MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không khí ô nhiễm nhất thế giới, thủ đô quốc gia này kêu gọi người dân “ở nhà” để dễ thở hơn

03-11-2022 - 20:52 PM | Tài chính quốc tế

Không khí ô nhiễm nhất thế giới, thủ đô quốc gia này kêu gọi người dân “ở nhà” để dễ thở hơn

Chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ vừa kêu gọi người dân làm việc tại nhà để tránh khói bụi độc hại bao trùm khu vực, biến nơi đây trở thành đô thị ô nhiễm nhất thế giới.

Động thái này diễn ra sau khi chính quyền thủ đô New Delhi áp dụng một loạt các biện pháp, trong đó có lệnh cấm đốt rơm rạ ở các khu vực xung thanh thủ đô. Hoạt động xây dựng cũng đã bị yêu cầu tạm ngừng để tránh tạo thêm bụi bẩn.

Mức độ ô nhiễm ở thủ đô Ấn Độ tăng đột biến vào mỗi mùa đông, dẫn tới việc không khí vượt ngưỡng an toàn gấp nhiều lần. Riêng trong ngày 3/11, chỉ số ô nhiễm không khí của thành phố này đã tăng lên 551 trước khi giảm xuống 409 vào lúc 2 giờ chiều. Trong khi đó, mức độ trên 300 đã được coi là nguy hại.

“Tôi yêu cầu người dân Delhi phải nỗ lực để giảm thiểu phát thải”, quan chức phụ trách môi trường của thủ đô Ấn Độ cho biết. Các biện pháp được liệt kê bao gồm làm việc tại nhà, sử dụng sưởi điện thay vì đốt củi hoặc than để thoát khỏi cái lạnh của mùa đông.

Bất chấp nỗ lực của Liên bang và tiểu bang, hàng triệu người ở thủ đô New Delhi vẫn phải vật lộn với những tháng “khó thở” nhất trong năm vì ô nhiễm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy không khí ô nhiễm ở khu vực miền bắc Ấn Độ làm giảm tới 8,5 năm tuổi thọ của khoảng 480 triệu người.

Thực trạng này càng làm nổi bật những thách thức với Chính phủ Ấn Độ trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. Hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế phát thải nhiều thứ 3 trên thế giới.

Bên cạnh các biện phát đã đề ra, người dân ở New Delhi cũng được khuyến khích đi chung xe để giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông, vốn chiếm tới 51% nguồn ô nhiễm của thành phố. Những công nhân xây dựng cũng sẽ được trả khoản tiền 60 USD cho việc đóng cửa các công trường.

Giống những năm trước đây, ô nhiễm đã làm trầm trọng thêm các vấn đề khó khăn về hô hấp của người dân trong thành phố, nơi bị ảnh hượng nặng nề nhất bởi đợt bùng phát đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái. Các bản tin cho biết ô nhiễm khiến rất nhiều trẻ em khó thở và ho dai dẳng.

Không khí ô nhiễm ở thủ đô Ấn Độ đã được nhắc nhiều. Thậm chí, một nghiên cứu năm 2021 cho thấy hít thở bầu không khí ở thành phố này tương đương với hút 20 điếu thuốc/ngày. Khói mù làm gia tăng nguy cơ gây các bệnh về đường hô hấp và trớ trêu là những người lao động nghèo lại đang là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhóm đối tượng này cũng là những người không thể làm việc từ xa. Nếu không thể làm việc, gia đình họ sẽ mất đi nguồn thu nhập, thậm chí là thiếu cái ăn. Chính vì thế, dù biết nguy hiểm nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.

Không chỉ ở thủ đô, các thành phố lớn của Ấn Độ, quốc gia hơn 1 tỷ dân, cũng đang phải chịu ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, mật độ dân số đông ở thủ đô cùng với sự phát triển của thành phố khiến nơi đây chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều khu vực khác. Dù có nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng đây vẫn là vấn đề chưa thể sớm tìm được lời giải.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên