Nắm giữ cổ phiếu ngân hàng nhưng không có cổ phiếu dầu khí, thành quả 4 tháng đầu năm của Pyn Elite Fund “bốc hơi” hoàn toàn
Hiện tại, MWG vẫn là khoản đầu tư lớn nhất chiếm tỷ trọng 16,1%, tiếp theo là bộ đôi ngân hàng TPB (10,38%) và HDB (8,73%).
Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 4/2019 với tăng trưởng NAV/Shares âm 2,83% trong tháng 4. Diễn biến kém tích cực trong tháng vừa qua khiến tăng trưởng NAV/Shares trong 4 tháng đầu năm của quỹ âm 0,65%.
Quy mô tài sản Pyn Elite Fund tính tới cuối tháng 4 đạt 388 triệu EUR, trong đó cổ phiếu chiếm 94% và còn lại là tiền mặt.
Hiện tại, MWG vẫn là khoản đầu tư lớn nhất chiếm tỷ trọng 16,1%, tiếp theo là bộ đôi ngân hàng TPB (10,38%) và HDB (8,73%). Cổ phiếu VEA hiện đứng thứ 5 trong danh mục với tỷ trọng 5,12%. Trong khi đó, Pyn Elite Fund đã giảm mạnh tỷ trọng HBC xuống còn 1,78%.
Top danh mục Pyn Elite Fund với tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng
Hiệu quả thấp do nắm nhiều cổ phiếu ngân hàng, nhưng không nắm cổ phiếu dầu khí
Trong báo cáo, Pyn Eltie cho biết chỉ số VN-Index đi ngang trong tháng 4, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng tốt trong bối cảnh giá dầu tăng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng suy yếu do nhà đầu tư lo ngại về những chính sách mới từ NHNN. Hiệu suất danh mục Pyn Elite Fund giảm 2,8% do không có cổ phiếu năng lượng, trong khi nắm tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng.
Diễn biến cổ phiếu dầu khí, ngân hàng trái ngược nhau trong những tháng đầu năm
S&P lần đầu nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam sau 9 năm. Cổ phiếu ngân hàng của Pyn Elite Fund như TPB, HDB, STB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt 42%; 27% và 18% so với năm trước.
Tuy nhiên, tin tốt đã bị lu mờ trước những lo ngại về chính sách từ NHNN. Trước đây, các công ty tài chính tiêu dùng được tự do vận hành, nhưng gần đây NHNN đã đưa ra dự thảo thông tư thay đổi về phương thức giải ngân vốn và thu hồi nợ và thị trường đánh giá đây là thông tin tiêu cực cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Pyn cho rằng dự thảo ảnh hưởng đến bên cho vay với danh mục cho vay tiền mặt lớn và chính sách bảo lãnh phát hành lỏng lẻo.
Trong một dự thảo khác, NHNN có đề xuất nâng hệ số rủi ro với các khoản vay, cũng như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Một số nhà đầu tư cho rằng dự thảo mang tính thắt chặt. Trên thực tế, các ngân hàng đáp ứng yêu cầu của NHNN có thể nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều. TPB dự kiến tăng trưởng tín dụng 20-30% khi áp dụng Basel II vào tháng 4, trong khi nhiều ngân hàng khác tăng trưởng tín dụng được giới hạn ở mức 13-14%.
Về thị trường, giá trị giao dịch bình quân giảm một nửa trong 4 tháng đầu năm 2019. Giá trị giao dịch thấp bất thường và Pyn Elite Fund hy vọng sẽ sớm tăng trở lại. Trong 2 năm qua, vốn hóa TTCK Việt Nam đã tăng từ 100 tỷ USD lên 190 tỷ USD, trong khi giá trị giao dịch chỉ tăng 13%.
Về tình hình vĩ mô, trong tháng 4, PMI Việt Nam tăng tốc lên 52,5 điểm; xuất khẩu tăng 7,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,3%; Doanh số bán xe tăng 43,3% trong quý 1/2019; Doanh số bán lẻ tăng 12% trong 4 tháng đầu năm. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục với 66 tỷ USD (3,1 tháng nhập khẩu).
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 29% và Trung Quốc trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại.