Không chỉ hàng không, du lịch, nhiều công ty niêm yết sẽ bị ảnh hưởng bởi cúm nCoV
Theo SSI, các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực là dệt may, bán lẻ, thuỷ sản, bia, dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, cảng biển, hàng không, dịch vụ hàng không.
- 02-02-2020Bloomberg: Tổng hợp diễn biến kinh tế trên thế giới bên lề đại dịch virus corona
- 02-02-2020Công ty Dệt kim Đông Xuân: Có thể mở rộng quy mô sản xuất khẩu trang gấp 6 lần trước nhu cầu cấp thiết của thị trường trước dịch cúm do virus Corona
- 02-02-2020GS Nguyễn Anh Trí: "Dịch Corona ngoài sức tưởng tượng của tôi, cần sàng lọc nghiêm cẩn hơn khách du lịch TQ"
10 ngành bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cúm nCoV
Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa có báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm phổi cấp do virus nCoV thuộc chủng Corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã làm 300 người chết và hơn 14.500 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Theo SSI, rất khó để so sánh tác động đối với nền kinh tế giữa các đợt dịch bệnh trước đây. Dịch SARS không tác động quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam nhưng hiện nay Việt Nam đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong ngành sản xuất. Do đó bất cứ sự gián đoạn nào trên toàn cầu từ các nhà cung cấp chính như Trung Quốc có thể là mối đe doạ lớn đối với tăng trưởng của Việt Nam. Một điểm cần theo dõi là các cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn sẽ bị đóng cửa đến ít nhất ngày 8/2, đây là cửa ngõ giao thương của Việt Nam. Việc hạn chế thị thực từ các khu vực của Trung Quốc sẽ làm xuất khẩu nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng.
SSI đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% yOy trong quý 1 là rất thách thức, và kịch bản sẽ xảy ra trong khoảng 6-6,5%. Mức tăng trưởng thấp (khoảng 5-6%) sẽ là mối lo ngại, Chúng ta có thể xem xét một tình huống là Chính phủ cần đưa ra một mức hỗ trợ lớn để phục hồi tăng trưởng trong nửa sau của năm 2020 để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% cho cả năm 2020.
SSI cũng đã đưa ra đánh giá tác động của dịch cúm nCoV đối với các ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Có 4 ngành tác động tích cực (positive) là chăm sóc sức khoẻ (healthcare), IT, điện (các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá dầu thô) và nước (là những ngành không bị tác động bởi nCoV). Tuy nhiên SSI đánh giá rằng thực tế không có thay đổi nhiều về các yếu tố cơ bản của ngành dược Việt Nam liên quan đến dịch cúm nCoV, nên SSI giữ quan điểm Trung lập cho ngành Dược (Pharmaceutical).
Các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực là dệt may, bán lẻ, thuỷ sản, bia, dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, cảng biển, hàng không, dịch vụ hàng không.
Ngành dệt may không bị tác động trực tiếp về phía cầu, vì dệt may Việt Nam không xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên GDP Trung Quốc chậm lại có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng toàn thế giới, hơn nữa nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vải từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng do các nhà máy đóng cửa trong tháng 1,2.
Ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng do người dân sẽ hạn chế đi tới nơi công cộng để tránh ảnh hưởng bởi dịch cúm và tiêu dùng sẽ hướng đến việc mua các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ hơn. Mặc dù vậy xu hướng tiêu dùng sẽ chuyển từ phương thức truyền thống (wet market) sang các hoạt động mua hàng online hoặc siêu thị.
Ngành thuỷ sản: Xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị giảm tốc do ảnh hưởng bởi cúm nCoV. Năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Việc nghỉ dài sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu quý 1/2020.
Ngành bia: Vừa bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100, ngành bia sẽ chịu tác động lớn do người dân sẽ hạn chế tụ tập nơi công cộng.
Ngành dầu khí: Giá dầu giảm 16% từ 70 USD/thùng. Giá dầu giảm do ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu từ Trung Quốc do tác động bởi lệnh hạn chế đi lại do virus Corona.
Ngành ngân hàng: Khi toàn nền kinh tế và các ngành mũi nhọn bị ảnh hưởng bởi nCoV, ngành ngân hàng cũng sẽ phần nào bị tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên SSI vẫn giữ quan điểm Tích cực đối với ngành này trong dài hạn và khuyến nghị mua các cổ phiếu như VCB, CTG, ACB, VPB.
Ngành cảng biển: Tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tiêu cực trong ngắn hạn do đó các hoạt động xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng trong quý 1/2020 và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng hàng hoá thông qua các cảng biển ở Việt Nam. Ngược lại, thương mại điện tử và nhu cầu chuyển phát nhanh dự kiến sẽ tăng mạnh khi mọi người không thể ra ngoài trong thời gian ngắn.
Ngành hàng không và dịch vụ hàng không: Khách hàng từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2019. Do đó ngành này sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Các ngành hàng như thép, bảo hiểm, sữa, xây dựng, khu công nghiệp, xi măng, phân bón, SSI giữ quan điểm trung lập.
Tình trạng tiêu cực sẽ không kéo dài
Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) vừa qua đã ra báo cáo nhanh đánh giá tác động của dịch cúm viêm phổi cấp do virus Corona (hay gọi là cúm nCoV) đối với vĩ mô và TTCK Việt Nam.
Theo BSC, du lịch và các ngành liên quan chịu tác động tiêu cực nhất. Dựa trên tính toán của ANZ, nếu lượng khách Trung Quốc giảm 75% trong quý này, xuất khẩu du lịch đối với Trung Quốc có thể giảm bằng 0,24% GDP năm 2019, trong khi nếu xuất khẩu tới Trung Quốc giảm 20% trong quý 1 thì xuất khẩu hàng hoá tới Trung Quốc có thể giảm bằng 0,59% GDP năm 2019. Tuy vậy theo đánh giá của BSC, GDP các nước bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch SARS đã hồi phục tích cực sau giai đoạn cao điểm của dịch, cho thấy tình trạng tiêu cực có thể sẽ không kéo dài.
Theo dữ liệu quá khứ, các đợt dịch bệnh gần nhất, ảnh hưởng trong thời gian cao điểm trước khi khống chế được dịch bệnh là khá lớn với TTCK các nước tâm dịch, và phục hồi sau khi dịch bệnh tạo đỉnh, và được kiểm soát. Trung bình trong khoảng thời gian dịch bắt đầu bị kiềm chế, TTCK thế giới thường tăng lại mạnh.
TTCK các nước tâm dịch giai đoạn SARS 2003
Theo đánh giá của BSC, ngoài tác động tiêu cực rõ rệt trong ngắn hạn đến các ngành như Hàng không, Cảng biển (GMD, VSC), Vận tải biển (VOS, VFR), Bán lẻ (VNM, LTG), BSC cũng lưu ý thêm về ngành Thủy sản (ANV, IDI) và Bất động sản (NVL, NDN) có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong trung hạn. Đồng thời, cổ phiếu thuộc ngành Dược phẩm (DHG, DBD) có thể hưởng lợi trong ngắn hạn.
Trong khi đó, theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Công thương (Vietinbank Securities), theo biểu đồ biến động các nhóm cổ phiếu của Hồng Kông khi đại dịch SARS xảy ra, nhóm ngành tài chính có xu hướng giảm nhẹ -2,04% trong khi dịch xảy ra và tăng tốt 39% khi thị trường hồi phục. Nhóm ngành Bất động sản chịu tác động nặng nề khi giảm -17,4% trong khi dịch xảy ra và phục hồi mạnh 61% khi dịch kết thúc. Mặc dù đà tăng/giảm có bao gồm ảnh hưởng bới các nhân tố khác, tuy nhiên đây là một số kinh nghiệm tốt có thể rút ra.
Vietinbank Securities khuyến nghị nhà đầu tư xem xét cơ cấu cổ phiếu sang nhóm ngành tài chính như CTG, MBB. Nhà đầu tư ưa thích bắt đáy có thể xem xét tham gia thị trường bắt đáy nhóm cổ phiếu có xu hướng bật mạnh trở lại khi có nước công bố khống chế dịch thành công: nhóm cổ phiếu bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không.