MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có phép màu nào xảy ra: Evergrande sắp bị thanh lý toàn bộ tài sản, giải thể công ty?

02-12-2023 - 15:15 PM | Tài chính quốc tế

Evergrande đã và đang tiếp tục gây ra cuộc khủng hoảng rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vào tháng 4, một nhóm nhà đầu tư quốc tế nắm giữ hàng tỷ USD trái phiếu Evergrande đã ủng hộ việc tái cơ cấu tập đoàn. Hiện tại, họ lại đang chuẩn bị cho một phiên tòa có thể dẫn đến phán quyết thanh lý toàn bộ tài sản của ‘bom nợ’.

Đó là một vòng luẩn quẩn của các chủ nợ nước ngoài - nạn nhân của Evergrande, nhà phát triển BĐS đã và đang tiếp tục gây ra cuộc khủng hoảng rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo FT, phiên điều trần tại Tòa án Hồng Kông (Trung Quốc) chính là một phép thử quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế - rằng họ sẽ làm gì nếu một công ty Trung Quốc phá sản. Tại phiên điều trần trước đó vào tháng 10 năm ngoái, Thẩm phán Linda Chan đã cho Evergrande “cơ hội cuối cùng” để đưa ra đề xuất tái cơ cấu mới, đồng thời cảnh báo trong trường hợp nan giải nhất, “rất có khả năng” tập đoàn này sẽ phải tuân theo lệnh giải thể.

Điều này được cho là sẽ dẫn đến “sự sụp đổ không kiểm soát” của tập đoàn với một “tác động thảm khốc”. Khả năng huy động tiền trên thị trường vốn quốc tế của các công ty Trung Quốc nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Nếu điều này dẫn đến kết cục thanh lý, các sự lựa chọn còn lại có thể sẽ kém hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, Brock Silvers, giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital ở Hồng Kông, cho biết.

Các chủ nợ quốc tế đã kỳ vọng vào một kết cục tốt đẹp hơn trong tháng 4 khi lên tiếng ủng hộ kế hoạch tái cơ cấu của Evergrande. Thỏa thuận đổi lấy nhiều cơ hội, bao gồm các lô trái phiếu mới có kỳ hạn 10 đến 12 năm do công ty phát hành.

Tuy nhiên vào tháng 9, Evergrande tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch này. Công ty sợ sẽ không thể phát hành trái phiếu mới vì tai tiếng của hoạt động kinh doanh tại đại lục. Vài ngày sau, nhóm này cũng cho biết chủ tịch của mình là Hứa Gia Ấn bị nghi ngờ liên quan đến những “tội danh” không xác định.

Theo công ty nghiên cứu Hurun Report vào tháng 10, từng được định giá 43,8 tỷ USD, tài sản ước tính của ông Hui có thể chỉ còn 3 tỷ USD trong năm 2023. Phía quan chức Trung Quốc và cả Evergrande hiện chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về cuộc điều tra với vị chủ tịch này.

“Các chủ nợ đã rất thất vọng khi ông Hui không dùng tiền của mình để trả nợ. Số tiền ông nhận về từ cổ tức trong những năm qua là rất lớn”, Leonard Law, nhà phân tích tín dụng cao cấp tại Lucror Analytics, nhận định.

Tại phiên tòa vào tháng 10, luật sư Evergrande cho biết sẽ xem xét việc “kiếm tiền” từ cổ phiếu của 2 công ty con niêm yết tại Hồng Kông là công ty xe điện Evergrande New Energy Vehicle Group và Evergrande Property Services Group. Họ đề nghị cho các chủ nợ 30% cổ phần mỗi đơn vị và gần 18% cổ phần của chính Evergrande, theo FT. Không rõ liệu các chủ nợ có chấp nhận thỏa thuận như vậy hay không.

Ngoài ra, như một đòn giáng mạnh vào các chủ nợ trước phiên điều trần vào tháng 10, công ty công nghệ NWTN có trụ sở tại Dubai cho biết sẽ đình chỉ thỏa thuận đầu tư 500 triệu USD vào mảng xe điện - lĩnh vực vốn nằm trong kế hoạch mở rộng ra ngoài bất động sản của Evergrande. Trước đó, vào tháng 4 năm 2021, giá trị thị trường của công ty xe điện này đạt những gần 87 tỷ USD dù chưa sản xuất được bất kỳ chiếc xe nào.

Evergrande Property Services Group cho biết trong tuần này, họ đang kiện công ty mẹ để thu hồi các khoản bảo lãnh cầm cố. Đây là dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo đang cố gắng bảo vệ lợi ích và mong công ty mẹ bị giải thể.

“Evergrande gặp rắc rối chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nói chung”, giáo sư Lan Deng thuộc Đại học Michigan, một người nghiên cứu về ngành địa ốc Trung Quốc, nhận định. “Không chỉ các ngân hàng, nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nếu xét tới việc nền kinh tế nước này có mối ràng buộc sâu sắc như thế nào với ngành bất động sản”.

Được biết trước đó, các kết quả kinh doanh bị trì hoãn từ lâu cuối cùng cũng được tiết lộ vào tháng 7/2023. Evergrande công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022. Doanh thu của tập đoàn giảm một nửa vào năm 2021 xuống còn khoảng 250 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD) và tiếp tục giảm một lần nữa vào năm 2022 xuống còn 230 tỷ nhân dân tệ.

Bất động sản hiện là mối bận tâm lớn nhất của Trung Quốc do có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế và ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ các nhà sản xuất thép, nhà sản xuất thiết bị gia dụng cho đến hàng triệu người dân mua nhà. “Tốc độ tăng trưởng cao có thể che giấu nhiều vấn đề, song khi tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ khi nước hồ rút xuống, chúng ta mới có thể nhìn thấy những thứ chưa từng thấy”, ông Jon Danielsson, Giám đốc trung tâm rủi ro hệ thống tại Trường Kinh tế London, nói.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Wind, tổng doanh thu 132 nhà phát triển bất động sản niêm yết tại Trung Quốc đã giảm 8,3% trong năm 2022. Trung Quốc chưa cập nhật dữ liệu tỷ lệ nợ xấu trong ngành bất động sản kể từ năm 2020, song các chuyên gia kỳ vọng chúng không quá tiêu cực.

“Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ chứng kiến một Lehman thứ hai. Nước này sẽ cố gắng đảm bảo các ngân hàng lớn không phá sản, trong khi các ngân hàng nhỏ có thể sáp nhập khi cần”, George Magnus, cộng tác viên nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho biết.

Theo: FT, SCMP

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên