MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một chỉ số kinh tế mà Việt Nam chỉ đứng sau Philippines, và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan...

Một chỉ số kinh tế mà Việt Nam chỉ đứng sau Philippines, và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan...

Để đánh giá một nền kinh tế, không chỉ có vấn đề tăng trưởng GDP, mà còn nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như thu nhập quốc gia (GNI – gross National income), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI – National disposable income), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (cơ bản là kiều hối) và tiết kiệm (saving). Đây đều là những chỉ số phản ánh nguồn lực thực sự của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, nếu chỉ nhìn vào quy mô GDP để đánh giá nguồn lực kinh tế thì vẫn chưa phản ánh hết nguồn lực thực sự của nền kinh tế. Nguồn lực của nền kinh tế là chỉ tiêu tiết kiệm, tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư.

Cụ thể, nguồn tiết kiệm = thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) – tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và của Chính phủ).

Như vậy, trường hợp tiết kiệm không đủ để đầu tư thì nền kinh tế phải đi vay. Theo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn tỷ lệ đầu tư so với GDP và đang có xu hướng giảm dần. Điều này cũng đồng nghĩa với Việt Nam phải đi vay từ nước ngoài để đầu tư.

Một chỉ số kinh tế mà Việt Nam chỉ đứng sau Philippines, và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan... - Ảnh 1.

Tỷ lệ tiết kiệm so với GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 là 29,88%; năm 2016 đạt 29,58%; năm 2017 đạt 29,12%; 2018 đạt 29,20%; 2019 đạt 29,40%; năm 2020 đạt 29,11%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP đạt 29,27%, thấp hơn giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, với chính sách thắt chặt chi tiêu, Chính phủ đã cắt giảm một số khoản chi thường xuyên cho các hoạt động điều hành vĩ mô, kiểm soát và hạn chế các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước đã giảm từ 7,11%/năm bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn 6,62%/năm bình quân giai đoạn 2016-2020.

Trong đó, năm 2019, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước chỉ tăng 5,80%, mức thấp nhất kể từ năm 2003 trở lại đây. Năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã chi tiêu nhiều hơn để kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, ước tính tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước tăng 6,16% so với năm 2019.

Tiêu dùng hộ gia đình là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2019, nhờ tiêu dùng bình quân năm của hộ gia đình tăng cao 7,32% đã đưa kinh tế tăng trưởng 6,78%/năm. Năm 2020, kế hoạch tăng lương theo lộ trình của Chính phủ không thực hiện được trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, thu nhập của người dân bị hạn chế, từ đó dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình trong giai đoạn này giảm sút đáng kể, sức mua kém cho dù Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp kích cầu.

Tính chung tiêu dùng hộ dân cư giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 5,93%/năm, trong đó năm 2020 chỉ tăng 0,58%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng của tích lũy tài sản trong GDP đạt 26,65%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với tỷ trọng 27,53% của giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn này, tỷ trọng tích lũy tài sản trong nền kinh tế có xu hướng giảm.

Một chỉ số kinh tế mà Việt Nam chỉ đứng sau Philippines, và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan... - Ảnh 2.

Năm 2016, tỷ trọng tích lũy tài sản trong GDP chiếm 26,58%; năm 2018 chiếm 26,53%; năm 2019 chiếm 26,84%; năm 2020 chiếm 26,66%; bình quân giai đoạn 2016-2020 chiếm 26,6%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với giai đoạn 2011-2015 (27,5%).

Về tốc độ tăng, năm 2016 tích lũy tài sản tăng 9,71%; năm 2017 tăng 9,8%; năm 2018 tăng 8,22%; năm 2019 tăng 7,91%. Bình quân giai đoạn 2016-2019, tích lũy tài sản tăng 8,91%/năm, trong đó tích lũy tài sản cố định tăng 9,26%/năm; thay đổi tồn kho tăng 5,32%/năm.

Một chỉ số kinh tế mà Việt Nam chỉ đứng sau Philippines, và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan... - Ảnh 3.

So với các nước trong ASEAN, tốc độ tăng tích lũy tài sản của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019 chỉ đứng sau Philippines (11,2%) và cao hơn các nước Indonesia (5,4%); Malaysia (1,2%); Singapore (3,9%); Thái Lan (4,9%).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tích lũy tài sản năm 2020 đã giảm sút để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch bệnh nên chỉ tăng 4,12%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2013, đưa tốc độ tăng bình quân tích lũy tài sản giai đoạn 2016-2020 đạt 7,93%/năm và cao hơn 3,61%/năm của giai đoạn 2011-2015.

Thực tế, tiết kiệm lớn hơn đầu tư cho thấy nguồn lực của nền kinh tế là ổn, tuy nhiên nguồn lực này ngày càng có xu hướng nhỏ đi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ngay cả khi tiết kiệm lớn hơn đầu tư, nhưng bình quân tỷ lệ nợ phải trả/trên vốn chủ sở hữu của cả nền kinh tế tăng từ 2,1 giai đoạn 2011 – 2016 lên 2,5 năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế vẫn đang vay tương đối nhiều.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên