MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ ở châu Á, các hãng hàng không truyền thống như British Airways cũng đang chịu cảnh lép vế tại Âu, Mỹ

30-03-2017 - 16:11 PM | Tài chính quốc tế

Ngay cả British Airways cũng vừa phải từ bỏ thương hiệu "sang chảnh" của mình, cắt giảm mạnh chi phí để nhằm cứu vãn thị phần trước mối "đe dọa" ngày càng tăng của các hãng hàng không chi phí thấp như EasyJet, Ryanair.

Tờ Telegraph của Anh ngày 20/3 đăng tải bài viết với tựa đề lược dịch là: British Airways “biến mình thành Ryanair (một hãng bay chi phí thấp lớn nhất châu Âu)” khi các khách hàng hạng nhất vừa bị tước đi những đặc quyền.

Bài viết kể câu chuyện British Airways bị chỉ trích nặng nề vì phá hủy thương hiệu “sang chảnh” của mình. Theo đó, nhân viên và cả khách hàng của British Airways (BA) đều không hài lòng với những gì mà lãnh đạo của hãng hàng không lớn nhất về quy mô đội tàu bay, lớn thứ nhì về lượng hành khách chuyên chở chỉ sau EasyJet tại Vương quốc Anh.

Động thái diễn ra khi BA tuyên bố loại bỏ những đặc quyền dành cho khách hàng khoang hạng nhất như miễn phí đồ ăn nhẹ kèm đồ uống, bỏ hoa tươi trong nhà vệ sinh hạng nhất hay giảm kích cỡ túi đựng đồ.

Đây không phải lần đầu tiên BA bị chỉ trích vì tình trạng dịch vụ đi xuống của mình. Telegraph thậm chí cho rằng cách BA đang làm là “chạy đua xuống đáy” khi tìm cách cắt giảm chi phí một cách “xấu xí” khiến khách hàng phàn nàn về đồ ăn, cung cách phục vụ… Tháng 2/2013, khi BA cung cấp dạng vé không kèm hành lý xách tay, phát ngôn viên của Ryanair bình luận: “Chúng tôi hoan nghênh sự chuyển biến của BA theo cách Ryanair”.

Hãng hàng không do chính phủ Anh thành lập năm 1972 có lẽ đang tìm mọi cách để cạnh tranh với các đối thủ, bất chấp việc phá đi hình ảnh của một hãng hàng không truyền thống top 10 thế giới với những dịch vụ cao cấp dành cho giới thượng lưu. Tuy nhiên, sau tất cả, BA vẫn có vẻ vẫn đang thua trong cuộc chạy đua cùng các hãng hàng không chi phí thấp như EasyJet hay Ryanair.

Cổ phiếu BA được niêm yết trên sàn chứng khoán London từ tháng 2/1987 nhưng đến tháng 1/2011 thì cái tên British Airways không còn xuất hiện trên bảng điện tử của các sàn giao dịch nữa, bởi được giao dịch với tên mới là International Airlines Group (IAG) – doanh nghiệp ra đời từ việc sáp nhập BA với hãng Iberia của Tây Ban Nha trong thương vụ trị giá 5,3 tỷ bảng Anh (6,6 tỷ USD).

Ngày 21/3/2017, cổ phiếu IAG trên sàn chứng khoán London được giao dịch ở 566 bảng/cổ phiếu, toàn bộ 2,116 tỷ cổ phiếu IAG có vốn hóa thị trường là 11,957 tỷ bảng Anh tương đương 14,88 tỷ USD.

Vậy EasyJet và Ryanair là ai mà khiến BA vất vả đến vậy? Ryanair hiện là hãng hàng không chi phí thấp có doanh thu cao nhất tại châu Âu và cũng là hãng hàng không quốc tế có lượng hành khách chuyên chở lớn nhất.

Ryanair ra đời năm 1985, có trụ sở tại Ireland. Hãng hiện có đội bay gồm 372 tàu bay với 192 điểm đến tại 34 quốc gia châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Năm 2016, doanh thu của Ryanair là 8,13 tỷ USD, lợi nhuận ròng 1,94 tỷ USD. Từ năm 2010 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của Ryanair tăng liên tục. Cổ phiếu của Ryanair niêm yết trên sàn chứng khoán London từ năm 1998, đến ngày 21/3/2017 có mức vốn hóa thị trường là 22,56 tỷ USD.

EasyJet giống như Ryanair là một hãng hàng không hoạt động theo mô hình chi phí thấp có trụ sở tại sân bay Luton London, thành lập năm 1995. EasyJet hiện bay tới hơn 30 quốc gia với hơn 820 đường bay. Năm 2016, doanh thu của Easy là 5,81 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 531,5 triệu USD.

Niêm yết trên sàn chứng khoán London từ ngày 5/11/2000, đến nay 397,208 triệu cổ phiếu EasyJet có giá trị thị trường rơi vào khoảng 5,02 tỷ USD.

Diễn biến giá cổ phiếu Ryanair (màu cam), IAG (màu xanh) và EasyJet (màu đỏ) trên sàn chứng khoán London một năm qua (Nguồn: Bloomberg)

Thực ra, cả Ryanair và EasyJet đều đã sử dụng mô hình kinh doanh đi tiên phong bởi Southwest Airlines, hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, với điểm mấu chốt trong mô hình kinh doanh là sử dụng máy bay với tần suất cao, thời gian quay vòng nhanh, tính phí bổ sung và giữ chi phí hoạt động ở mức thấp.

Ra đời năm 1967, Southwest Airlines hiện có 723 tàu bay, bay tới 101 điểm đến tại Mỹ và 8 quốc gia khác. Tính tới năm 2014, Southwest Airlines chuyên chở lượng hành khách lớn hơn bất cứ hãng hàng không Mỹ nào.

Năm 2016, doanh thu của Southwest là 20,4 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 2,2 tỷ USD. Niêm yết tại sàn chứng khoán New York, 615,255 triệu cổ phiếu Southwest Airlines hiện có mức vốn hóa thị trường là 32,885 tỷ USD (tại ngày 21/3/2017).

Southwest Airlines mới đây còn cùng với nhiều tên tuổi tập đoàn lớn tại Mỹ gây ấn tượng bởi chia sẻ khoản lợi nhuận lên tới 586 triệu USD cho 54.000 nhân viên của mình. Southwest Airlines giờ chẳng hề thua kém cho với những tên tuổi hàng không hàng đầu tại Mỹ như Delta Air Lines.

Với Delta, sự “kiêu ngạo” của một tên tuổi lớn đã khiến hãng này phải trả cái giá khá lớn. Delta là hãng hàng không lâu đời thứ sáu trên thế giới và là hãng hàng không “nhiều tuổi” nhất còn hoạt động tại Mỹ. Lịch sử của hãng hàng không ra đời năm 1924 trải qua rất nhiều các cuộc sáp nhập. Đáng chú ý là việc sáp nhập với Northwest Airlines để cho ra đời hãng hàng không lớn nhất thế giới sau khi phá sản ngày 25/4/2007.

Lý do phá sản của Delta được cho là vì hơn một thập kỷ quản lý sai lầm với những tham vọng kiêu căng của một tập đoàn khổng lồ. Máy bay lớn không phù hợp cho những chặng bay ngắn, trả những khoản tiền lương quá cao cho phi công hay cho ra đời hãng hàng không “chi phí thấp” nhưng chi phí thực lại cao là một vài sai lầm mấu chốt dẫn tới sự sụp đổ của Delta lúc bấy giờ. Chủ tịch Delta Bastian thừa nhận có những thời điểm mà Delta có thể biến mất chỉ trong 24 giờ nếu các phi công rời đi.

Đến nay, Delta có thể đã lấy lại phần nào hình ảnh của mình nhưng “bóng ma” của quá khứ có lẽ vẫn khiến nhiều người không quên. Delta Air Lines năm ngoái ghi nhận doanh thu 36,639 tỷ USD, lợi nhuận ròng 4,373 tỷ USD. Cổ phiếu Delta Air Lines tại thời điểm 21/3/2017 được giao dịch ở 46,85 USD/cổ phiếu, thấp hơn gần 7 USD so với cổ phiếu Southwest Airlines với 53,45 USD/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của 730,771 triệu cổ phiếu Delta Air Lines được ghi nhận là 34,237 tỷ USD.

Diễn biến giá cổ phiếu Southwest Airlines (màu cam) và cổ phiếu Delta Air Lines (màu xanh) tại New York trong một năm qua (Nguồn: Bloomberg)

Sự lớn mạnh và trưởng thành của các hãng hàng không chi phí thấp có thể thấy ngày càng rõ nét, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Những hãng hàng không chi phí thấp ra đời chỉ vài năm nhưng có thể nhanh chóng thành công, dẫn đầu thị trường. Câu chuyện của IndiGo tại Ấn Độ là một ví dụ.

IndiGo ra đời năm 2006, và đến tháng 1/2017 thì IndiGo đã nắm 39,8% thị phần hàng không nội địa Ấn Độ, trở thành hãng hàng không lớn nhất tại nước này và lớn thứ tám tại châu Á với hơn 41 triệu lượt khách chuyên trở năm 2016. IndiGo cũng là hãng hàng không chi phí thấp lớn thứ hai châu Á.

IndiGo đã bỏ xa Air India, hãng hàng không quốc gia Ấn Độ về lượng khách chuyên trở từ năm 2012, dù ra đời sau tới 74 năm. IndiGo được niêm yết tháng 11/2015, đến nay có mức vốn hóa thị trường là 332,967 tỷ rupee (tương đương 5,1 tỷ USD). Năm 2016, doanh thu của IndiGo là 2,5 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 300 triệu USD.

Có vẻ, các hãng hàng không chi phí thấp đang có ưu thế hơn các hãng hàng không truyền thống trong cả cuộc đua khách hàng và cả trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, các hãng hàng không hoạt động theo mô hình truyền thống, nhất là có nguồn gốc là hàng không quốc gia, vốn nhà nước thì đa phần gặp khó khăn trong phát triển thị trường. Từ đó có thể thấy, việc Vietnam Airlines hoạt động kém hiệu quả, vay nợ lớn, lợi nhuận thấp cũng là xu thế chung trên thế giới và trong khu vực, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Theo Lan Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên