“Không dung túng, bao che những cán bộ liên quan đến vụ Formosa”
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thể hiện quyết tâm không dung túng, bao che những cán bộ liên quan đến vụ Formosa Hà Tĩnh.
- 24-02-2017Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường lên tiếng về kết luận các cán bộ vi phạm trong vụ Formosa
- 22-02-2017UBKT Trung ương kết luận xử lý tập thể, cá nhân liên quan vụ Formosa
- 22-02-2017Xác minh clip bịa đặt Formosa xả thải
- 08-02-2017Đã cấp 4.680 tỉ đồng bồi thường vụ Formosa
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật hàng loạt cán bộ liên quan đến vụ Formosa Hà Tĩnh đang tạo thêm niềm tin cho người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng đang được thực hiện hết sức nghiêm túc. Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PV: Thưa ông, thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét kỷ luật nhiều cán bộ liên quan đến vụ Formosa Hà Tĩnh có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm này?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Thông báo này rất phù hợp với nguyện vọng của người dân miền Trung – những người chịu ảnh hưởng bởi Formosa và người dân cả nước đang trông chờ một sự quyết liệt, nghiêm túc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đối với những người chịu trách nhiệm gây ra thảm họa môi trường.
Những người liên quan trực tiếp, gián tiếp đều đã được đưa vào diện để xem xét, kỷ luật, xử lý – điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước không dung túng, bao che, không chối bỏ trách nhiệm đối với những người gây ra vụ việc rất nghiêm trọng như vậy.
PV: Sau khi sự cố môi trường biển vừa qua xảy ra, ông Võ Kim Cự vẫn khẳng định đã làm đúng và sự cố xảy ra chỉ nằm ngoài ý muốn. Nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ:“Trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế”. Người dân đang mong chờ một phán quyết đúng đắn dành cho những cán bộ thiếu trách nhiệm như ông Võ Kim Cự. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Chắc chắn phải có kiểm điểm từ thời ông Võ Kim Cự làm lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ở các vị trí quản lý. Chắc chắn không phải một mình ông có thể quyết định được việc cho Formosa thuê 50 hay 70 năm, trong khi đó, quy định của Nhà nước là chỉ cho thuê 50 năm, nhưng ông chủ trương cho thuê 70 năm sau đó mới thông báo quyết định đó ra Trung ương. Như vậy ông phải chịu trách nhiệm về quyết định đối với Formosa. Chúng ta phải tìm xem quyết định của ông có vụ lợi gì không mà lại làm trái quy định chung của Nhà nước?
PV: Theo ông, có nên xem xét đến các chức vụ hiện nay của ông Võ Kim Cự, khi ông đã không còn ở Hà Tĩnh mà đã ra Trung ương nắm giữ các vị trí khác?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Hiện nay chức vụ của ông Cự là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ngoài ra, ông Cự đang là thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì Quốc hội phải có ý kiến.
Sau đó bên chính quyền cũng phải có ý kiến từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để làm rõ sai phạm của ông đến đâu để xử lý. Người dân rất mong chờ các bước tiếp theo phải làm nhanh và kiên quyết xử lý.
PV: Từ sự cố Formosa chúng ta thấy có những kiểu im lặng đáng sợ, khác xa thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Một là, trong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chắc chắn có nhiều người có hiểu biết không đồng tình hoặc băn khoăn với việc một tập đoàn từng làm ảnh hưởng môi trường ở nhiều nước đầu tư vào Hà Tĩnh; biết trong quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, song không dám nói, không dám bày tỏ chính kiến. Hai là, vẫn còn hiện tượng bưng bít thông tin, thậm chí xuyên tạc sự thật. Tất cả những kiểu im lặng đó, theo ông, có phải là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức hay không?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Nếu áp vào những biểu hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu lên về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì sẽ thấy rất rõ. Năm 2016, tôi vào Hà Tĩnh và biết khu Formosa mang lại nguồn lợi, thu nhập rất lớn cho Hà Tĩnh.
Rõ ràng những người ở Hà Tĩnh vì thấy có nguồn lợi như vậy nên cũng có những ưu ái và nhiều khi những ưu ái đó vượt qua những quy định nên đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho người dân, môi trường và môi trường kinh doanh nói chung.
Tôi cũng đồng tình những sai phạm đó nằm trong những biểu hiện Nghị quyết Trung ương 4 nêu ra.
PV: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ những vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật; Yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức kiểm điểm, xem xét kỷ luật đối với những cán bộ thuộc thẩm quyền. Theo ông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh phải tổ chức kiểm điểm, xem xét kỷ luật cán bộ với một tâm thế, thái độ như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Mặc dù có người trong cuộc nói họ đã làm tròn trách nhiệm, đúng quy trình nhưng bây giờ kiểm điểm tại sao Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại chỉ ra và công khai kết luận như vậy? Chắc chắn Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải có căn cứ. Giữa những người chịu trách nhiệm và những người đi điều tra để đưa ra kết luận cần ngồi lại với nhau, phải làm rõ. Muốn như thế thì phải công khai những sai phạm, sai ở đâu phải kiểm điểm ở đó.
Người dân không chỉ mong chờ đến câu chữ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là “đến mức phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật” mà thậm chí nếu vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý bằng luật pháp. Tôi nghĩ rằng, bước tiếp theo, quan chức cấp Bộ liên quan đến Formosa cũng phải kiểm điểm, xử lý.
PV: Xin cảm ơn ông.
VOV