Hậu vận buồn của chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn: U70 sống trong ác mộng nợ nần, tương lai đế chế bất động sản khổng lồ bất định
Từng là ông trùm bất động sản máu mặt ở Trung Quốc, ông Hứa Gia Ấn hiện đang vướng vòng lao lý.
- 03-10-2023Được giao dịch trở lại, cổ phiếu Evergrande bất ngờ tăng hơn 40% ngay đầu phiên bất chấp sóng gió bủa vây "quả bom nợ"
- 30-09-2023Vì sao chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan bị giám sát?
- 29-09-2023Tương lai ảm đạm của Evergrande
Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) là Chủ tịch kiêm founder gã khổng lồ bất động sản China Evergrande. Lời hứa biến những ngôi làng nông thôn thành đô thị tiện nghi phục vụ tầng lớp trung lưu đã giúp người đàn ông này trở thành một trong những tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai ngờ được rằng ông Hứa giờ đây lại bất ngờ bị điều tra do nghi ngờ có hành vi phạm pháp.
Câu chuyện cuộc đời của ông Hui, từ một cậu bé nghèo khó trở thành ông trùm bất động sản, từng được coi là biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Người dân đổ xô đi mua các căn hộ của Evergrande, thậm chí nhiều năm trước khi chúng hoàn thiện. Thời kỳ đỉnh cao nhất, tập đoàn này bội thu nhờ giá nhà tăng vọt.
Rắc rối chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 2020 - thời điểm thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt sau chiến dịch giảm tốc tăng trưởng. Các biện pháp hạn chế do COVID-19 cũng khiến những người có ý định mua nhà trở nên lo sợ.
Năm 2021, Evergrande không thể thanh toán các khoản nợ chồng chất hơn 300 tỷ USD nên quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại New York vào tháng 8. Trong hồ sơ gửi Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông mới đây, đại diện Evergrande thông báo ông Hui, 64 tuổi, bị nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật và hiện đang trong diện bị giám sát.
Sinh ra ở tỉnh Hà Nam, ông Hui từ nhỏ đã sống cùng bà ngoại. Hồi tưởng ấu thơ, ông cho biết quãng thời gian đó thực sự khó khăn bởi mẹ mất sớm; bữa sáng hàng ngày đến trường chỉ có vỏn vẹn chiếc bánh ngô hấp nhỏ.
“Hồi đó, tôi khao khát được người khác giúp đỡ. Tôi cố gắng tìm việc làm, rời quê hương và có ngày chỉ ăn bột mì”, ông Hui nói trong một bài phát biểu năm 2018 đồng thời cho biết mình đã đăng ký vào Đại học Khoa học & Công nghệ Vũ Hán và làm việc suốt một thập kỷ tại 1 nhà máy thép.
Năm 1996, Hui Ka Yan thành lập Evergrande ở thành phố Quảng Châu trong bối cảnh chính phủ tìm cách di dời hàng trăm triệu người từ nông thôn lên thành phố. Ông mua hàng trăm lô đất, hứa hẹn sẽ biến chúng thành những tòa tháp chung cư đô thị sầm uất và may mắn thay, dự án của ông hút được một lượng lớn dòng tiền.
Sau khi niêm yết cổ phiếu Evergrande vào năm 2009, ông Hui rót lợi nhuận từ mảng bất động sản vào các dự án kinh doanh, chẳng hạn như thâu tóm câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu và chi hàng tỷ USD cho các cầu thủ nước ngoài. Một số khoản đầu tư khác có thể kể đến như phát triển xe điện, y học…
Để thúc đẩy sự phát triển của Evergrande, tập đoàn này đã vay mượn rất nhiều, từ ngân hàng và thậm chí cả chính nhân viên. Đến năm 2021, Evergrande chính thức vỡ nợ.
“Evergrande gặp rắc rối chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nói chung”, giáo sư Lan Deng thuộc Đại học Michigan, một người nghiên cứu về ngành địa ốc Trung Quốc, nhận định. “Không chỉ các ngân hàng, nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nếu xét tới việc nền kinh tế nước này có mối ràng buộc sâu sắc như thế nào với ngành bất động sản”.
Các kết quả kinh doanh bị trì hoãn từ lâu cuối cùng cũng được tiết lộ vào tháng 7/2023. Evergrande công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022. Doanh thu của tập đoàn giảm một nửa vào năm 2021 xuống còn khoảng 250 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD) và tiếp tục giảm một lần nữa vào năm 2022 xuống còn 230 tỷ nhân dân tệ.
“Các nhà phát triển như Evergrande đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ kế hoạch bán nhà trước khi hoàn thiện. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Điều chính phủ cần làm không phải giúp các công ty hay tỷ phú có đòn bẩy tài chính cao, mà là hướng lĩnh vực này đi theo một con đường tăng trưởng hợp lý”, Gan Li - giáo sư Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam, nói.
Theo công ty nghiên cứu Hurun Report, từng được định giá 43,8 tỷ USD, tài sản ước tính của ông Hui giờ chỉ còn 3 tỷ USD vào năm 2023. Phía quan chức Trung Quốc và cả Evergrande hiện chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về cuộc điều tra với vị chủ tịch này.
“Các chủ nợ đã rất thất vọng khi ông Hui không dùng tiền của mình để trả nợ. Số tiền ông nhận về từ cổ tức trong những năm qua là rất lớn”, Leonard Law, nhà phân tích tín dụng cao cấp tại Lucror Analytics, nhận định.
Ngoài Hui Ka Yan, một số “ông trùm” bất động sản Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự giám sát từ phía cơ quan quản lý sau những thất bại trong quá khứ. Chen Feng, chủ tịch và đồng sáng lập của HNA Group, nhận lệnh bắt giữ vào năm 2021 sau khi tập đoàn bị chính quyền tỉnh Hải Nam tịch thu tài sản và tái cơ cấu. Cựu chủ tịch Zhao Weiguo của Tsinghua Unigroup cũng bị buộc tội tham nhũng sau khi công ty bán dẫn của mình sụp đổ.
Theo: The New York Times, Bloomberg
Nhịp sống thị trường