Không chỉ cổ phiếu "rác", cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vị thế lớn cũng đi xuống không ngừng suốt nửa năm nay
Cổ phiếu cũng như con người. Có lúc sinh ra, có thời lớn lên, thịnh vượng và có giai đoạn lụi tàn.
Sau những tháng thăng hoa đầu năm, việc kiếm lời trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên khó khăn hơn trong những tháng gần đây. Thậm chí đối với một số cổ phiếu, việc kiếm lời không chỉ khó khăn mà là không thể bởi vì giá cổ phiếu đã đi xuống không ngừng nghỉ trong suốt nửa năm qua. Đáng chú ý, đó không phải là những cổ phiếu "rác" mà là cổ phiếu của các doanh nghiệp có vị thế trong ngành.
QNS – CTCP Đường Quảng Ngãi
Lên sàn UPCoM vào cuối năm 2016 với giá chào sàn 80.000 đồng/cp, QNS ghi nhận một quá trình tăng giá tích cực lên 128.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh). Đường Quảng Ngãi không chỉ là doanh nghiệp nổi tiếng với thương hiệu sữa đậu nành Fami và Vinasoy, chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường sữa đậu nành tại Việt Nam với hơn 80%. Tính theo công suất độc lập thì nhà máy đường An Khê của QNS cũng là nhà máy có công suất đường lớn nhất.
QNS cũng giành được sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn.
Tuy nhiên, sự chững lại của mảng sữa đậu nành đã khiến cho tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp này chững lại. Kết quả 6 tháng đầu năm sụt giảm khởi nguồn cho quá trình đi xuống của cổ phiếu QNS trong suốt nửa năm nay.
Trong một báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt, các chuyên gia cho rằng việc Đường Quảng Ngãi chậm trễ trong việc mở rộng công suất đường nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng sản lượng 2017. Ban lãnh đạo trước đây dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ hoàn tất việc mở rộng công suất Nhà máy đường An Khê từ 10.000 tấn mía/ngày lên 18.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, chậm trễ trong việc lắp đặt máy móc khiến công suất của nhà máy chỉ đạt 12.000 tấn mía/ngày.
VSC – CTCP Tập đoàn Container Việt Nam
Sau khi tăng giá rất nhanh và đạt đỉnh tại 64.000 đồng, VSC rơi vào quá trình đi xuống không nghỉ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, VSC có giả 52.300 đồng – phục hồi so với mức giá thấp nhất vừa tạo được thời gian qua là 50.900 đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội cảng biển, VSC là một cảng lớn chiếm 5% thị phần tại Việt Nam. Với cảng VIP Green thì VSC là doanh nghiệp hiếm hoi có sự tăng trưởng về doanh thu tại khu vực cảng Hải Phòng khi mà các cảng ở đây hầu hết đã sử dụng hết công suất. Tuy nhiên, sự cạnh tranh với cảng Đình Vũ đã khiến VSC phải giảm giá cung cấp dịch vụ trong ki chi phí đầu vào tăng. Do đó, lợi nhuận của VSC sụt giảm.
Giống như QNS, kết quả kinh doanh đi xuống đã kéo theo việc giá cổ phiếu của VSC đi xuống liên tục.
Nhóm cổ phiếu lốp xe DRC – CTCP Cao su Đà Nẵng, CSM – CTCP Cao su miền Nam và SRC – CTCP Cao su Sao Vàng
Khi cao su nguyên liệu là thành phần chính tạo nên sản phẩm và chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí giá vốn thì việc giá loại nguyên liệu này tăng mạnh, không khó để thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp lốp xe. Không chỉ vậy, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh trước sự cạnh tranh để bán được hàng càng khiến cho các doanh nghiệp này lao đao. Đối với CSM và DRC, chi phí khấu hao cùng chi phí lãi vay khi xây dựng nhà máy mới quả thực là gánh nặng lớn khi tình hình chung đang không thuận lợi.
Theo thông báo mới nhất, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2017 của DRC chỉ được 163 tỷ đồng, chưa bằng một nửa lợi nhuận cùng kỳ. Còn CSM chỉ đạt 50 tỷ đồng – giảm 72%. SRC đạt 36 tỷ đồng LNTT – bằng 54% cùng kỳ.
Đây chỉ là một số gương mặt tiêu biểu để thấy rằng cổ phiếu cũng như con người. Có lúc sinh ra, có thời lớn lên, có lúc thịnh vượng và có giai đoạn lụi tàn. Nó diễn biến theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Trí Thức Trẻ