“Không để tình trạng trên trải thảm đỏ, dưới có đinh”
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nhưng cũng mong doanh nghiệp nói phải đi đôi với làm...
“Lai Châu cũng như các tỉnh thành khác phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước. Không để tình trạng như người ta nói là trên trải thảm đỏ nhưng dưới có đinh”.
Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu, ngày 23/4.
Phát biểu trước lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng khoảng 400 nhà các đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức thương mại quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lai Châu có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng trước hết phải tháo gỡ được ba nút thắt quan trọng.
Thứ nhất là phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở. Tiếp đến phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước bạn, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện mở ra thị trường tiêu thụ lớn hơn cho sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó là phải quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa. “Không để phát triển lệch pha giữa tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội”, Thủ tướng lưu ý.
Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn “phải nói đi đôi với làm”, thực hiện nghiêm túc các cam kết đầu tư của mình, trong đó, quan tâm công tác bảo vệ môi trường, bày tỏ tin tưởng các nhà đầu tư sẽ góp những “viên gạch hồng” giúp Lai Châu phát triển.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ giữ môi trường hòa bình hữu nghị, kinh tế vĩ mô ổn định để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Thủ tướng cho biết, Trung ương sẽ quan tâm, làm nhiều việc cho các tỉnh nghèo như Lai Châu.
Tại hội nghị này, UBND tỉnh Lai Châu đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án có tổng vốn 8.294 tỷ đồng.
Từ năm 2004 đến nay, Lai Châu thu hút được 124 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 204.892 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là đầu tư từ ngân sách, thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân còn thấp.
Tính đến tháng 3/2016, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chỉ có 3 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 4 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, tuyển quặng, khai thác và gia công đá phiến.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà ước tính, Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 90.000 tỷ đồng nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng tổng dư nợ tại địa bàn lên 45.000 - 50.000 tỷ đồng.
Riêng BIDV cam kết có gói tín dụng ưu đãi 100 tỷ bằng 80% lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội; dành 5.000 - 6.000 tỷ kỳ hạn lãi suất ưu đãi theo nguyên tắc có hoàn trả trong 3 năm cho Lai Châu.
VnEconomy