Hòa Bình, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Dự án đề xuất xây dựng trên diện tích đất 355,97 ha với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.629 tỷ đồng.
Ngoài hai siêu dự án trên, cuối tháng 12 này Tân Hoàng Minh cũng sẽ chính thức khởi công "Tổ hợp quần thể du lịch không ngủ" tại Bãi Trường, Phú Quốc. Dự án được đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD), quy mô 34 ha, bao gồm hệ thống khách sạn 5 sao, 129 shophouse, 76 biệt thự và 15 tòa căn hộ khách sạn condotel (7.000 đến 8.000 căn)...
Tại Hà Tĩnh, Tân Hoàng Minh cũng đang triển khai Dự án D’. Metropole Hà Tĩnh có tổng diện tích hơn 2,4ha với tổng quy mô dự án 1.500 tỷ đồng. Đây là khu quần thể phức hợp thời thượng và đẳng cấp bậc nhất đầu tiên được Tân Hoàng Minh triển khai và xây dựng tại Thành phố Hà Tĩnh. Dự án được quy hoạch thành Khu tổ hợp shophouse, biệt thự, nhà liền kề tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với nhiều tiện ích đi kèm như khu vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe…
Gây choáng với những cú "bẻ lái" bất ngờ
Không chỉ dừng lại ở bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng, mới đây nhất Tập đoàn Tân Hoàng Minh bất ngờ công bố chiến lược xây hàng triệu m2 nhà ở cho công nhân với chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn từ 40%-60%. Theo đó, từ năm 2022 Tân Hoàng Minh sẽ thi công hàng loạt khu nhà ở xã hội lắp ghép cho công nhân tại KCN của chính Tập đoàn này tại các tỉnh thành từ Bắc vào Nam như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Hoà Bình hay Long An, Bình Thuận…Hiện Tân Hoàng Minh đã "bắt tay" hợp tác cùng một công ty thành viên của Tập đoàn phát triển nhà ở Thương mại và Xã hội hàng đầu Hàn Quốc SH nhằm đưa giải pháp phát triển hệ thống "Nhà ở xã hội lắp dựng sẵn" cho ngành xây dựng Việt Nam.
Nhà ở được xây dựng theo phương pháp lắp ghép Tân Hoàng Minh sẽ triển khai trong năm 2022.
Ngoài bất động sản, Tân Hoàng Minh đang lấn sân sang hàng loạt lĩnh vực mới như bất động sản công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin.
Cụ thể, hồi tháng 11 UBND tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã ký kết biên bản thoả thuận về việc khảo sát lập quy hoạch các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng, trong đó, dự án khu đô thị kết hợp công nghiệp, thương mại dịch vụ khoảng 10.000 tỷ đồng, dự án khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái cao cấp khoảng 2.500 tỷ đồng.
Trước đó trong tháng 8, hai thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (chủ đầu tư dự án D’. Capitale) và Công ty CP Cung Điện Mùa Đông (chủ đầu tư dự án D’. El Dorado I) cũng được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Dự án có quy mô nghiên cứu hơn 540 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.958 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tân Hoàng Minh hiện đang đầu tư gần nghìn tỷ xây bãi đỗ xe ngầm tĩnh dọc phía Nam đường Đại Cồ Việt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 969 tỷ đồng được quy hoạch xây dựng và vận hành trên quy mô diện tích 6.843 m2, bao gồm một tầng nổi với chức năng sân vườn cảnh quan – các điểm giao thông đứng; 3 tầng hầm mỗi tầng 5.673 m2 (tổng diện tích 17.019 sàn hầm) cung cấp hơn 1.000 chỗ đỗ xe. Dự án dự kiến khởi công vào q uý IV/2022, hoàn thành đưa vào sử dụng quý IV/2024 với thời gian hoạt động 50 năm (không kể thời gian xây dựng).
Có thể thấy, bên cạnh một Tân Hoàng Minh "chơi trội" luôn khiến thị trường ngơ ngác với những kỷ lục về đấu giá, giá bán, đền bù vẫn có một Tân Hoàng Minh âm thầm phía sau với những chiến lược bứt phá, bền bỉ theo đuổi hàng loạt dự án lớn với tổng diện tích lên đến hàng nghìn ha. Hiện cánh tay của Tân Hoàng Minh không chỉ dừng lại ở bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng mà đang lấn mạnh sang phân khúc bất động sản công nghiệp - phân khúc tiềm năng nhất của bất động sản ngay trong đại dịch.