MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chịu 'ngồi yên', Nga cũng áp lệnh trừng phạt với phương Tây: Doanh nghiệp nước ngoài phải chịu mức chiết khấu 60% khi thanh lý tài sản, lỗ hàng trăm tỷ USD cũng bất lực

15-10-2024 - 13:56 PM | Tài chính quốc tế

Nga dự kiến sẽ áp thuế nặng đối với các công ty nước ngoài có ý định rời khỏi thị trường nước này, khiến giá trị tài sản của họ sụt giảm mạnh.

Không chịu 'ngồi yên', Nga cũng áp lệnh trừng phạt với phương Tây: Doanh nghiệp nước ngoài phải chịu mức chiết khấu 60% khi thanh lý tài sản, lỗ hàng trăm tỷ USD cũng bất lực- Ảnh 1.

Nguồn tin thân cận cho biết, các doanh nghiệp muốn rời khỏi Nga hiện sẽ phải chấp nhận mức chiết khấu 60% với giá trị bán ra, trước đó là 50%. “Thuế rời đi” (exit tax) đối với các thương vụ giao dịch cũng sẽ tăng gấp đôi từ 15% lên 35%.

Động thái này của Điện Kremlin sẽ khiến các doanh nghiệp nhận về mức doanh thu rất thấp đối với toàn bộ các giao dịch bán lại hoạt động kinh doanh. Các công ty như Raiffeisen Bank International AG của Áo sẽ gặp khó khăn trong quá trình rời khỏi Nga. Ngoài ra, các giao dịch có trị giá hơn 50 tỷ rúp (514 triệu USD) cũng sẽ cần sự chấp thuận từ Tổng thống Vladimir Putin.

Nguồn tin tiết lộ, các điều khoản đã được thay đổi nhằm khuyến khích nhiều doanh nghiệp hơn ở lại Nga, trong khi ngân sách nhà nước sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu có doanh nghiệp nào rời nước này.

Đối với các ngân hàng của châu Âu, ECB đã gây sức ép để các nhà băng đẩy nhanh quá trình rút khỏi Nga. Song, tổng số nhân sự của 5 ngân hàng EU có hoạt động nhiều nhất tại Nga chỉ giảm 3% kể từ khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra. Lợi nhuận của họ thậm chí còn tăng gấp 3 lần nhờ lãi suất ở Nga ở mức rất cao.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến phạm vi kinh doanh của các công ty tại Nga bị hạn chế rất nhiều, cùng với đó là quy định tại địa phương và thuế trừng phạt đối với doanh số bán hàng. Do đó, các ngân hàng khó có thể rút tiền ra khỏi quốc gia này.

Theo một phân tích của Reuters được công bố vào tháng 3, các công ty nước ngoài rời khỏi Nga kể từ khi mâu thuẫn với Ukraine nổ ra đã phải chịu khoản lỗ hơn 100 tỷ USD. Phân tích cho biết, tài sản của một số công ty hàng đầu, như Shell và HSBC, đã được bán với mức chiết khấu lên tới 90%.

Theo danh sách do Trường Quản lý Yale theo dõi, hơn 1.000 công ty quốc tế cho biết họ đang rút khỏi Nga theo từng mốc quy mô. Tuy nhiên, hơn 1.700 công ty nước ngoài vẫn tiếp tục hoạt động tại quốc gia này, theo dữ liệu do dự án Leave Russia tổng hợp.

Nga đã tạo áp lực cho các công ty quốc tế trong việc rời khỏi nước này và ngân sách thu về khá nhiều từ việc các doanh nghiệp bán tài sản. Điện Kremlin đã thành lập một uỷ ban chính phủ đặc biệt để phê duyệt các giao dịch như vậy và yêu cầu các doanh nghiệp thanh lý tài sản với giá chiết khấu, cùng “thuế rời đi”.

Chính phủ Nga cũng nắm quyền kiểm soát một số tài sản của phương Tây khi các doanh nghiệp đóng cửa tại đây, bao gồm các tài sản của nhà sản xuất sữa chua Danone SA, công ty cuối cùng đã đàm phán thành công việc rời khỏi Nga, và hãng sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg.

Tuy nhiên, nhiều công ty quốc tế từ Volkswagen đến Unilever vẫn đang nỗ lực để rút bớt tài sản dù đối diện với các điều khoản bất lợi cho họ. Các doanh nghiệp lớn khác vẫn đang ở lại Nga bao gồm UniCredit SpA của Ý và PepsiCo Inc. của Mỹ.

Tổng hợp

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên