‘Không để hồ sơ hoàn thuế quá hạn do sự chủ quan từ công chức, cơ quan thuế’
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Năm 2024, công tác quản lý hoàn thuế hướng tới 2 mục tiêu chính là: Hoàn thuế nhanh, đúng pháp luật, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, công chức thuế; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế, quản lý chặt chẽ tiền ngân sách Nhà nước.
- 14-12-2023Mong sớm hoàn thuế, gia hạn giảm thuế
- 06-12-2023Đã hoàn thuế được hơn 127 nghìn tỷ đồng
- 06-12-2023Dồn lực thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho chặng 'nước rút' cuối năm
Ban hành quy trình hoàn thuế, chú trọng kiểm tra sau hoàn
Theo bà Lê Thị Duyên Hải, năm 2023, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) có thể coi là điểm “nóng” và luôn được lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo sát sao ngay từ đầu năm.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội chưa thuận lợi, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, công tác hoàn thuế GTGT kịp thời là yêu cầu, quyền lợi cấp thiết của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống gian lận về hóa đơn, hoàn thuế cũng ngày càng khó khăn hơn do các đối tượng luôn thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp với thái độ ngày càng liều lĩnh hơn trước nhằm trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách Nhà nước (NSNN)”, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết.
Để giải quyết tình trạng chậm giải quyết hoàn thuế; đồng thời, từng bước thực hiện phòng chống gian lận hóa đơn, hoàn thuế hiệu quả, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc hoàn thuế, trong đó, trọng tâm là ban hành quy trình hoàn thuế, quy trình kiểm tra thuế, các quyết định về bộ chỉ số và tiêu chí để tự động trong đánh giá rủi ro đối với hóa đơn, phân loại hồ sơ hoàn thuế, chú trọng thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế thay vì kiểm tra trước hoàn.
Không chỉ vậy, ngành Thuế còn ưu tiên nguồn lực của bộ phận thanh tra kiểm tra cho việc giải quyết các hồ sơ thuộc diện kiếm tra trước hoàn; tăng cường trách nhiệm của Cục trưởng, phân công cụ thể đến các đồng chí Phó Cục trưởng để thường xuyên đôn đốc, xử lý hồ sơ hoàn thuế..
Theo đại diện Tổng cục Thuế, kết quả hoàn thuế GTGT đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân 6 tháng cuối năm (tính đến hết ngày 20/12/2023), cơ quan thuế giải quyết hoàn 1.582 quyết định hoàn thuế/tháng, tương ứng số tiền thuế GTGT hoàn là 12.891 tỷ đồng/tháng, tăng 11% về số quyết định và 27% về số tiền so với bình quân 6 tháng đầu năm.
Tính đến hết ngày 20/12, Cơ quan thuế đã ban hành 18.008 quyết định hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền thuế hoàn là 138.461 tỷ đồng, bằng 87% ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ (160.000 tỷ đồng), bằng 97% so với cùng kỳ năm 2022.
Ước cả năm 2023, toàn ngành Thuế ban hành gần 20.000 quyết định hoàn thuế GTGT, số tiền hoàn khoảng 152.000 tỷ đồng, bằng 100,9% cùng kỳ 2022, trong đó, hoàn xuất khẩu giảm 4% cùng kỳ (chủ yếu là do kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 giảm so với năm 2022; hoàn dự án đầu tư tăng 45% so với cùng kỳ chủ yếu tăng dự án đầu tư ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo Nghị định 49 của Chính phủ).
Theo bà Lê Thị Duyên Hải, năm 2024, để công tác quản lý hoàn thuế được hiệu quả hơn, đồng thời đẩy mạnh được công tác chống gian lận hoàn thuế, trục lợi NSNN, ngành Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử.
“Các cơ chế, chính sách quản lý Thuế sẽ có những quy định rõ ràng hơn trong việc phân định trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế với người nộp thuế (NNT) trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT khi các cơ quan chức năng phát hiện các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT”, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế cho biết.
Bên cạnh đó, sẽ ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế, từng bước tự động hóa tối đa, số hóa trong tiếp nhận, giải quyết, chi hoàn thuế GTGT để việc giải quyết hoàn thuế được minh bạch, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Một chủ trương quan trọng trong quản lý hoàn thuế GTGT trong năm 2024 của ngành Thuế là thực hiện thanh tra chủ động, rà soát chuỗi các các doanh nghiệp có mua bán hàng hóa với doanh nghiệp hoàn thuế trước khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế, từ đó sớm xác định rủi ro, phân loại chính xác các trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau, kiểm tra trước hoàn thuế sau, qua đó đẩy nhanh thời gian hoàn thuế và tập trung nguồn lực kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận.
Không e ngại, lo sợ khi đã tuân thủ các quy định, quy trình có liên quan
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, năm 2023, mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng ngành Thuế đã cố gắng thực hiện các giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ.
“Năm 2024, Tổng cục Thuế phải chủ động tăng cường chỉ đạo, giao ban với các Cục Thuế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng, điều hành công tác thu NSNN kịp thời, thường xuyên; nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế (Nghị định hướng dẫn về Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu; Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết; Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ)”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo.
Ngành Thuế cần tạo ra khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, nhanh chóng; đồng thời cũng giúp người công chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, không e ngại, lo sợ khi đã tuân thủ đầy đủ các quy định, quy trình có liên quan. "Phải đưa công tác hiện đại hóa trở thành một điểm sáng của hệ thống thuế, góp phần thực hiện chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.
Bên cạnh việc quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và hóa đơn trong lĩnh vực xăng dầu theo đúng quy định, ngành Thuế cần nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường quản lý hoàn thuế, nợ thuế, chống thất thu NSNN trên cơ sở áp dụng đầy đủ các quy định, nguyên tắc quản lý rủi ro về thuế, đảm bảo trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức thuế.
Năm 2024 ngành Thuế phải thu hơn 1,486 triệu tỷ đồng
Ông Mai Xuân Thành – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính): Năm 2024, Quốc hội giao nhiệm vụ thu NSNN cho ngành Thuế là 1.486.413 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng.
Năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế; tiếp tục theo dõi sát thực tế, để đề xuất các giải pháp hỗ trợ NNT phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với 13 Đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế.
Triển khai các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình của Chính phủ với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số...
Báo tin tức