Không chỉ “tự hào” đứng đầu về cho vay mua nhà để ở, Techcombank còn giành tỷ trọng lớn nguồn vốn để cho vay kinh doanh bất động sản
Cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank đang dẫn dẫn đầu các nhóm ngành...
- 25-05-2018Định giá cổ phiếu Techcombank ở mức 128.000 đồng là quá đắt?
- 24-05-2018"Soi" cơ cấu cổ đông Techcombank trước ngày lên sàn
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcomcombank – TCB) vừa công bố bản cáo bạch chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ đưa hơn 1,16 tỷ cổ phiếu TCB lên niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) vào ngày 4/6 với giá 128.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hóa của Techcombank vào khoảng 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD, nằm trong nhóm các doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất thị trường. Riêng lĩnh vực ngân hàng, Techcombank sẽ ghi nhận kỷ lục về giá khi cao gấp hơn hai lần thị giá Vietcombank hiện tại.
Tại buổi công bố kế hoạch niêm yết mới đây, lãnh đạo Techcombank cho biết hoạt động của ngân hàng đang ở mức tốt nhất trong nhóm ngân hàng với khả năng sinh lời trên vốn bình quân (ROE) đạt hơn 27%, cao hơn cả VPBank là ngân hàng có công ty tài chính với đặc thù là lãi suất cao và NIM gấp nhiều lần so với hoạt động ngân hàng truyền thống.
Trong cơ cấu hoạt động, doanh thu từ tín dụng vẫn chiếm đại đa số tỷ trọng thu nhập của Techcombank các năm vừa qua. Riêng năm 2017, tỷ trọng này giảm sút về khoảng 60% (hơn 8.800 tỷ trong tổng thu nhập thuần hơn 15.200 tỷ của ngân hàng riêng lẻ) do ngân hàng có khoản thu đột biến từ liên kết bảo hiểm với Manulife gần 1.500 tỷ - khoản thu một lần. Và nhiều người chắc hẳn băn khoăn về hoạt động tín dụng của nhà băng này hiện nay ra sao, cho vay vào đâu nhiều nhất mà lại hiệu quả cao đến vậy.
Chiếm 31% thị phần cho vay mua nhà để ở
Theo lãnh đạo Techcombank, hiện ngân hàng này đang đứng đầu thị trường về mảng khách hàng cao cấp. Đây là nhóm khách hàng sử dụng nhiều sản phẩm và dịch vụ và luôn được ngân hàng chú trọng phát triển.
Riêng về tín dụng, cho vay mua nhà để ở là mảng đang làm ăn tốt ở ngân hàng này với thị phần chiếm tới 31%. Thông tin mà chúng tôi có được thì con số này đã tăng rất mạnh so với mức thị phần khoảng 20% hồi cuối năm 2017.
Trong bản cáo bạch, Techcombank cho biết "sản phẩm cho vay thế chấp mua nhà để ở của ngân hàng tăng trưởng mạnh nhờ sự tăng trưởng chung của toàn ngành. Bên cạnh đó, mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi bền chặt giữa Techcombank với các nhà phát triển bất động sản cũng hỗ trợ rất nhiều vào tăng trưởng dư nợ cho vay mua thế chấp nhà của ngân hàng".
Còn nhớ hồi cuối tháng 1/2018, trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, dư nợ cho vay mua nhà để ở khi ấy vào khoảng 25.000 tỷ đồng. Trước băn khoăn của phóng viên rằng cho vay với bất động sản nhiều như vậy thì có lo ngại rủi ro không, đặc biệt là có bị ảnh hưởng không khi mà Chính phủ đang siết chặt cho vay bất động sản, CEO của ngân hàng này nói rằng đó không phải điều đáng lo vì Chính phủ chỉ siết cho vay kinh doanh bất động sản chứ không phải nhắm tới đối tượng vay mua nhà để ở.
"Thông tư mới quy định các khoản vay mua nhà để ở mức độ rủi ro chỉ 50% trong khi cho vay mua nhà để cho thuê/bán lại mức độ rủi ro là 200%" – ông Quốc Anh nói và thể hiện sự tự hào của Techcombank ở phân khúc này.
Tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản cũng không nhỏ
Dẫu vậy, đối chiếu với báo cáo tài chính của ngân hàng năm 2017 và quý 1/2018 cho thấy tín dụng kinh doanh bất động sản ở Techcombank cũng tương đối lớn.
Cụ thể, theo báo cáo năm 2017 và quý 1/2018 thì cho vay các tổ chức kinh tế ở Techcombank chiếm khoảng 60% và 40% còn lại là cho vay cá nhân. Trong số đó, cho vay kinh doanh bất động sản là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất với dư nợ 20.326 tỷ đồng vào cuối năm 2017, chiếm 12,5% trong tổng tín dụng. Kết thúc quý 1 năm nay, tỷ trọng này tăng lên 13,7% với dư nợ 22.406 tỷ đồng. Trước đó vào cuối năm 2016, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tới 17% trong tổng dư nợ của ngân hàng.
Công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực lớn thứ hai được Techcombank tập trung cho vay khi cuối năm trước chiếm 12,4% tỷ trọng và dư nợ 20.070 tỷ đồng, nhưng cuối quý 1 năm nay giảm về tỷ trọng 10,9% và 17.845 tỷ đồng.
Lĩnh vực thứ ba mà Techcombank cho vay nhiều nhất đó là cho vay ô tô (bán buôn và bán lẻ, sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác) với tỷ trọng 9,2% vào cuối năm ngoái và 8,3% tại thời điểm cuối quý 1 năm nay.
Cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản – vốn là một trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong khi đó chỉ chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ với chỉ 0,2% cả ở thời điểm cuối năm ngoái lẫn đầu năm nay. Cho vay các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, nghệ thuật, thông tin truyền thông, các hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, vay tiêu dùng…hầu như không đáng kể khi chỉ từ 0,0 – 0,1% tỷ trọng.
Kết thúc năm 2017, với dư nợ cho vay gần 161 nghìn tỷ đồng, Techcombank hợp nhất ghi nhận thu nhập lãi thuần 8.930 tỷ đồng, NIM ở mức 3,9%.
Trí Thức Trẻ