MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không dồn gánh nặng lên người lao động

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với phương án tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm bởi điều này đi ngược xu thế tiến bộ của thế giới.

Không tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm và nếu không giảm được thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện nay là 300 giờ/năm. Đó là quan điểm của Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về những vấn đề khác nhau của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tổ chức ngày 20-9.

Không tăng giờ làm thêm

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình QH mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này là tán thành và không tán thành.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho rằng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động (NLĐ) ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho NLĐ. "Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả NLĐ sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động" - bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Tham gia thảo luận, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc phân tích: Việc làm thêm giờ liên quan đến năng suất lao động, không chỉ dựa vào sức người mà còn dựa vào sự đổi mới công nghệ. Nếu không cho phép tăng thì đương nhiên DN phải suy nghĩ đổi mới công nghệ, đưa dây chuyền hiện đại vào, nếu cho tăng thì sẽ hạn chế đổi mới công nghệ, khuyến khích không đổi mới công nghệ. "Làm thêm giờ thì NLĐ rất khổ, nhất là phụ nữ không còn thời gian chăm sóc gia đình. Quan điểm của tôi là thiết tha đề nghị không tăng, không giảm được thì giữ nguyên như hiện hành" - ông Phúc bày tỏ.

Nhắc lại tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ QH vào tháng 8-2019, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết ông giữ nguyên quan điểm không đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm. Sở dĩ vẫn giữ nguyên quan điểm này, ông Chiến cho rằng nếu đồng ý tăng lên 400 giờ/năm là đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới và đi ngược lại chính lộ trình mà nước ta đang đi.

"Các nước họ giảm giờ làm nhưng vẫn bảo đảm đời sống cho NLĐ, y tế tốt hơn, chăm sóc sức khỏe và nhiều mặt khác được chú trọng hơn. Chúng ta phải phấn đấu như vậy chứ không phải bằng cách tăng giờ làm thì mới bảo đảm được đời sống" - ông Hà Ngọc Chiến bày tỏ.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng thì cho rằng không nên quy định trong luật này là tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm, bởi nếu quy định tức là đã hạn chế sự tiến bộ, đi ngược lại xu thế phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng của thế giới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Không dồn gánh nặng lên người lao động - Ảnh 1.

Người lao động trực tiếp sản xuất mong muốn có thêm thời gian nghỉ ngơi. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người lao động cần có thêm thời gian nghỉ ngơi

Đại diện cho Tổng LĐLĐ Việt Nam góp ý về dự thảo luật tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu khẳng định tổ chức Công đoàn rất chia sẻ với giới sử dụng lao động nhưng tất cả đều vì mục tiêu phát triển chung của đất nước. Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp cận ở góc độ phát triển bền vững và lắng nghe ý kiến của NLĐ để đưa ra đề xuất giảm thời gian lao động còn 44 giờ/tuần.

Ông Ngọ Duy Hiểu dẫn so sánh giờ làm việc chung của quốc tế để thấy rằng Việt Nam là 1 trong 46 nước có chế độ làm việc 48 giờ/tuần nhưng thu nhập đầu người chỉ đứng 121/187 quốc gia. Thậm chí như Myanmar xếp sau Việt Nam về thu nhập bình quân đầu người nhưng đã triển khai chế độ làm việc 44 giờ cho NLĐ.

Bên cạnh đó, khuyến nghị của các tổ chức y tế cũng cho thấy nếu càng kéo dài thời gian làm việc thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động càng cao. "Việc giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng nhất định đến DN nhưng bằng việc áp dụng công nghệ, đổi mới sản xuất sẽ khắc phục được. DN muốn cạnh tranh được phải bằng công nghệ và năng lực quản trị DN chứ không phải chủ yếu dồn gánh nặng lên vai NLĐ" - ông Hiểu nói.

Về việc bổ sung ngày nghỉ lễ trong năm, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 2-9, cùng với dịp khai giảng. "Như vậy, các gia đình, công nhân được tạo điều kiện đưa con đến trường vào ngày đầu năm học mới. Thực tế, cả năm học nhiều công nhân không có thời gian đưa con đi học ngày nào. Với tư cách là thành viên ban soạn thảo, chúng tôi đã đề xuất nội dung này từ lâu nhưng rất tiếc chưa được đưa vào dự thảo" - ông Hiểu bày tỏ.

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng ngày nghỉ của Việt Nam đang thấp so với các nước trong khu vực. Nếu như Trung Quốc và Myanmar thực hiện chế độ 21 ngày nghỉ trong năm thì Việt Nam chỉ có 10 ngày.

Công nhân phải được thụ hưởng

Mong muốn có thêm ngày nghỉ cho NLĐ, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc chọn ngày nào có thể đưa ra lấy ý kiến nhân dân hoặc của đại biểu QH. "Theo tôi, nên chăng chúng ta có thể chọn Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường hoặc Ngày gia đình Việt Nam. Đó là những vấn đề đều liên quan đến đông đảo quần chúng nhân dân, tăng thụ hưởng, tăng tình thân trong gia đình, tình cảm trong xã hội" - bà Hải đề xuất. Trưởng Ban Dân nguyện cũng lo ngại tình trạng CN làm việc liên tục, tăng ca thường xuyên nên không có thời gian thụ hưởng các thành quả của xã hội. Đối với đề xuất này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đánh giá tác động, xem ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và cuộc sống của CN.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên