MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có bằng đại học, nhiều doanh nhân Việt vẫn làm nên sự nghiệp lớn

21-07-2018 - 06:46 AM | Sống

Tấm bằng đại học không phải là "vé vào" đảm bảo nhất cho thành công. Rất nhiều doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam đã làm nên sự nghiệp bằng trí tuệ, sự nỗ lực của họ thay vì những bài học trên giảng đường.

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang trong những ngày qua đang khiến dư luận xôn xao. Vì đâu mà ông Vũ Trọng Lương bất chấp quy chế thi, pháp luật để sửa bài thi cho 114 thí sinh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia? Gian lận trong thi cử là vấn đề nhức nhối trong nền giáo dục. Tất cả bắt nguồn từ mong muốn có thành tích cao nhưng bản thân lại chẳng có thực lực.

Khi phát hiện hơn 330 bài thi được chỉnh sửa để gian lận điểm, người ta chỉ trích nhiều về căn bệnh thành tích của ngành giáo dục nhưng ít ai tự soi xét bản thân. Thời đi học bạn có từng quay cóp, nhìn trộm bài bạn để có điểm cao hơn dù chẳng học bài. Vì sao điểm số, bằng cấp lại quan trọng đến vậy? Xét cho cùng, các em học sinh chính là nạn nhân của căn bệnh thành tích, các em trở thành công cụ để thỏa mãn nỗi khao khát của cha mẹ về sản phẩm của họ: Những siêu nhân tài giỏi.

Thực tế đã chứng minh, điểm số, bằng cấp không phải điều kiện nhất định phải có của thành công. Rất nhiều tỷ phú, doanh nhân thế giới chưa có bằng đại học như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay những doanh nhân Việt Nam nổi tiếng dưới đây:

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai

Dù không có bằng đại học nhiều doanh nhân Việt vẫn làm nên sự nghiệp lớn, đừng dùng lý do vì tương lai tốt hơn để ngụy biện cho sự khát danh, thèm thành tích  - Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh - Gia Lai, được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á năm 2011. Nhiều người ngưỡng mộ ý chí hơn người và ý tưởng kinh doanh độc đáo, táo bạo của ông. Mặc dù chỉ tốt nghiệp phổ thông và không học đại học, nhưng ông Đức nổi tiếng là một đại gia, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008.

Ông Đoàn Nguyên Đức cũng nổi tiếng với phát biểu: "Tôi không có bằng Đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc…".

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Dù không có bằng đại học nhiều doanh nhân Việt vẫn làm nên sự nghiệp lớn, đừng dùng lý do vì tương lai tốt hơn để ngụy biện cho sự khát danh, thèm thành tích  - Ảnh 2.

Khởi nghiệp từ năm 1994 với một cơ sở bán lẻ tôn, sau 7 năm làm ăn ông Lê Phước Vũ tích lũy vốn và thành lập công ty cổ phần Hoa Sen, tạo dựng thương hiệu Tôn Hoa Sen bền vững cho tới hiện nay.

Mặc dù chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng thành công mà ông đạt được khiến nhiều người phải nể phục và ngưỡng mộ. Chủ tịch Lê Phước Vũ là người giàu thứ 11 trên sàn chứng khoán Việt năm 2015 với tổng tài sản 1.383 tỷ đồng.

Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương

Dù không có bằng đại học nhiều doanh nhân Việt vẫn làm nên sự nghiệp lớn, đừng dùng lý do vì tương lai tốt hơn để ngụy biện cho sự khát danh, thèm thành tích  - Ảnh 3.

Được dân trong nghề gọi với cái tên trìu mến "vua xuất khẩu cá tra", ông Dương Ngọc Minh từng có tên trong danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và là Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu nhiều năm. Trong bao cáo gửi lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Minh chỉ ghi trình độ học vấn là tốt nghiệp trung học phổ thông (12/12) và trình độ chuyên môn là nuôi trồng thủy sản.

"Sự thành công của Hùng Vương đến hôm nay là nhờ đã chọn đúng điểm rơi và thái độ quyết đoán, dám thay đổi", ông Dương Ngọc Minh chia sẻ.

Trong cuộc sống ngày nay, một tấm bằng đại học không đảm bảo chắc chắn bạn sẽ có công việc như ý muốn. Khi còn ở bậc học phổ thông, mục tiêu của mọi phụ huynh và học sinh là có thể thi đỗ tốt nghiệp và đậu vào một trường đại học. Bởi họ tin rằng, tấm bằng đại học là chìa khóa để đường tương lai rộng mở hơn. Nhưng thực tế, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Việc đào tạo ồ ạt dẫn đến nghịch lý là số lượng sinh viên quá đông những chất lượng thì không tương xứng. Điều đó dẫn đến các cả nhân ra trường những vẫn không thể tìm được công việc thích hợp, những kiến thức họ được đào tạo tại trường đại học hầu như không có ích trong công việc thường ngày. Nhiều cử nhân khi làm việc tại các doanh nghiệp vẫn cần được đào tạo từ đầu.

Vậy thì tại sao phải bất chấp mọi thứ để có những tấm bằng?

Hà Lê

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên