Không để doanh nghiệp sữa “qua mặt” quản lý giá
Nhiều người dân cho rằng giá sữa trên thị trường đắt quá mức so với giá trị thực, thậm chí sữa ở VN đắt hơn nhiều nước phát triển.
Bộ Tài chính đã quyết định gia hạn việc áp đặt giá trần đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến ngày 31-12-2016. Nhiều người dân vẫn tin rằng giá sữa trên thị trường đắt quá mức so với giá trị thực, thậm chí sữa ở VN đắt hơn nhiều nước phát triển.
Thị trường sữa hiện nay dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có tới trên 700 dòng sản phẩm. Thi thoảng, các hãng sữa lại bổ sung vi sinh vật có lợi Probiotics hay vi chất, vitamin... và giá cũng nhờ đó mà “nhảy múa”. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem lại cách quản lý bằng áp giá trần của Bộ Tài chính.
Trên thực tế, cứ cơ quan chức năng đưa ra biện pháp quản lý thì doanh nghiệp lại có cách “qua mặt”. Họ đổi tên sữa, thay hàm lượng... Cơ quan chức năng cũng chưa chứng minh được sự tăng giá bất thường của giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bởi mỗi năm doanh nghiệp tăng giá chỉ khoảng 7-9% - trong giới hạn cho phép. Trong khi đó, việc áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi lại chưa phù hợp với Luật giá và Luật cạnh tranh.
Có thực tế là sau khi áp giá trần, thị trường sữa sáu tháng đầu năm 2016 tại khu vực thành thị giảm 11% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Việc quy định giá trần khiến nhiều doanh nghiệp không thể chủ động đầu tư sản xuất sản phẩm mang tính đột phá, thậm chí hạn chế tính sáng tạo, không khuyến khích doanh nghiệp có bước chuyển đổi mạnh trong sản phẩm.
Đặc biệt, mặc dù đã áp giá trần nhưng thực tế thời gian qua cho thấy biện pháp này chưa thật sự hiệu quả như mong đợi của xã hội. Người tiêu dùng không hài lòng về mức độ hiệu quả của công tác bình ổn giá. Theo báo cáo “VN chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người VN” do Phòng Thương mại và công nghiệp VN công bố tháng 7-2015, có đến 60% người trả lời cho biết được hưởng lợi ít/không hưởng lợi từ việc Nhà nước can thiệp vào giá sữa.
Trong khi đó, nếu chậm dỡ bỏ việc áp giá trần sẽ làm ảnh hưởng đến việc công nhận VN là nền kinh tế thị trường, khiến VN bị thua thiệt trong nhiều hoạt động thương mại quốc tế khác.
Mong muốn của cơ quan quản lý là thị trường phải bình ổn. Song muốn thực hiện được điều này phải nâng cao trình độ của cán bộ và quản lý bằng các giải pháp kinh tế. Có nhiều biện pháp quản lý khác theo đúng cơ chế thị trường, dù khó nhưng cơ quan nhà nước cần nghiên cứu áp dụng.
Trước hết, không loại trừ việc các doanh nghiệp “chuyển giá”, nâng giá nhập khẩu để đưa mức giá bán ở VN lên cao. Cũng không loại trừ trên thị trường sữa hiện nay một số doanh nghiệp “nhìn nhau” tăng giá. Rất nhiều chi phí như tiếp thị, quảng cáo... được đẩy vào giá sữa.
Các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể thu thập và công bố giá so sánh các loại sữa tương đương ở thị trường nước ngoài để có biện pháp quản lý cũng như công khai minh bạch cho người tiêu dùng lựa chọn.
Thúc đẩy các biện pháp để tăng cường cạnh tranh, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và minh bạch hơn.
Tại nhiều nước, việc kiểm tra nếu phát hiện vi phạm có thể phạt đến cả trăm triệu USD. VN nên hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo quản lý giá sữa theo đúng nguyên lý thị trường.
Khi thị trường sữa đã có sự cạnh tranh thật sự, người tiêu dùng sẽ là người lựa chọn và quyết định cuối cùng tới giá của sản phẩm, trên cơ sở xem xét tương quan với chất lượng của sản phẩm, tùy thuộc vào khả năng thu nhập của họ. Áp giá trần như hiện nay khó giải quyết được vấn đề.
Tuổi trẻ