MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên tập trung khai thác dầu, tài nguyên để tăng GDP mà coi đó là của để dành cho con cháu mai sau

Sáng ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, thu chi ngân sách.

So với các ngày làm việc trước, thời lượng ngày họp hôm nay được kéo dài thêm 1h30 phút, đến tận 18h30 để các đại biểu và các Bộ trưởng có thêm thời gian phát biểu, chất vấn và giải trình.

Ngay đầu giờ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 80 đại biểu đăng ký phát biểu. Do số lượng đại biểu đăng ký quá tải khiến cho hệ thống kỹ thuật tại Nghị trường bị trục trặc, một số đại biểu đăng đàn sớm đã không thể phát biểu tại chỗ như mọi khi mà được mời lên gần đoàn chủ toạ

Là người đăng đàn đầu tiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh đã đặt vấn đề về ngân sách. Đại biểu nhận xét Chính phủ đang gặp trục trặc về khả năng trả nợ và loay hoay với bài toán chi thường xuyên.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đoàn Hà Nội phát biểu ngay sau đó lại phân tích sâu về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo, trong đó, có nguyên nhân từ việc đối thoại, tiếp dân của người đứng đầu địa phương chưa được thực thi đúng mức. Đại biểu đã đưa ra 6 góp ý cho Quốc hội để thực hiện tốt hơn vấn đề trên.

Đại biểu Đoàn Văn Việt của Lâm Đồng thì đưa ra nhấn mạnh vào câu chuyện nông sản với điệp khúc từ nhiều năm nay: “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” mà việc giải cứu lợn, chuối, hay hình ảnh “quả cà chua chin rục trên cây” đã được đại biểu dẫn ra.

“Sản xuất theo quy mô nhỏ tẻ, không theo quy hoạch, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp kém, tạo ra sản phẩm giá trị thấp, lấy công làm lời…”, đại biểu nhấn mạnh khi nói về nông nghiệp Việt. Đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tạo chuỗi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung tích tụ đất đai, quảng bá thương hiệu thành phẩm…

Nhiều vấn đề khác liên quan đến tình hình thực tiễn xã hội cũng đã được các đại biểu dẫn ra.

Mặc dù trong năm vừa qua, sự phát triển của doanh nghiệp, nhìn trên con số doanh nghiệp được thành lập rất tích cực, nhưng đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước lại cho rằng không nên quá lạc quan. Bởi cứ 10 doanh nghiệp ra đời lại có 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Bên cạnh đó, nhiều nơi chính quyền chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường nhưng vẫn thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này. Ông đưa ra ví dụ về một doanh nghiệp chế biến mủ cao su đã nhận án phạt, đóng cửa nhà máy sản xuất chỉ sau 3 tháng hoạt động vì lý do tự ý thay đổi công nghệ không đúng quy trình dù công nghệ của nhà máy này hiện đại, cao hơn tiêu chuẩn quy định. Hay một giám đốc doanh nghiệp cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa trước than phiền rằng cũng mất khá nhiều thời gian, chi phí để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mình.

Đại biểu cho rằng vì doanh nghiệp không thể hoạt động tốt nên nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Dẫn đến việc phải khai thác thêm vài triệu tấn dầu, khai thác tài nguyên và tăng thu từ đất để tăng GDP.

Tuy nhiên, địa biểu đề nghị không nên tập trung khai thác như vậy, bởi nên coi dầu, tài nguyên hay nguồn thu từ đất là của để dành cho con cháu mai sau.

N.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên