Không còn thích hợp với cuộc đua giá rẻ, gạo Việt Nam bước vào “sân chơi” các thị trường cao cấp, khó tính
Gạo Việt Nam không thể cạnh tranh về giá tại thị trường Philippines so với các loại gạo cấp thấp của Myanmar, Pakistan và Ấn độ. Đã giữ ngôi về giá vượt hơn so với gạo Thái Lan, đồng nghĩa gạo Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt tại các thị trường mới, khó tính.
- 14-06-2021Giá lương thực tăng cao nhất 10 năm khiến người dùng, doanh nghiệp châu Á điêu đứng
- 12-06-2021EU áp dụng hạn ngạch mới đối với gạo Việt Nam
- 07-06-2021Nguy cơ xuất khẩu gạo sụt giảm do Philippines dự định chuyển sang mua gạo Ấn Độ giá rẻ
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5 xuất khẩu gạo đạt 626,75 ngàn tấn gạo, với 340 triệu USD. Cộng dồn 5 tháng đạt gần 2,6 triệu tấn, với trị giá 1,41 tỷ USD, so với cùng kỳ giảm lần lượt 15,4% về lượng và 5,3% về giá trị.
Gạo giá rẻ Ấn độ "lấn sân" tại thị trường Philippines
Trong tháng 5, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines đạt gần 230 ngàn tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, so với tháng 5/2020 giảm 38,71% về lượng và giảm 34,09% về trị giá. Cộng dồn 5 tháng đầu năm đạt với 944 ngàn tấn và gần 502 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 27,51% về khối lượng và giảm 16,14% về trị giá. Giảm mạnh ở thị trường Philippines đã ảnh hưởng đến khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Trao đổi với BizLIVE, Phó Chủ tịch HH lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, ông Đỗ Hà Nam cho rằng nguyên nhân lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh ở thị trường Philippines là do gạo giá rẻ Ấn Độ thay thế gạo Việt Nam. Vấn đề này đã được cảnh báo từ khi Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo đối với các nước ngoài khối ASEAN từ 50% xuống còn 35%.
Nhờ vậy, gạo Ấn Độ có thêm lợi thế về giá cho dù chất lượng không bằng gạo Việt Nam, nhưng do gạo giá rẻ là phân khúc chính ở thị trường Philippines, mặc dù thời gian gần đây thị trường này tăng nhập khẩu gạo thơm nhiều hơn trước.
“Trong cuộc đua tại Philippines - thị trường chủ yếu tiêu thụ gạo giá rẻ, trong khi gạo Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu các loại gạo trung và cao cấp nên bị thua về giá. Chúng ta muốn giá gạo xuất khẩu cao thì phải kén thị trường, còn người tiêu dùng muốn ăn ngon thì phải chi nhiều tiền. Bây giờ Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo thơm thì giá phải đắt hơn gạo trắng thường nên gạo giá rẻ Ấn Độ có lợi thế ở thị trường Philippines là vậy”, ông Nam khẳng định.
Xét về mặt chiến lược, Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường nên không thể cạnh tranh với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar , Pakistan và Ấn độ.
Câu chuyện gạo giá rẻ của Ấn Độ và gạo chất lượng cao của Việt Nam bây giờ giống như lúc trước đây, khi Việt Nam sản xuất và xuất khẩu chủ yếu các loại gạo trắng thường nên giá gạo xuất khẩu Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái Lan. Bây giờ, nhờ tăng cường sản xuất các giống lúa thơm cao cấp, chất lượng gạo cao và được thị trường gạo toàn cầu chấp nhận nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn gạo Thái Lan.
Phải chấp nhận phân khúc thị trường mới và cách làm mới
“Chúng ta nên tự hào vì giá gạo Việt Nam vượt qua giá gạo Thái Lan nhưng cũng là một áp lực, vì giá gạo tăng cao thì phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các những nước xuất khẩu khác về giá. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải chấp nhận phân khúc thị trường mới và cách làm mới, chấp nhận thị trường gạo cấp thấp sẽ giảm dần, nếu không suy nghĩ theo hướng này sẽ bất lợi cho người nông dân, vì chúng ta không thể nào cạnh tranh được với dòng gạo giá rẻ của các nước Ấn Độ, Pakistan và Myanmar”, ông Nam nhấn mạnh.
Hiện nay người nông dân có xu hướng giảm dần diện tích trồng lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, đây cũng là xu hướng tốt vì đa phần nông dân trồng lúa không giàu. Tuy nhiên, Việt Nam cần xem xét và duy trì diện tích trồng lúa để đảm bảo giữ lại số diện tích thích hợp, giảm diện tích trồng lúa thường tăng cường đầu tư vào hệ thống lúa thơm.
Trước đây Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, Philippines là thị trường của Thái Lan và các nước khác nhưng mấy năm sau này Việt Nam vào được thị trường Philippines và chiếm lĩnh luôn thị trường này, có thể nói là thành công lớn và giúp giảm áp lực tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng với xu hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo và Việt Nam đang hướng sản xuất các giống lúa cao cấp và bán gạo với giá ngày càng cao thì không thể tăng mãi ở thị trường này được, và đến một lúc nào đó phải giảm vì thị trường sẽ càng trở nên khó tính hơn. Do vậy, cần phải hiểu là không thể tăng sản lượng mãi được mà cần phải nâng cao chất lượng để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và giữ ổn định giá.
Hiện nay gạo ST24 đang xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ… đặc biệt thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất tốt gạo ST24. Tại thị trường châu Âu, gạo ST24 phải đóng thuế mà vẫn bán có lời, vì vậy nếu phát triển được diện tích lúa ST24 sẽ tạo ra lợi thế tốt hơn cho gạo Việt Nam.
Còn tại thị trường nội địa, phần nhiều người dân tiêu thụ gạo giá trung bình từ 12.000 - 14.000 đ/kg, nhưng đối với phân khúc gạo cao cấp gạo ST24 có giá trên 26.000 bán lẻ ở TP.HCM, giá 30 ngàn đồng/kg bán lẻ ở Hà Nội vẫn tiêu thụ tốt.
Còn gạo ST25 bán lẻ ở TP.HCM giá 30.000, ở Hà Nội giá 36 ngàn đ/kg vẫn bán được, vì mức giá này phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt. Qua đó cho thấy các dòng gạo cao cấp đã có “đất sống” không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả trên thị trường nội địa và là xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay.
Bizlive