Không còn “ngây thơ”, các founder bắt đầu đi học khởi nghiệp bài bản
Từ công trường tới công sở, xưa nay muốn làm gì cũng phải học. Vậy tại sao rất nhiều startup sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc để bước vào một cuộc chiến mà họ chưa được trang bị kiến thức kỹ càng?
Những năm gần đây, Việt Nam đang chứng kiến một xu hướng phát triển mạnh mẽ: nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp. Nếu năm 2012, cả nước có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì chỉ sau 7 năm, Việt Nam hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong bối cảnh trăm hoa đua nở đó, có bao nhiêu bông hoa kết trái?
Một chuyên gia đã tính toán và đưa ra tỷ lệ vàng trong làng khởi nghiệp mà ai cũng công nhận đúng. Đó là cứ 100 công ty khởi nghiệp thì có tới 90 doanh nghiệp chết, chỉ còn 10 công ty sống và 01 công ty thành công. Câu hỏi với tỷ lệ này là tại sao chúng ta phải phí phạm trí tuệ, công sức và tiền của 90 công ty kia? Phải làm gì để phá được "lời nguyền" này để nâng cao chất lượng cũng như gia tăng cơ hội thành công cho các startup Việt?
Câu trả lời dù cũ nhưng luôn đúng. Đó là: Làm gì thì cũng phải học. Thời buổi nào rồi mà lại vung tiền đi startup một cách ngây thơ, thiếu đào tạo?
Từ câu chuyện của Israel...
"Quốc gia khởi nghiệp" Israel, đất nước với hơn 9 triệu dân có tới hơn 200 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (ecosystem builder) dưới nhiều hình thức, từ co-working space đến trường đào tạo khởi nghiệp, trong đó có tới 100 Accelerators. So với ở Việt Nam, đất nước có gần 100 triệu dân với chừng 40 Accelerators thì mật độ Accelerator ở Israel cao hơn đến tầm 55 lần. Vậy nên startup ở Israel có cơ hội tham gia nhiều chương trình với vài Accelerators. Tùy giai đoạn phát triển, startup có thể nhận được nhiều giá trị khác nhau từ thế mạnh riêng của mỗi Accelerator, từ kiến thức nền tảng, đến network với các đối tác kinh doanh quốc tế, đến gọi vốn, hay sự hỗ trợ từ mentor….
Kết quả là, sau quá trình huấn luyện bài bản, các startup đạt tỉ lệ thành công cao hơn. Thông qua Accelerators, mỗi năm các startup tại Israel có thể thu hút được hơn 6 tỷ USD vốn đầu tư, và tạo ra lợi nhuận gấp nhiều lần số vốn đó.
Đến hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam
Hiện Việt Nam đang có hơn 40 cơ sở gồm vườn ươm khởi nghiệp (Incubator), nôi khởi nghiệp (Venture Builder) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) cùng 70 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Việt Nam cũng đang khuyến khích nhiều công ty, tập đoàn lớn thành lập và đồng phát triển các mô hình Incubator và Accelerator.
Một số cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp nổi bật tại Việt Nam hiện nay như Topica Founder Institute, Silicon Valley Việt Nam, FIRST, HATCH! PROGRAM, Hub.IT, Sai Gon HiTech Park,… đã và đang là địa chỉ uy tín và thiết thực hỗ trợ hàng trăm các startup Việt Nam và quốc tế thành công.
Bản đồ Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay
Đặc điểm chung của hầu hết startup trước khi tham gia các chương trình huấn luyện đều xuất phát từ những phiên bản vô cùng sơ khởi (prototype) với mô hình kinh doanh đơn giản. Tuy nhiên, trải qua thời gian huấn luyện, họ có được sản phẩm hoàn chỉnh, mô hình kinh doanh hoàn thiện, tìm được nhà cung cấp, có nhiều đối tác. Ví dụ như sau 4 tháng đào tạo tại Topica Founder Institute - chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan do Topica Edtech Group và Founder Institute phối hợp tổ chức - nhiều startup đã có được sản phẩm hoàn chỉnh, mô hình kinh doanh hoàn thiện, tìm được nhà cung cấp, có nhiều đối tác.
