Không nên dùng từ "giải cứu" nông sản nữa!
Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng không nên dùng từ giải cứu nữa, vì nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá.
- 16-08-2023Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ: Câu chuyện truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới
- 15-08-2023Nếu tài sản đạt 16 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng sẽ lọt top 4 tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á, vượt qua người giàu nhất Thái Lan và Singapore
- 15-08-2023Hà Nội muốn phát triển du lịch dọc sông Hồng
Hóa giải "lời nguyền" được mùa mất giá
Chiều 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) đặt vấn đề, tình trạng giá nông sản rớt thê thảm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
"Bộ trưởng có giải pháp gì cứu nông sản cho ĐBSCL?", đại biểu Phong đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Đại biểu Phong cũng đặt câu hỏi, giải pháp cho việc người dân ùn ùn phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng vì giá mặt hàng này đang tăng cao?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Bộ trưởng không đi giải cứu và cũng không nên dùng từ giải cứu nữa", vì nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá. Bộ trưởng đề nghị cần tư duy lại chỗ này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Bộ trưởng không đi giải cứu và cũng không nên dùng từ giải cứu nữa"
Dẫn chứng ở Vĩnh Long, khoai lang Bình Tân đang được giá nhưng do tranh mua, tranh bán giữa thương lái và doanh nghiệp nên có lúc nông sản bị đẩy giá lên, có lúc bà con bị bỏ lại.
"Chúng ta không cấu trúc lại ngành hàng, không đưa bà con vào hình thức hợp tác nào đó thì chúng ta không bao giờ thành công. Chúng ta đừng đánh giá doanh nghiệp ép giá người nông dân. Có doanh nghiệp chụp hình gửi cho tôi khoai lang từ Vĩnh Long đưa ra cửa khẩu 40% phải bỏ vì không đủ quy cách, chủng loại", Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng cái khó của doanh nghiệp.
Về vấn đề sầu riêng, Bộ trưởng khẳng định, đó là sự lựa chọn của bà con, chúng ta không có thẩm quyền nào bắt bà con không được trồng sầu riêng.
"Chúng ta phải tập hợp bà con để khuyến nông, thông tin về thị trường, kết nối với doanh nghiệp, vì giá cả sáng khác, chiều khác, hiệu ứng nào cũng làm giá tăng lên, giảm xuống nên cần cân nhắc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nhấn mạnh cần cả hệ thống vào cuộc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, không phải muốn né trách nhiệm của Bộ trưởng mà cần sự vào cuộc của các cấp để tạo sự gắn kết chặt chẽ.
Nông nghiệp thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu nghịch lý, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân sản xuất ra lúa gạo vẫn nghèo, nghĩa là cây lúa không mang lại lợi nhuận đáng kể cho người sản xuất.
Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết nguyên nhân của nghịch lý này? Những giải pháp trước mắt và lâu dài của Bộ để cải thiện tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu nghịch lý, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân sản xuất ra lúa gạo vẫn nghèo
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, theo khảo sát, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế và người trồng lúa cũng là người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp. Đó là điều không nói khác được, nhưng chúng ta có thể làm khác đi.
"Bối cảnh này, giá gạo tăng hàng ngày, đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn", ông Hoan nói.
Ông nhắc lại chia sẻ của một người nông dân: "Nếu giá lúa cao, thu nhập ổn định thì nông dân miền Tây sẵn sàng đem mùng ra ngoài đồng giữ lúa cho nhà nước, để đảm bảo an ninh lương thực, còn nếu giá thấp chúng tôi sẽ bỏ ruộng".
"Đó là điều ám ảnh tâm trí tôi, làm sao cải thiện thu nhập của người nông dân trồng lúa", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ. Bộ trưởng cho biết, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ rất quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí.
Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, "ba tăng, ba giảm", tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa, có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững, đó cũng là một vấn đề.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
vtv.vn