Không chỉ giãn cách xã hội, có những yếu tố mới níu chân giải ngân vốn đầu tư công
Lý giải nguyên nhân khiến cho giải ngân vốn đầu tư công đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, ông Trần Quốc Phương cho rằng có một số yếu tố mới đã ảnh hưởng trực tiếp.
- 28-08-2021Giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, Tỉnh ủy Quảng Nam ra chỉ đạo cứng rắn
- 24-08-2021Bộ KH&ĐT nói gì về tiến độ giải ngân dự án đầu tư công chỉ đạt 36%: Covid-19, tăng giá nguyên liệu, thiếu nhân lực...?
- 23-08-2021Đầu tư công - điểm sáng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025
Như BizLIVE thông tin, Tổng cục Thống kê ( GSO ) vừa công bố báo cáo về Tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021. Trong đó, báo cáo đã cập nhật một số thông tin về tình hình vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN trong giai đoạn.
Theo đó, với việc dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh hơn, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công .
Sau 8 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, trong bối cảnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, năm 2021, đầu tư công vẫn sẽ tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra 10 nhiệm vụ trọng tâm với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công đúng kế hoạch.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có cuộc trao đổi với Cổng Thông tin Chính phủ để làm rõ hơn về những khó khăn cũng như giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.
4 YẾU TỐ CHÍNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN TIẾN ĐỘ
Lý giải nguyên nhân khiến cho giải ngân vốn đầu tư công đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, ông Trần Quốc Phương cho rằng có một số yếu tố mới đã ảnh hưởng trực tiếp.
Đầu tiên, theo ông Phương, đầu tư công là hoạt động kinh tế phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công. Do vậy, điều này bị ảnh hưởng trong bối cảnh giãn cách. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vấn đề này thể hiện rõ nhất.
Đối tượng làm việc trong các dự án đầu tư công, điển hình là các công nhân, chuyên gia, tư vấn cũng phải thực hiện chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh. Tỷ lệ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh năm nay nhiều hơn so với năm 2020, phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn.
Vì lẽ đó, việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch gặp khó khăn. Công nhân phải về nhà, một số công trình triển khai "3 tại chỗ" nhưng nguyên liệu đầu vào để thi công có nhiều vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
Tiếp đó, một yếu tố khác biệt nữa của năm nay so với năm 2020 là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công.
Ông Phương nhận định đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký. Việc tăng giá khiến nhà thầu khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án.
Thứ 3, yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian, vật chất trong công tác chỉ đạo điều hành.
Theo ông Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ với lãnh đạo các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, gần như việc ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất dành cho công tác chống dịch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.
Thứ 4 là yếu tố thời điểm cũng có sự khác biệt. Quý 3/2021 là quý bị ảnh hưởng nhất, trong khi quý 3/2020 lại là quý phục hồi sau quý 2/2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy khi so sánh, các số liệu cũng như các kết quả cũng có sự chênh lệch khá lớn về thời điểm.
TÌNH TRẠNG GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG DỒN VÀO CUỐI NĂM ĐÃ "TỒN TẠI TỪ RẤT LÂU"
Với tiến độ đầu tư công hiện tại, trước câu hỏi: "Dưới tác động của dịch bệnh, năm 2021 tình trạng giải ngân vốn đầu tư công dồn vào cuối năm có lăp lại?", Thứ trưởng Phương đã đưa ra một số nhận định và lý giải.
Đầu tiên, ông Phương khẳng định, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công dồn vào cuối năm đã tồn tại rất lâu. Qua phân tích của các chuyên gia, xu thế này gần như đã thành quy luật khó tránh khỏi.
Việc 2020 có sự khác biệt là bởi năm này có những yếu tố rất đặc thù, đặc biệt là đối với công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Đây là năm cuối cùng của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên tâm lý chung của chủ đầu tư, nhà thầu đều mong muốn kết thúc kỳ kế hoạch thành công, trước khi bước sang một chu kỳ kế hoạch mới.
"Do vậy, năm 2020 có đặc thù về mặt thời điểm, các tháng đầu năm có tỷ lệ giải ngân đạt khá cao so với các năm trước đó", ông Phương nói.
Trong khi đó, năm 2021 là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Do đó, những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Hầu hết đối với các dự án mới của giai đoạn 2021-2025, những tháng đầu năm chưa thực hiện được mà phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó có nhiều dự án dự kiến sắp tới mới khởi công, đấu thầu tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70 nghìn tỷ.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện nguồn NSNN 8 tháng 2021. Nguồn GSO
TÁCH DỰ ÁN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG RA KHỎI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG "RẤT KHÓ TRIỂN KHAI TRONG NĂM NAY"
Đề cập đến phương hướng giải quyết để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm, ông Phương nhận định: "Đây là một vấn đề hết sức thách thức và khó" trong bối cảnh thời gian quá ít, khối lượng công việc quá nhiều.
Ông Phương cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về vĩ mô. Chẳng hạn như khó khăn về giải phóng mặt bằng, Tổ nghiên cứu đã được thành lập để tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.
Tuy nhiên, ông Phương cũng thông tin việc này rất khó triển khai năm nay vì phải nghiên cứu, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp theo, để có giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Phương cho biết điều này phụ thuộc rất nhiều vào các bộ, ngành địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay.
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là rất chia sẻ, thấu hiểu với các địa phương, nhất là các địa phương bị tác động bởi dịch COVID-19 và mong các địa phương tuỳ điều kiện cụ thể của mỗi nơi để thúc đẩy ngay vấn đề giải ngân. Địa phương nào ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần cố gắng hoàn thành, không để chậm trễ.
ĐIỀU CHUYỂN VỐN TỪ NƠI TIÊU KHÔNG HẾT SANG NƠI CẦN
Ông Phương thông tin, hiện nay, các dự án lớn như Đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, các công trình hạ tầng quy mô lớn của ngành giao thông, nông nghiệp hay các lĩnh vực khác cơ bản không lo thiếu vốn mà chủ yếu là có triển khai và làm được hay không.
Qua rà soát thông tin số liệu, các bộ có dự án lớn như: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an… hay các địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn thì phần giải ngân đã được thực hiện khá tốt, đỡ cho kết quả chung của cả nước. Về cơ bản, các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia mặc dù gặp một số khó khăn nhưng vẫn đang triển khai và đạt kết quả tích cực.
Một số nơi vẫn giải ngân thấp, thậm chí có nơi chưa giải ngân, chủ yếu là ở các đơn vị có ít công trình, quy mô nhỏ. Theo ông Phương, sự quan tâm của lãnh đạo đối với công tác giải ngân vốn đầu tư là rất quan trọng, bất kể là dự án có quy mô lớn hay nhỏ.
Ngoài ra, điều khó ở đây là mức độ và chất lượng của lực lượng tham gia vào dự án đầu tư công. Nếu như một lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao mà năng lực cấp thực hiện không được tốt thì cũng gây chậm trễ cho các dự án.
Thêm vào đó là tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong công tác quản lý dự án. Hiện nay các đơn vị tiêu thụ ngân sách chủ yếu dùng bộ phận kiêm nhiệm của chính cơ quan mình để thực hiện quản lý dự án nên phần nào cũng ảnh hưởng năng lực của ban quản lý dự án. Nếu thuê lực lượng bên ngoài thì kinh phí đắt và thường được áp dụng với các dự án có quy mô lớn.
Ông Phương thông tin, ngày 30/9 tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có báo cáo tổng thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân, đồng thời thông báo với các b ộ, ngành, địa phương. Nếu bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung thêm vốn, Bộ sẽ tổng hợp trên cơ sở các đơn vị không có nhu cầu, xin hoặc bị giảm kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển vốn từ giữa các đơn vị.
Với đặc điểm năm nay, việc điều chỉnh này phải báo cáo Thường vụ Quốc hội. Do đó, ông Phương nhận định việc điều chuyển vốn đầu tư công phải được cân nhắc trong thực tiễn để có thể triển khai hài hòa, kịp thời.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ đưa ra mục tiêu: Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý 3/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Như vâỵ, với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2021 đã được Chính phủ giao là 461.300 tỷ đồng, tới hết quý 3, mục tiêu giải ngân tối thiểu tương ứng là 276,78 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, với việc giải ngân ước tính tới hết tháng 7 mới đạt gần 169,34 nghìn tỷ đồng (36,71%), tương ứng còn gần 107,5 nghìn tỷ đồng (hơn 23,2% vốn) cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của quý 3.
Chính phủ đánh giá, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Do đó,để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo, đốc thúc các bộ ngành, địa phương trong công các này.
BizLive