Ưu điểm của việc tham gia các mô hình này là khi startup có công nghệ mới và sự nhạy bén thì các doanh nghiệp lớn hỗ trợ kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường và phân phối.
Vậy startup nên bắt đầu từ đâu?
Ở Việt Nam hiện đang phát triển hai hình thức hỗ trợ khởi nghiệp chính là Incubator và Accelerator. Đây là hai mô hình khác biệt, với những đặc điểm và tiêu chí khác nhau, dù chúng đều trợ giúp cho doanh nhân khởi nghiệp về các nguồn lực, sự huấn luyện, đào tạo, và các cơ hội phát triển.
Về thời gian, Incubator kéo dài lâu hơn, thường từ 1 năm trở lên, trong khi Accelerator thường chỉ từ 3 - 6 tháng.
Về cấu trúc chương trình, Accelerator thường có một thời gian biểu được định trước. Ví dụ 10 startup được tuyển chọn, cùng tham gia vào một chương trình kéo dài trong 3 tháng, cùng bắt đầu chương trình vào một ngày nhất định với các workshop hằng tuần và kết thúc chương trình vào Demo day. Trong đó, các founder thuyết trình giới thiệu về dự án của mình trước các nhà đầu tư và người tham dự.
Trong khi đó, Incubator có thời gian biểu khá linh hoạt, các công ty hoặc ý tưởng có thể được chọn tham gia vào vườn ươm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm.
Incubator tập trung vào việc ươm tạo ý tưởng, trong khi Accelerator thì giúp tăng tốc cho các công ty vừa mới chào đời. Accelerator là một trong những nhân tố thiết yếu trong bước đầu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp mang đến sự hỗ trợ, nguồn tài chính và nâng cao các giá trị văn hóa giúp các startup tiếp cận với thị trường.
Điểm khác biệt là chương trình huấn luyện từ các Accelerators không phải là chương trình dành cho sinh viên các trường đại học hay của đoàn thanh niên kêu gọi hỗ trợ phong trào. Có thể nói Accelerator như một nơi tiếp nhiên liệu, chuẩn bị những bước đầu tiên để một startup cất cánh. Nhiên liệu ở đây có thể là sự tự tin, kiến thức, các mối quan hệ, kỹ năng, vốn, và cơ hội xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện….
Để các startup vững tâm hơn, Accelerator còn nỗ lực mang về những hỗ trợ cho các startup ngay khi tốt nghiệp. Điển hình là "lò luyện startup" hàng đầu Đông Nam Á Topica Founder Institute (TFI) đã ký kết "blanket deal" với quỹ Insignia Ventures Partners. Theo đó Quỹ này sẽ đầu tư 50,000 USD cho tất cả các startup tốt nghiệp chương trình. Đây cũng là lần đầu tiên tại Đông Nam Á, một Quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng cam kết đầu tư một nguồn vốn cố định hàng năm cho các dự án. Điều kiện duy nhất mà startup cần đạt là tốt nghiệp chương trình huấn luyện khởi nghiệp TFI. Được biết, một phần ba số thương vụ gọi vốn vòng Seed và Series A năm 2016 tại Việt Nam đến từ học viên TFI.
Học viên TFI khoá 7 - startup Drone Pro - ký kết nhận đầu tư ngay trong ngày tốt nghiệp
Vậy giữa Incubator và Accelerator, đâu là mô hình phù hợp nhất cho các nhà sáng lập trẻ "cắp sách đi học"? Câu hỏi này thường xuyên được đặt ra và quả thật rất khó để có câu trả lời chính xác, chỉ có chính founder mới có thể cân nhắc lựa chọn đâu là mô hình phù hợp nhất với mình.
Xin được trích dẫn lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Bùi Thế Duy, thay cho lời kết: "Trên thực tế, tất cả các startup trước khi hoàn thành giấc mơ trở thành một kỳ lân thì đều cần phải sống được. Và muốn vậy, điều quan trọng là họ phải có được kỹ năng, kiến thức cốt yếu để sống sót. Mà kiến thức, kỹ năng chỉ có được thông qua học tập, tích lũy từ một hình thức đào tạo bài bản. Accelerator đang làm rất tốt những việc này". Và "sự phát triển, hội nhập mạnh mẽ của các tổ chức này cũng chính là động lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập thành công", ông Duy cho biết thêm./.