MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không còn khả năng trả nợ, cuộc sống người dân Thụy Điển ngày càng bấp bênh

25-01-2024 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

Theo báo cáo mới nhất được Cơ quan Thu hồi nợ quốc gia Thụy Điển (Kronofodgen) công bố ngày 23/1, tổng số nợ của người dân quốc gia Bắc Âu này đã chạm mốc 11,4 tỷ USD (hơn 280.000 tỷ đồng), tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái (2023). Đây cũng là mức nợ kỷ lục được ghi nhận ở Thụy Điển từ trước đến nay.

Cơ quan Thu hồi nợ quốc gia Thụy Điển cho biết có hơn 1,5 triệu người dân nước này hiện đang trong tình trạng nợ nần, chiếm khoảng 14% tổng dân số (10,42 triệu dân) với mức nợ trung bình rơi vào khoảng 7.500 USD (tương đương 185 triệu đồng)/người. Trong số đó có hơn 400.000 người (khoảng 4% dân số) tuyên bố không còn khả năng trả các khoản nợ, tăng 6% so với năm 2023. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tàn phá nền kinh tế Thụy Điển vào đầu những năm 1990.

Không còn khả năng trả nợ, cuộc sống người dân Thụy Điển ngày càng bấp bênh - Ảnh 1.

Cửa hàng hỗ trợ giá tại chi nhánh Hội Chữ thập đỏ ở Stockholm ngày hồi tháng 3/2023. Ảnh: Le Monde.

Nhóm người cao tuổi là nhóm có số lượng người mắc nợ tăng nhiều nhất trong năm 2023. Kronofogden nhấn mạnh hiện có gần 56.000 người trên 65 tuổi rơi vào tình trạng nợ nần, tăng 9% so với 2023. Tổng số nợ của nhóm này rơi vào khoảng 2,4 tỷ USD (tương đương gần 60.000 tỷ đồng). Đây là nhóm có thu nhập thấp và có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần dài hạn. Theo bà Annika Alexius, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này bắt nguồn từ việc lạm phát tăng cao trong thời gian vừa qua.

“Làn sóng lạm phát đầu tiên chỉ ảnh hưởng đến giá năng lượng và một số thực phẩm nhập khẩu. Nhưng sau đó nó lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế và khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ”.

Trong bối cảnh khó khăn đó, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở Thụy Điển lựa chọn sử dụng những mặt hàng kém chất lượng hoặc giảm giá để giảm thiểu các chi phí sinh hoạt. Thậm chí nhiều người trong số họ phải đi đến các cơ sở hỗ trợ giá của Hội Chữ thập đỏ để mua lương thực hàng ngày, như trường hợp của bà Marianne Orberg, cựu luật sư 73 tuổi.

“Mọi người đã thay đổi thói quen ăn uống. Ngày nay chúng ta ăn uống khác đi để có thể sinh tồn và những sáng kiến như thế này rất đáng trân trọng.”

Không chỉ có những người cao tuổi bị ảnh hưởng mà các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng trong tình trạng bấp bênh. Số liệu của Hội Chữ thập đỏ Thủy Điển cho thấy có 1/8 các hộ nghèo hiện đang phải vật lộn với các khoản phí liên quan đến con cái cũng như các nhu yếu phẩm thường nhật. Trong năm 2023, Hội cũng ghi nhận nhiều hộ gia đình bị buộc phải rời khỏi nơi sống vì không chi trả được tiền thuê, gây ảnh hưởng đến hơn 600 trẻ em.

Các tổ chức từ thiện cho biết đã phân phát hơn 4.000 tấn thực phẩm và quần áo trong năm 2023. Tuy nhiên số lượng yêu cầu vẫn ngày càng tăng.

Kavian Ferdowsi, chủ tịch hiệp hội Homeless.life chia sẻ: “Ngày càng có nhiều người đến để ăn sáng. Trong 13 năm điều hành hiệp hội, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như vậy. Chúng ta đang sống tại một quốc gia giàu có nhưng xã hội ngày càng nghèo đi và mọi người cần sự giúp đỡ.”

Theo số liệu của Bộ Tài chính Thụy Điển, lạm phát trung bình ghi nhận ở mức 8,3% trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng thêm 3,9%, chạm mốc 12,2% trong năm 2024. Tuy nhiên, ngày 15/1, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson ước tính rằng chính sách mà chính phủ của bà đang theo đuổi, đặc biệt là việc giảm thuế năng lượng, đã có tác dụng, giúp làm chậm lạm phát. Bà cũng cho biết thêm chính phủ đang cân nhắc việc giảm các khoản thuế khác như thuế thu nhập trong năm 2024.

Theo Hoàng Phạm

VOV

Trở lên trên