MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có lợi ích nhóm trong các dự án thép!

Ưu đãi cho dự án thép ở Cà Ná cũng không có gì đặc biệt hơn bất cứ dự án nào khác, không hề vượt khung và được làm theo quy định hiện hành bởi Chính phủ không thể vượt quyền Quốc hội.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương , ông Trương Thanh Hoài, trong buổi trao đổi với báo chí về các nội dung trong quy hoạch ngành thép vào chiều 12-12 khẳng định không có lợi ích nhóm trong các dự án thép .


Khu vực dự kiến quy hoạch xây dựng Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận. Ảnh: NINH THUẬN

Khu vực dự kiến quy hoạch xây dựng Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận. Ảnh: NINH THUẬN

“Bẻ cây nhỏ” để cây lớn phát triển

Ông Trương Thanh Hoài cho rằng phát triển công nghiệp cần phải chọn được ngành phù hợp. Theo đó, chúng ta dứt khoát phải làm thép, hiện nay Việt Nam không có thép để phục vụ cho ngành ô tô, đóng tàu.

“Chúng ta thường kêu tỉ lệ nội địa hóa thấp bởi chúng ta nhập hết thép về sản xuất, chỉ có cắt tấm là làm ở trong nước mà thôi. Hiện nay, thép của thế giới đúng là thừa nhưng đã hội nhập không thể nói thừa hay thiếu. Thép Trung Quốc đúng là “giết” được thép Anh, Mỹ vì giá nhân công của Trung Quốc thấp hơn Anh, Mỹ. Nhưng phải thấy rằng Việt Nam lại có lợi thế giá nhân công rẻ hơn cả Trung Quốc” - ông Hoài phân tích nguyên nhân xây dựng ngành thép của Việt Nam.

Ông Hoài cũng chia sẻ thêm rằng phát triển công nghiệp cần chấp nhận “bẻ cây nhỏ” để cây lớn phát triển. Đó là lý do trong quy hoạch ngành thép gần như đã cắt hết các dự án nhỏ, công suất dưới 500.000 tấn. “Chúng tôi muốn ở Việt Nam chỉ có 3-4 doanh nghiệp thép thôi, không thể trăm hoa đua nở như trước đây bởi doanh nghiệp nhỏ không có hệ thống bán hàng, không chịu được chi phí quảng cáo…” - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng nói.

Ông Hoài nhấn mạnh quan điểm “thép là bánh mì của công nghiệp”. Nếu chú trọng vào xuất khẩu gạo hay các loại hàng hóa khác thì bài toán nhập siêu không thể giải quyết được. Trong khi đó, tiềm năng quặng sắt của Việt Nam còn khá lớn và theo tính toán, nếu khai thác được tài nguyên khoáng sản khoảng 1 tỉ USD thì sẽ góp phần vào GDP 0,4 điểm %. “Tôi bảo đảm không có lợi ích nhóm gì ở đây. Giai đoạn này các doanh nghiệp của chúng ta đủ lớn để làm. Cần có những doanh nghiệp đầu đàn, sau đó lan tỏa, lôi kéo doanh nghiệp khác, đưa các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội vào chuỗi” - đại diện Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Không có ưu đãi vượt khung cho thép Cà Ná

Báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận, Bộ Công Thương cho hay bộ này đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra hiện trường và khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp , trong đó có cân đối cung cầu điện và nước. Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, căn cứ Quy hoạch và tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, có xét đến năm 2025, nguồn nước tại đây có thể bảo đảm phục vụ dự án theo nhu cầu tối đa là 30 triệu m3/năm cho công suất dự kiến đến năm 2020 là 4,5 triệu tấn thép/năm.

Vụ trưởng Trương Thanh Hoài cũng thừa nhận câu chuyện đau đầu nhất trong dự án thép ở Cà Ná chính là vấn đề nước. “Theo quy hoạch tại Cà Ná có khu công nghiệp cao nhưng bao nhiêu năm qua tỉnh Ninh Thuận không thu hút được dự án nào cả. Với bài toán lớn nhất là nguồn nước thì cần Chính phủ hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu giai đoạn 1 là 30 triệu m3 và đến năm 2020 là khoảng 200 triệu m3. Nếu Ninh Thuận không cung cấp được nước thì nhà đầu tư phải từ bỏ dự án. Muốn nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài thì rõ ràng trung ương cần đầu tư và sau một số năm sẽ hoàn trả” - ông Hoài phân tích.

Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định thực chất quan điểm cho rằng ngành thép sống được bằng điện giá rẻ là không đúng. Bởi trong giá thành thép hiện nay, theo tính toán chỉ có 5% là giá điện. Ngoài ra, ưu đãi cho dự án thép ở Cà Ná cũng không có gì đặc biệt hơn bất cứ dự án nào khác, không hề vượt khung và được làm theo quy định hiện hành bởi Chính phủ không thể vượt quyền Quốc hội. “Bộ sẽ thẩm định thiết kế cơ sở và nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì không được phép xây dựng. Khác với trước đây là bộ chỉ góp ý còn nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm” - đại diện Bộ Công Thương nói.

Rút tên Hoa Sen ra khỏi dự án thép Cà Ná

Theo Bộ Công Thương, cho đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư khu liên hợp sản xuất các loại thép cán nóng bởi việc đầu tư đòi hỏi vốn, kinh nghiệm và nguồn nhân lực chất lượng cao. Với Hoa Sen, đến năm 2015, doanh nghiệp này có 4.000 tỉ đồng lãi chưa chia và năm nay dự kiến lãi 1.700 tỉ đồng. Vốn tối thiểu 15% và hiện nay một số doanh nghiệp xếp hạng tín dụng cao được vay vốn rất rẻ.

Lý giải về việc bỏ tên chủ đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen ra khỏi dự án thép tại Cà Ná, đại diện Bộ Công Thương cho biết việc này nhằm bảo đảm nếu chủ đầu tư thực hiện dự án một thời gian mà không đủ năng lực thì sẽ rút và doanh nghiệp khác vào thay thế sẽ thuận lợi hơn.

Theo Thùy Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên