MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không lo nợ xấu gia tăng, vì đã có “gậy”

25-08-2017 - 14:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có hiệu lực, những hoạt động xử lý nợ xấu đầu tiên theo Nghị quyết đã diễn ra. Vì thế, dù nợ xấu luôn là nỗi lo của ngành ngân hàng, nhưng hệ thống TCTD đã có thể yên tâm hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
75 bài viết

Nợ xấu còn đó

Báo cáo tài chính kết thúc quý II/2017 của nhiều ngân hàng thương mại đã cho thấy nợ xấu có dấu hiệu tăng lên. Tăng mạnh nhất là khối lượng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), ở mức 2,21%, trong khi đầu năm nợ xấu chỉ vào khoảng gần 1,5%. Trong khối các ngân hàng có vốn nhà nước, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có số lượng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là hơn 6.990 tỷ đồng, tăng cao hơn con số hơn 6.910 tỷ đồng của cuối năm 2016, trong khi nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng hơn 74,9%, lên hơn 1.810 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,02% lên 1,17% trên tổng dư nợ. Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tỷ lệ nợ xấu cũng đã tăng từ 1,57% vào cuối năm 2016 lên mức 2,06% trong 6 tháng đầu năm 2017…

Mặc dù các nhà băng hoạt động vẫn có lãi, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm xuống, nhưng những con số nợ xấu vẫn “bật đèn” cảnh báo, khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Có thể thấy, nợ xấu vẫn luôn là nỗi lo và gánh nặng của hệ thống ngân hàng. Vì thế, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42, các ngân hàng đều thể hiện sự đồng tình ủng hộ, khi đây sẽ là “gậy” để giải quyết khối lượng nợ xấu còn tồn tại trong hệ thống nhiều năm qua. Ngoài ra, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Theo đó, việc sửa đổi này nhằm phù hợp với quy định về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn và thực tiễn hoạt động của VAMC.

Mặc dù theo các chuyên gia, Nghị quyết 42 của Quốc hội có nhiều điểm mới, thời gian đầu triển khai sẽ không tránh khỏi khó khăn nhất định nên để thực thi hiệu quả, các cơ quan quản lý cần bổ sung thêm các văn bản hướng dẫn nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc xử lý nợ.

Công cụ quyền năng

Vào ngày 22/8, VAMC đã phát đi thông báo đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo đầu tiên theo Nghị quyết 42 của số nợ lên trên 7.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower. Đây là số nợ xấu VAMC không thu giữ được do vướng mắc ở Luật Dân sự 2015 quy định TCTD hay tổ chức mua bán nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Nếu muốn thu giữ, các bên sẽ phải đưa ra tòa án để giải quyết. Vì thế, VAMC kỳ vọng, với nhiều công cụ quyền năng trong tay, đến cuối năm nay, con số nợ xấu mà VAMC phối hợp với tổ chức tín dụng thu hồi sẽ tốt hơn nhiều so với kế hoạch, khoảng 23.500 tỷ đồng nợ xấu. Bên cạnh đó, cơ quan này cho biết đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đưa trung tâm đấu giá đi vào hoạt động.

Nhận xét về tác động của Nghị quyết 42 tới việc xử lý nợ xấu, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Nghị quyết sẽ mang lại lợi ích lớn, nhất là đối với những ngân hàng nhỏ. Ông Nghĩa lấy ví dụ, tài sản đảm bảo khi định giá vào thời điểm cho vay được 100 tỷ đồng, nhưng nếu phát mại thời điểm này chỉ được 40 tỷ đồng, ngân hàng lỗ ngay 60 tỷ đồng nên không dám bán. Vì thế, Nghị quyết cho phép ngân hàng hạch toán lỗ dần trong nhiều năm sẽ giúp bảng cân đối tài sản tích cực hơn, hỗ trợ ngân hàng dám mạnh dạn bán tài sản đảm bảo, khơi thông nguồn vốn. Ngoài ra, việc thu giữ tài sản đảm bảo trước đây gặp phải nhiều phản ứng, chịu nhiều quy định của các cơ quan chức năng khác, nhưng hiện nay, việc thu giữ tài sản nếu chống đối sẽ có cưỡng chế, căn cứ vào Nghị quyết, chính quyền phải hợp tác với ngân hàng trong thu giữ tài sản đảm bảo, giúp vấn đề này được xử lý nhanh chóng hơn.

Theo NHNN, Nghị quyết chỉ có thời hạn 5 năm kể từ ngày 15/8/2017 nhưng Nghị quyết cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD, tổ chức mua bán nợ xấu. Vì thế, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, nếu Nghị quyết phát huy được hiệu quả tích cực, rất có thể Quốc hội sẽ có quyết định kéo dài thời hạn thực hiện hoặc thể chế thành những văn bản pháp luật liên quan khác, bởi rõ ràng, khối lượng nợ xấu nhiều và hoạt động ngân hàng không thể tránh khỏi nợ xấu nên luôn cần giải pháp để xử lý hữu hiệu.

Có thể thấy, các ngân hàng đã phần nào yên tâm hơn khi “bức tranh” nợ xấu đã có điểm sáng và lối thoát, giúp giải quyết “cục máu đông” nhiều năm, khơi thông dòng vốn giúp phát triển kinh tế. Vì thế, mặc dù Chính phủ “thúc” tăng trưởng tín dụng lên 21-22% trong năm 2017, hệ thống TCTD vẫn có thể đáp ứng. Tuy nhiên, “phòng bệnh” luôn tốt hơn “chữa bệnh”, nên tăng tín dụng phải đi kèm đảm bảo chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu mới phát sinh; vấn đề này cần sự vào cuộc không chỉ các cơ quan quản lý mà bản thân ngân hàng, DN cũng phải có ý thức để đảm bảo hoạt động vay nợ - trả nợ được thông suốt.

Theo Hương Dịu

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên