MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chi lãi ngoài thì Ngân hàng Đông Á sẽ sụp đổ?

28-05-2019 - 10:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á - Trần Phương Bình nói rằng nếu không chi lãi ngoài thì ngân hàng sẽ không phát triển, có thể bị sụp đổ trong giai đoạn khó khăn.

Sáng 28-5, TAND Cấp cao tại TP. HCM tiếp tục phiên xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79), Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank - DAB).

Trong phiên xử này, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM thực hành quyền công tố tại tòa và các luật sư đã chất vấn các bị cáo.

Ông Trần Phương Bình nói rằng việc chi lãi suất ngoài vượt quá quy định, nếu không chi lãi này (486 tỉ đồng) thì không giữ vững được sự ổn định thanh khoản và sự phát triển của ngân hàng dẫn đến sự tồn vong, ngân hàng có thể bị sụp đổ.

Theo ông Bình, việc chi lãi ngoài không báo cáo cho HĐQT nhưng việc này là thực tế khách quan nên bị cáo có trao đổi trong ban giám đốc và trong các cuộc họp với giám đốc chi nhánh. Ông Bình nói rằng về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm dân sự ông đã thừa nhận còn về việc vi phạm pháp luật bị cáo không có ý kiến gì thêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (Phó Tổng Giám đốc DAB) nói rằng việc bù lãi suất là việc làm công khai, chủ trương rõ ràng trong các cuộc họp. Bà Xuyến được phân công trả lời tin nhắn cho các đơn vị có mối quan hệ, hợp tác với Ngân hàng Đông Á.

Không chi lãi ngoài thì Ngân hàng Đông Á sẽ sụp đổ? - Ảnh 1.

Ông Trần Phương Bình trả lời trước bục khai báo

Bà Xuyến nói rằng không vụ lợi, không có bất kỳ sự gian dối nào trong việc chi lãi ngoài đối với các cá nhân, đơn vị. "Việc chi lãi ngoài nhằm duy trì các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nên phải làm điều này; bên cạnh đó trong bối cảnh làm ăn khó khăn thì hầu như ngân hàng nào cũng "giữ chân" khách bằng cách chi lãi ngoài", bà Xuyến khai trước HĐXX.

Ông Trần Phương Bình thừa nhận Ngân hàng Nhà nước quy định không được trả lãi ngoài nên hành vi của bị cáo là hoàn toàn sai trái. Bản án sơ thẩm quy buộc ông Trần Phương Bình thừa nhận tăng vốn điều lệ để lấy hơn 2.000 tỉ của DAB nhưng theo bị cáo, toàn bộ số tiền này nằm hết ở lượng cổ phần mà bị cáo và người thân đứng tên tại DAB.

Không chi lãi ngoài thì Ngân hàng Đông Á sẽ sụp đổ? - Ảnh 2.

Vũ "nhôm" tiếp tục kêu oan trước VKS

Về việc chia cổ tức, ông Bình nói rằng tùy vào thời điểm và tùy vào quy định của Ngân hàng Nhà nước, số tiền chia cổ tức cho cổ đông cũng thay đổi, có năm lên tới 40%, năm thấp nhất là 8%. Tiền chia cổ tức được chuyển cho cổ đông thông qua thẻ ATM, ai không nhận chuyển khoản sẽ được chi tiền mặt.

Ông Bình đã nhờ người thân mua cổ phần và khi cổ tức chuyển vào tài khoản của họ thì 1-2 ngày sau họ chuyển trả lại cho bị cáo. Các cơ quan tố tụng đã cáo buộc ông Bình xuất quỹ chi sai nguyên tắc để mua 74,2 triệu cổ phần DAB, xuất quỹ để mua 13,9 triệu USD chuyển cho Vũ "nhôm", mua cổ phần DAB và rút 358,8 tỷ đồng của DAB để sử dụng cá nhân, xuất quỹ sai nguyên tắc để chi lãi ngoài, tất toán khống, thu khống các khoản vay, xuất khẩu vàng trái phép…đã khiến DAB bị âm quỹ 25.451 tỷ đồng.

Khi thanh tra toàn diện DAB vào năm 2014, Ngân hàng Nhà nước phát hiện DAB thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng.

Đại diện VKS đặt câu hỏi: “Nếu bị cáo đưa ra các chủ trương mà không có người thực hiện thì có thể tiến hành được không?", ông Bình thừa nhận là không.

Riêng Vũ "nhôm", bị cáo này khẳng định số tiền 200 tỉ đồng bị quy buộc chiếm đoạt của DAB thì Vũ không biết tiền của ngân hàng mà chỉ biết đó là tiền của ông Bình và Vũ tiếp tục kêu oan khi trả lời đại diện VKS,

Vũ "nhôm" trình bày: “Bị cáo oan, bởi nếu bị cáo không oan thì bị cáo sẽ làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt như các bị cáo khác. Hôm qua bị cáo trình bày nhưng bị HĐXX cắt ngang, hôm nay bị cáo tha thiết, khẩn cầu xin được trình bày về vấn đề này. Việc gì xảy ra đều có lý do, bị cáo hoàn toàn không sai, việc bị cáo ký giấy khống là do bị cáo đang đi vay tiền. Bị cáo hoàn tin tưởng vào anh Bình nên bị cáo không kiểm tra vì anh Bình là giám đốc của Ngân hàng Đông Á chứ không phải là nhân viên bảo vệ, nếu là nhân viên bảo vệ thì bị cáo đã kiểm tra. Bị cáo ký khống hai tờ giấy chuyển tiền vào tài khoản của công ty chứ không phải chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo”.

Theo Phạm Dũng. Ảnh: Hoàng Triều

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên