MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản”

13-11-2023 - 16:03 PM | Bất động sản

“Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản”

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tổ chức sáng 13/11 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức.

Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ liên tục có những động thái mạnh mẽ nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu khó.

Cụ thể, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) cho biết, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo kịp thời nhằm hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Tuy nhiên, đối với Novaland pháp lý là yếu tố then chốt. Bởi Công ty còn các khoản phải thu từ các sản phẩm đã bán rất lớn, nhưng không xử lý được pháp lý nên ngân hàng không giải tỏa tiền tạm khóa đồng thời cũng là rào cản để các ngân hàng giải ngân vốn mới cũng như tiếp tục tài trợ cho người mua nhà.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) cho biết, trong thời gian qua, việc hạn chế room tín dụng khiến ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay. Các ngân hàng ưu tiên cho vay khách hàng chấp nhận lãi suất cao. Điều này khiến mặt bằng chung lãi suất thực tế chưa như kỳ vọng.

Đồng thời, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho khách hàng vay có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Còn các tài sản khác như máy móc thiết bị, cổ phiếu niêm yết,...không được gọi là tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho biết, doanh nghiệp ông vay một ngân hàng trong nhóm Big 4 và lãi suất cho vay vẫn còn cao. Ngoài ra, vị này nói đến việc quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng rất lâu, từ 2-3 tháng.

“Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản” - Ảnh 1.

Tại hội nghị, ông Lâm Hoàng Đăng, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) cho biết, quy định của NHNN liên quan đến việc vay vốn phát triển dự án phải có vốn tự có là 30% đang làm khó các chủ đầu tư. Bởi khi thị trường địa ốc khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi, trả gốc vay và các chi phí khác thì bản thân doanh nghiệp phải ứng vốn tự có của mình ra. Vì vậy, số vốn tự có này dần dần sẽ bị giảm đi, gâp áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp. Do đó, vị này kiến nghị NHNN xem xét giảm tỷ lệ này xuống còn 10 – 15% để giúp doanh nghiệp vượt qua trong giai đoạn khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank nhấn mạnh: "Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản. 70-80% khó khăn của thị trường này không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước là pháp lý, quá trình thực thi. Giải quyết vấn đề bất động sản chủ yếu phải ở cơ quan Nhà nước".

Ông Vinh cho rằng doanh nghiệp bất động sản "phải thay đổi, xem lại mình", đặc biệt ở việc minh bạch trong sử dụng vốn, không thể "ôm" tất cả dự án.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, với pháp lý dự án sẽ rà soát lại các vấn đề và đẩy mạnh phân cấp về địa phương. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, tổ công tác của Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì khi làm việc với địa phương thấy rằng, địa phương nào quyết tâm vào cuộc cùng gỡ khó sẽ giúp được doanh nghiệp giải quyết vướng mắc nhanh chóng.

Ngoài ra, Bộ trưởng mong mong Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại xem xét liên quan đến điều kiện vay, thủ tục, lãi suất như doanh nghiệp đề xuất.

Minh Tâm

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên