MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên "khoanh vùng" xử lý cán bộ về hưu

18-02-2019 - 09:05 AM | Xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý cán bộ về hưu nên áp dụng cho tất cả các cấp, các vị trí thay vì chỉ giới hạn từ cấp thứ trưởng trở lên như dự thảo của Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ - Công chức (CB-CC) và Luật Viên chức (VC). Một trong những điểm mới trong lần sửa đổi này là những quy định liên quan đến việc xử lý kỷ luật CB-CC-VC đã nghỉ hưu có vi phạm khi còn đương chức. Theo đó, các trường hợp này vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy tố theo quy định.

Nhiều người sẽ "hạ cánh an toàn"

Bộ Nội vụ cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng trên. Theo đó, chỉ nên áp dụng quy định đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định chứ không phải tất cả CB-CC-VC đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Do vậy, Bộ Nội vụ trình 2 phương án về việc này để xin ý kiến Chính phủ.

Phương án thứ nhất là quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả CB-CC-VC có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu. Phương án thứ hai là chỉ xử lý kỷ luật đối với CB-CC giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương, cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc "khoanh vùng" này không hợp lý. Cán bộ đã vi phạm dù ở cấp nào cũng phải xử lý như nhau. Ông Hòa cho rằng quy định như vậy thì những vị trí lãnh đạo khác ở cấp tổng cục, cục... sẽ "hạ cánh an toàn". Bên cạnh đó, mức độ vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm mới là yếu tố quan trọng để xem xét xử lý chứ không phải vị trí, cấp bậc.

 Không nên khoanh vùng xử lý cán bộ về hưu  - Ảnh 1.

Ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 do những sai phạm khi còn đương chức Ảnh: CHINHPHU.VN

Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh cán bộ ở cấp thấp cũng có thể vi phạm rất nặng, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, khi đã phát hiện vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh ở mọi cấp để bảo đảm công bằng. Trước một số lo ngại về việc nếu không "khoanh vùng" trong xử lý cán bộ về hưu thì sẽ khó thực thi vì quá rộng, ông Dĩnh cho rằng quan trọng là ngăn chặn để không xảy ra vi phạm. Còn để xảy ra sai phạm thì dù nhiều cán bộ cũng phải xử lý, bất kể cấp bậc.

Thực tế cho thấy từ đầu năm 2017 đến nay, việc xử lý kỷ luật cán bộ về hưu đã không phân biệt cấp nào. Cụ thể, tháng 1-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết và sau đó Thủ tướng ra quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Cũng trong năm 2017, Thủ tướng quyết định xóa tư cách nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự.

Xóa "tư duy nhiệm kỳ", "chuyến tàu vét"

Việc công khai xử lý cán bộ nghỉ hưu là nhằm tuyên chiến với "tư duy nhiệm kỳ", "chuyến tàu vét" của không ít cán bộ hiện nay. Do vậy, nhiều ý kiến nghiêng về phương án không "khoanh vùng". Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh để bảo đảm sự nghiêm minh thì cán bộ cấp nào vi phạm cũng phải xử lý nghiêm, đặc biệt trong bối cảnh công tác phòng chống tham nhũng đang được Đảng và nhà nước quan tâm, chú trọng.

"Không nên gói gọn từ cấp thứ trưởng như vậy, nếu đã vi phạm thì dù là nhân viên, chuyên viên văn phòng hay cấp cao hơn nữa đều phải xử lý. Đó chỉ mới là xử lý theo Luật CB-CC và Luật VC, ngoài ra còn phải xử lý theo pháp luật tùy theo mức độ vi phạm" - ông Hòa nhìn nhận.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng pháp luật là bình đẳng với tất cả công dân. Vì vậy, việc xử lý sau khi về hưu cũng cần phải công bằng, bình đẳng với tất cả. Nghĩa là ai vi phạm đều phải xử lý, không phân biệt cấp bậc, chức vụ, vị trí.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương, nhận định việc đưa ra các quy định xử lý cán bộ về hưu từng xảy ra sai phạm là rất cần thiết. Trước hết, khi đã đưa vào luật thì các cán bộ phải nhìn vào đó để tự răn đe mình, tự ý thức để không phạm phải các sai lầm, khuyết điểm. Và để mang tính răn đe cao thì việc xử lý cán bộ đã nghỉ hưu nên mở rộng ra nhiều cấp, không nên chỉ áp dụng từ thứ trưởng trở lên.

Tăng thời hiệu xử lý vi phạm

Theo quy định của Luật CB-CC và Luật VC hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến lúc phát hiện. Theo Bộ Nội vụ, quy định thời hiệu như vậy thực tế là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý CB-CC-VC có hành vi vi phạm. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi theo hướng tăng lên 60 tháng.

Các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được áp dụng thời hiệu trên gồm: Cán bộ bị khai trừ Đảng; vi phạm về bảo vệ chính trị nội bộ; xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; dùng văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả.


Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên