Không để thương lái “thổi” giá thịt lợn
Ngày 16.10, giá lợn hơi trên cả nước đã “phi mã” lên mức 63.000 đồng/kg, thậm chí có địa phương đã áp sát mức giá 68.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tại chợ lên tới 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại nhiều nơi người nông dân chỉ được bán ở mức khoảng 58.000 đồng/kg heo hơi do bị thương lái ép giá. Trước nguy cơ giá thịt lợn sẽ tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu lên kịch bản giải pháp ổn định giá cả cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm. Một trong những giải pháp căn bản là không để thương lái “thổi” giá thịt lợn.
- 16-10-2019Mang thịt lợn nhập cảnh Úc, một người Việt bị trục xuất
- 16-10-2019Giá thịt lợn tăng sốc, trong siêu thị đã vượt 150.000 đồng/kg, dự báo tiếp tục tăng cao
- 13-10-2019Giá thịt lợn cao kỷ lục và tiếp tục tăng có cần thiết nhập khẩu thịt lợn
Tại tỉnh Đồng Nai hiện nay giá lợn theo ghi nhận từ các hộ dân đã lên mức 63-65.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Tuy nhiên, người nông dân chỉ được bán ở mức khoảng 58.000 đồng/kg lợn hơi do bị thương lái ép giá. Trong khi đó, ngày 16.10, tham khảo giá tại các siêu thị mini, giá thịt lợn đã thành phẩm ở mức cao ngất ngưởng... Còn tại TPHCM, giá lợn hơi tăng cao, nguồn hàng giảm khiến lượng lợn về chợ đi xuống...
Giá thịt lợn lên từng ngày
Thịt ba rọi lợn xuất xứ Đông Nam Bộ - Việt Nam có giá 124.000 đồng/kg; sườn lợn giá 194.000 đồng/kg; xương lợn có thịt có giá 90.000 đồng/kg; chân giò lợn có giá 98.000 đồng/kg. Như vậy, thì giá lợn người chăn nuôi lợn bán cho thương lái với giá từ 58.000 đồng/kg để tới tay người tiêu dùng tại các siêu thị mini đặt ở các khu dân cư từ 90.000 đồng-194.000 đồng/kg tùy theo sản phẩm lợn, chênh lệch gấp đôi, gấp rưỡi lần.
Ngày 16.10, ông Vy Hướng Mạnh, chủ trại lợn tại xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay giá lợn tại xã Lộ 25 đang lên rất cao, khoảng 63.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, thực tế người chăn nuôi lợn chỉ bán được khoảng 58.000 đồng/kg do thương lái ép giá. “Từ xưa đến nay người nông dân cũng không chủ động được, thương lái “ra giá” bao nhiêu thì mình bán bấy nhiêu” - ông Mạnh nói.
Giá thịt lợn tại chợ tăng “phi mã” lên tới 120.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, ông Trần Quang Trung cho biết, tại đây giá lợn đang lên từng ngày, hiện ở Gia Tân 3 đã lên 65.000 đồng/kg lợn hơi, do nguồn cung xuống thấp vì dịch tả lợn Châu Phi càn quét vừa qua.
TPHCM đảm bảo nguồn cung thịt lợn
Tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều dự báo cho thấy, sẽ có đợt khan hàng, tăng giá lợn hơi trên diện rộng từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố sẽ chủ động để không xảy ra tình trạng thiếu hụt lượng thịt lợn và chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động nguồn cung trong nước và sẵn sàng nhập khẩu nếu thị trường khan hiếm.
Ông Lê Văn Tiển - Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) - cho biết, trước tình trạng giá lợn hơi tăng cao, nguồn hàng giảm khiến lượng lợn về chợ đi xuống. Cụ thể, đầu tháng 10, mỗi ngày lượng hàng từ các lò ở tỉnh về chợ đầu mối trên 2.000 con nhưng nay giảm xuống còn 1.239 con. Cùng với số lượng lợn về chợ giảm thì giá lợn hơi loại 1 lên mức 53.500 đồng/kg (tăng 7.500 đồng so với đầu tháng 10), còn lợn loại 2 tăng thêm 10.000 đồng lên 52.500 đồng/kg.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) - cho biết, giá lợn đang tăng mạnh do nguồn cung ngày càng giảm. Nếu so với tháng 9, giá lợn hơi tại công ty đã tăng thêm 11.000 đồng mỗi kg, lên 57.500 đồng.
Người tiêu dùng phải mua thịt lợn với giá rất cao (chụp sáng 16.10 tại chợ Nam Trung Yên, Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Dự báo, giá lợn còn tăng khi nguồn lợn tại các trang trại ngày càng giảm, còn lợn trong dân gần như cạn kiệt vì dịch bệnh kéo dài, người nuôi chưa dám tái đàn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh) - cho biết, đã yêu cầu 2 đơn vị tham gia tích cực chương trình bình ổn giá của thành phố là Cty Ba Huân duy trì mức trữ đông 200 tấn thịt gà và Cty San Hà duy trì trữ đông 1.500 tấn thịt lợn, gà. Bên cạnh đó, Saigon Co.op, BigC… chủ động duy trì lượng cung ứng trên thị trường gần 5.000 tấn/tháng, đáp ứng 21% thị phần tiêu thụ thịt lợn của thành phố.
“Thành phố sẽ chủ động để không xảy ra tình trạng thiếu hụt lượng thịt lợn và chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động nguồn cung trong nước và sẵn sàng nhập khẩu nếu thị trường khan hiếm” - ông Phương - nói.
Cần đưa thêm thịt lợn là mặt hàng ưu tiên bình ổn giá
Sau khi cán mốc 53.000 đồng/kg, rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 1 tuần, giá lợn hơi trên cả nước đã chính thức tăng thêm 10 giá, ở mức 60.000-63.000 đồng/kg, thậm chí tại Cao Bằng, một gia trại đã được thương lái trả giá đàn lợn lên đến 68.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam tiếp tục tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chiều 16.10.2019, giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã ngang giá lợn hơi tại miền Bắc, cán mốc 60.000 đồng/kg như Bình Dương, Bình Phước, Củ Chi (TPHCM), Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang… Thậm chí có nơi đã bán được từ 62.000-64.000 đồng/kg như Bà Rịa Vũng Tàu, Cẩm Mỹ - Đồng Nai. Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi tiếp tục được duy trì ở mức cao 55.000-60.000 đồng/kg. Trong đó, giá cao nhất thuộc về Thanh Hóa, Nghệ An (60.000 đồng/kg); giá lợn hơi ở Quảng Bình, Quảng Trị đạt 56.000-57.000 đồngkg; giá lợn hơi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng bật tăng lên mức 50.000-51.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi ở Đắk Lắk đạt 55.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV Báo Lao Động trưa 16.10, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nhấn mạnh: Giá thịt lợn hơi tăng nhanh trong thời gian qua một phần do sản lượng thịt lợn sụt giảm ở giai đoạn tức thì, nhưng có một phần do tư thương "làm giá". Thực tế, số lượng thịt lợn hằng ngày về các chợ không giảm. Thực tế là mỗi khi có sự biến động về giá, một phần có sự "thổi giá" của các thương lái, tạo ra hiện tượng "sốt ảo" hoặc các thông tin nhiều khi không sát thực tế, gây tâm lý hoang mang cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng, nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi. Theo thông tin mà PV có được, hiện nay, tại khu vực phía Nam, một số thương lái tung tin đồn là thịt lợn từ Thái Lan đang xâm nhập vào thị trường nước ta để hưởng chênh lệch bởi mức giá lợn hơi bán tại Thái Lan chỉ khoảng 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo phân tích của một chủ trang trại tại Đồng Nai, hoàn toàn không có chuyện lợn hơi của Campuchia và Thái Lan "ồ ạt" nhập vào Việt Nam. "Hiện tại, giá lợn hơi tại Thái Lan khoảng 49.500 - 51.000 đồng/kg, qua 2 cửa khẩu Campuchia mỗi con lợn bị "ăn" mất từ 200-400.000 đồng, chưa kể lợn bị hao, bị chết… trong 24 tiếng vận chuyển. Vậy, lợn về đến Việt Nam và bán với giá 60.000-63.000 đồng/kg là không còn lời. Như vậy thông tin lợn Campuchia, Thái Lan đang đổ dồn về Việt Nam là không đúng" - vị này phân tích và trấn an người chăn nuôi nên bình tĩnh, không bán tháo kiếm lời, cũng không ghim lợn tạo sốt ảo để đẩy giá lên cao, làm xáo động thị trường.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, từ nay đến cuối năm nếu làm tốt công tác tái đàn, ngăn chặn được dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, thì nhu cầu đáp ứng thịt lợn cho người tiêu dùng không quá căng thẳng. Cục Chăn nuôi đã yêu cầu các địa phương thống kê đàn lợn và hiện tại, thống kê đến ngày 31.8.2019, có 56 tỉnh, thành phố đã có báo cáo số liệu đàn lợn hiện là trên 22 triệu con và 2,7 triệu con nái. Dự kiến, với 7 tỉnh còn lại, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con. "Với số lượng lợn nái khoảng 2,7 triệu con như hiện nay thì hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm" - ông Nguyễn Xuân Dương nói và tin tưởng: Giá thịt lợn có thể tăng thêm, nhưng sẽ không tăng cao đến mức phi lý và sẽ không có chuyện khan hiếm thịt lợn như Trung Quốc.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn hầu hết chăn nuôi khép kín, theo chuỗi nên đảm bảo từ khâu sản xuất giống cho đến thương phẩm an toàn sinh học tốt, nên trong vòng 4-5 tháng đàn lợn tái đàn sẽ được bán ra thị trường nhằm cân đối lại cung - cầu.
PH.NGUYỄN
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao. Phó Thủ tướng giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019. Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).
Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 và 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá các nội dung trên trước ngày 21.10.2019.
Lao động